Hàng ngàn doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế khi Nghị định 126 chính thức áp dụng từ ngày 5/12 tới, nếu quý 4 có thu nhập vượt ngoài dự tính so với ước tính thu nhập cả năm. Trái lại, nếu chọn cách đóng “dôi dư” để tránh rủi ro thì nguồn vốn lưu động của DN bị chiếm dụng thay vì được đưa vào sản xuất, kinh doanh.

DN sẽ buộc phải tìm cách “né” rủi ro bị phạt do nộp thiếu thuế, hay người làm chính sách nên lắng nghe và điều chỉnh quy định cho sát thực tiễn – còn hơn 2 tuần nữa để cơ quan thuộc Chính phủ giải đáp được khúc mắc này.

nghi dinh 126 lam kho DN
Công nhân xử lý ván ép thủ công trên băng chuyền trước khi đưa vào đóng thành lô tại một nhà xưởng tại Đồng Hới, Quảng Bình, tháng 4/2020. (Ảnh: Loner Nguyen/Shutterstock)

Nỗi sợ cuối năm… tăng doanh thu (!)

Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (có hiệu lực từ ngày 5/12/2020) đưa ra thay đổi lớn đối với việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cả về định mức và thời hạn tạm nộp so với quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành, hàng quý, các DN tạm tính số thuế phải nộp và phải đảm bảo nộp tối thiểu 80% số quyết toán trong năm trước ngày 31/12. Phần còn lại hoàn tất trước ngày 30/1 năm sau.

Với Nghị định 126, hàng quý, DN vẫn tạm nộp thuế TNDN, nhưng đảm bảo nộp tối thiểu 75% số quyết toán năm trước ngày 31/10. Phần còn lại hoàn tất tới hết ngày 30/3 năm sau. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả khi DN nộp đủ mức tối thiểu 75% số thuế quyết toán năm, nhưng doanh thu quý 4 tăng cao khiến thu nhập tăng, dẫn đến tổng thu nhập cả năm tăng, thì lúc này tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm sẽ trở thấp hơn 75% tổng số thuế thu nhập cả năm phải nộp. Khi này, DN sẽ bị coi là nộp thiếu và bị áp mức phạt.

Các ý kiến phản đối xoay quanh thời điểm phải tạm nộp thuế TNDN tối thiểu, khi cho rằng tại quy định hiện hành, thời điểm tạm nộp TNDN là trước ngày 31/12, và hạn cuối tạm nộp thuế TNDN quý 4 là 30/1 năm sau, tức khi DN đã kết thúc năm tài chính, nên tính được số thuế TNDN phải tạm nộp nên DN ít có khả năng sai số và bị tính tiền chậm nộp thuế.

Với quy định mới, thời điểm tạm nộp thuế TNDN sớm hơn 2 tháng trước khi kết thúc năm tài chính. Nếu DN dự đoán lợi nhuận quý 4 không chuẩn, lợi nhuận tháng 4 tăng cao sẽ dẫn đến tổng thuế thu nhập cả năm tăng. Khi đó, số thuế nộp thiếu sẽ được tính từ ngày 1/11 năm đó.

Để tránh nguy cơ bị phạt do mức thuế tạm đóng thiếu hụt, DN không đoán chắc được doanh thu có thể chọn cách nộp dư. Tuy nhiên cách này sẽ khiến DN bị chiếm dụng vốn trong khi nguồn tiền có thể đầu tư vào sản xuất, tăng doanh thu.

Từ tháng 12/2020, ngành thuế được nắm dữ liệu giao dịch ngân hàng của cá nhân

Tránh “bẫy sách vở” để tạo động lực cho DN hoạt động

Một chủ DN tại TP.HCM cho biết thay đổi trên có hai điểm cần chú ý. Thứ nhất, quy định mới là đóng sớm hơn 2 tháng thì đóng trước 75%, số còn lại phải đóng đủ cho tới hết tháng 3. Còn quy định cũ thì lùi lại 2 tháng và đóng thêm 5% nữa, số còn lại phải đóng đủ tới hết tháng 1 năm sau. Theo đó, có thể thấy với quy định mới, cơ quan thuế có thể thu tiền thuế TNDN sớm hơn từ phía DN.

Tuy nhiên, điểm thứ hai là với quy định mới, thời điểm tạm đóng chưa hết tháng 12 thì sẽ không tổng kết sổ để biết được số thuế thu nhập cả năm. Không biết số thuế cả năm thì khó xác định được mức đóng tương ứng với tỷ lệ 75%.

“Cuối năm là thời điểm sale off (giảm giá) để thúc đẩy mua hàng, nhiều khả năng doanh thu tăng vào thời điểm này. Do đó, chỗ này không rõ nên  thực hiện thế nào thì được. Vậy Nhà nước phải giải thích rõ dự toán sai thì phạt thế nào trong 2 tháng cuối năm.” – vị này chỉ ra vấn đề.

Sau khi xem xét quy định mới, một chuyên gia kinh tế cho hay: “Về bản chất, nghị định quản lý thuế mới không sai. Vì thu nhập phát sinh đến đâu, doanh nghiệp phải nộp đến đó. Quy định này để tránh trường hợp doanh nghiệp dồn mọi thứ vào cuối năm, tìm cách biến báo”.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận “cách làm luật này không logic lắm, căn cứ phạt cũng khó”, khó cho DN là phải dự toán kỹ càng hơn.

Phân tích kỹ hơn, luật sư T.T.T.D (Hà Nội) cho biết từ góc độ quản lý Nhà nước, chính sách thu thuế TNDN mới có thể giúp giảm thiểu tình trạng trốn thuế, nợ thuế của DN; giúp Chính phủ sớm ước lượng được chính xác nguồn thu ngân sách Nhà nước từ thuế TNDN trong năm và có thời gian cân nhắc, lên kế hoạch phân bổ ngân sách cho năm sau; và minh bạch hóa chi phí của doanh nghiệp.

Đối với nền kinh tế, chính sách thu thuế mới đòi hỏi DN cần có kế hoạch tăng trưởng kinh doanh trong năm cụ thể, ước lượng tương đối chính xác thu nhập trong năm vô hình trung góp phần làm ổn định thị trường chứng khoán do các DN không thể thoái vốn/tăng vốn bất thường như trước, làm ổn định lãi tiền gửi và tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ.

“Tuy nhiên, đứng trên góc độ DN, chính sách thuế mới này gây nên không ít khó khăn bao gồm cả khía cạnh đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và cả khía cạnh tối ưu hóa kinh doanh”, luật sư cho biết.

“DN sẽ dễ nộp thiếu thuế hơn so với chính sách thu thuế tạm nộp theo quý hiện hành nếu quý 4 có thu nhập vượt ngoài dự tính và dẫn đến DN bị xử phạt vi phạm hành chính. Để tránh vi phạm, DN cần phải có nhân sự xây dựng kế hoạch kinh doanh với chuyên môn cao, dự kiến sát sự biến động của thị trường trong cả năm và cần có hệ thống kế toán, quản lý chi phí chuẩn xác. Trong khi đa số các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, rất khó để tuyển dụng nhân sự và xây dựng hệ thống kế toán, quản lý chi phí chuyên nghiệp, chất lượng cao. Ngoài ra, DN cần phải ước tính trước cả năm các chi phí cuối năm có thể phát sinh để tránh trường hợp số thuế tạm nộp cao hơn số thuế thực nộp.

Đối với các DN lớn, việc phải tạm nộp thuế cho 3 quý đầu năm tối thiểu 75% thuế thực nộp của năm khiến các DN bị mất đi nguồn vốn lưu động để đưa vào sản xuất, kinh doanh và dẫn đến thu nhập DN bị sụt giảm so với việc thi hành chính sách thuế hiện hành. Đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng và các tập đoàn, công ty quy mô lớn có số thuế TNDN hàng năm lớn thì thiệt hại từ việc mất một phần lớn vốn lưu động trong một khoản thời gian sẽ làm mất doanh thu của các DN này. Vô hình trung, theo chính sách thu thuế TNDN mới, Nhà nước sẽ chiếm dụng vốn của DN.”

Theo đó, quy định mới đặt ra nhiều rủi ro mà để khắc phục, DN đòi hỏi phải đầu tư về năng lực dự toán và kiểm soát tài chính hiệu quả. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh thực tế DN tại Việt Nam, yêu cầu này giống như một mệnh lệnh hành chính thay vì trở thành một động lực để tăng trưởng. Ngoài việc phần lớn DN trong nước là DN vừa và nhỏ, còn nhiều DN vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), và tình hình mưa bão, lũ lụt liên tục trong tháng 10, 11. Hiện tại DN cần có động lực và nguồn tiền để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nên thu nhập, thay vì phải lo ứng phó với quy định hành chính mới.

Luật sư T.D cho biết một trong số các giải pháp DN có thể xem xét là thực hiện đăng ký tạm nộp thuế TNDN theo tháng để có thể xác định được thu nhập thực tế và điều chỉnh chi phí kịp thời, bớt rủi ro nộp thiếu thuế.

Nhiều ý kiến khác đề xuất nên giữ quy định hiện hành là tạm nộp 4 quý tối thiểu 80% vào cuối năm, vì chỉ khi kết thúc năm, DN mới xác định được con số thuế thu nhập cần đóng trong năm. Vì trên thực tế, không có nhiều DN tính được hết cơ hội và rủi ro trong 2 tháng cuối năm, đặc biệt trước rủi ro xảy ra những biến động như thiên tai, dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ DN trong gói 62.000 tỷ bị “tắc” giải ngân đã được chỉ ra lý do vì người thiết kế chính sách bị mắc vào cái bẫy “sách vở”, điều kiện để DN được vay không thực tế. Với Nghị định 126, mặc dù thời hạn có hiệu lực là ngày 5/12 tới, vẫn còn gần 20 ngày trước khi chính thức áp dụng. Sửa đổi quy định là một giải pháp được góp ý, để tránh nghi vấn “nhà nước tận thu” cũng để tránh việc gây áp lực không đáng có đối với khối DN vốn đang cần có thời gian, động lực và nguồn lực để hồi phục.

Nguyễn Minh

Xem thêm: