Dù xem Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu nhưng Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu của 2 quốc gia này, lần lượt ở mức 2,7% và 3,3%. Ngoài ra, chỉ riêng ngành nông thủy sản, số vụ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Nhật Bản trả về là 90 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (54 vụ). 

thuc day thuong mai vietnam nhat ban han quoc viet nam nhat ban xuat khau nhat ban han quoc
Hội thảo thúc đẩy thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra hôm 19/4 tại TP.HCM. (Ảnh: dẫn qua Trung tâm Xúc tiến TM-ĐT TP.HCM/Facebook)

Đó là thông tin được ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết tại Hội thảo thúc đẩy thương mại tổ chức hôm 19/4. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác thương mại quan trọng, thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng song tỷ trọng hàng hoá Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của hai quốc gia này vẫn còn rất thấp (2,7% và 3,3%), trang Bnews đưa tin.

Theo ông An, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều Hiệp định về Kinh tế như: FTA, AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP, v.v… là cơ sở để Việt Nam khai thác tiềm năng của hai thị trường lớn này, trong bối cảnh các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm mạnh (Hoa Kỳ, EU,…).

Điển hình như mặt hàng dệt may, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD còn nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Nhật bản là 24 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD, tương đương 12%.

Bên cạnh đó, nhập khẩu da giày của Nhật đạt 4,5 tỷ USD, nhưng giá trị xuất khẩu từ Việt sang Nhật ngành này chỉ đạt 823 triệu USD, chiếm 18,2% thị phần.

Đặc biệt, mặt hàng chuối tươi và sấy khô mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần, tương đương giá trị xuất khẩu 6,6 triệu USD…

Tại buổi hội thảo, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết các tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng khắt khe. Chỉ riêng ngành nông thủy sản, 5 năm trở lại đây số vụ lô hàng Việt xuất khẩu sang Nhật bị trả về đã tăng gần gấp đôi, giai đoạn 2018 – 2022 tăng từ 54 lên 90 vụ, Tuổi Trẻ đưa tin.

Không chỉ nông thủy sản gặp khó, ngành dệt may của Việt Nam cũng phải liên tiếp đối mặt thách thức khi không chỉ phải bền đẹp, đa dạng mẫu mã, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Tờ Nikkei của Nhật Bản nhận định, nhiều đơn hàng nước ngoài đã bị hủy, do đó các nhà máy ở Việt Nam sẽ chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn sau “cú sốc” GDP quý 1/2023.

“Chúng tôi cho rằng tình trạng xuất khẩu sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023”, chuyên gia Theng Theng Tan của Oxford Economics cho biết.

Tuấn Minh