Mới đây, Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết sẽ tạm dừng chạy tàu tuyến Vinh – Hà Nội từ ngày 21/2; nguyên nhân do vắng khách đi tàu, nhu cầu đi lại thấp. Năm 2022, kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự kiến lỗ 580 tỷ đồng.

vr.com .vn
Tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh dừng từ ngày 21/2 do vắng khách đi tàu (Ảnh: vr.com.vn)

CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội thông báo sẽ dừng chạy tàu tuyến TP Vinh đi Hà Nội từ ngày 21/2 (tàu NA2 xuất phát tại TP Vinh), tuyến Hà Nội vào TP Vinh sẽ dừng chạy từ ngày 22/2 (tàu NA1 xuất phát tại Hà Nội). Thời gian mở lại tuyến Hà Nội – Vinh chưa được thông báo cụ thể.

Hành khách có vé tàu của 2 tuyến tàu trên (NA1, NA2) trong các ngày tàu tạm dừng chạy sẽ trả vé trực tiếp tại nhà ga không mất phí hoặc đổi vé đi tàu Thống nhất (tàu tuyến Bắc – Nam vẫn chạy bình thường).

Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc – Nam có 4 đôi tàu Thống nhất dừng, đón khách tại TP Vinh là SE3/4, SE5/6, SE7/8 và SE11/12.

CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm 50% giá vé cho hành khách từ ngày 21/2 đến ngày 31/3/2022 với số lượng 9.000 vé khuyến mãi. Doanh nghiệp này cho biết sau khi giảm giá, giá vé tàu tuyến Hà Nội – Hải Phòng từ 35.000 đồng/vé; tuyến Hà Nội – Vinh từ 79.000 đồng/vé; giá vé đi tuyến Hà Nội – TP.HCM từ 450.000 đồng/vé,…

Ở khu vực phía Nam, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết số lượng vé khuyến mãi trong dịp này là 10.000 vé. Sau khi giảm giá, công ty này cho hay giá vé tàu giữa Nha Trang – TP.HCM từ 120.000 đồng/vé; tuyến Đà Nẵng – TP.HCM từ 280.000 đồng/vé,…

Thời gian bán vé khuyến mãi của CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn từ ngày 21/2 – 28/3/2022, áp dụng cho hành khách mua vé trước 3 ngày tàu chạy với số toa, số chỗ cụ thể (không áp dụng toàn bộ các chỗ trên toa). Loại chỗ áp dụng là ghế ngồi mềm và giường nằm điều hòa.

Việc dừng chạy tàu tuyến Hà Nội – Vinh phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn của ngành đường sắt Việt Nam trong thời gian dài do vắng khách đi tàu. Năm 2021, VNR báo số lỗ lên đến hơn 670 tỷ đồng, hơn 6.000 lao động phải nghỉ việc và thị phần vận tải hành khách ngày càng sụt giảm. Năm 2022, kế hoạch kinh doanh của VNR dự kiến tiếp tục lỗ 580 tỷ đồng.

Tuy thua lỗ triền miên nhưng tổng mức kinh phí để bảo trì, sửa chữa hạ tầng đường sắt của doanh nghiệp này đưa ra lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngày 21/1 vừa qua, VNR và Cục Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt lên đến 3.000 tỷ đồng, thực hiện từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022. Số tiền này được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước Việt Nam.

Quang Minh

Xem thêm: