Truyền thông trong nước đưa tin, thị trường lúa gạo Việt Nam có nhiều biến động kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu hơn 2 tuần trước. Chủ đại lý tại TP.HCM cho hay trong 10 năm bán gạo chưa bao giờ thấy giá tăng nhanh như vậy, một số mặt hàng gạo đã tăng giá 20%-35% so với một tháng trước.

thu hoach lua gao xuat khau lua gao nhap khau lua gao
Bộ Công thương cho rằng nhập khẩu gạo nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa: tuyenquang.gov.vn)

Tại thị trường trong nước, những ngày qua, giá lúa có xu hướng tăng cao từng ngày. Giá lúa ngày theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang ngày 8/8, lúa IR 50404 giá 7.100-7.300 đồng/kg lúa tươi, tăng 100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.400-7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, theo báo Dân Trí.

Trong khi đó, giá gạo tại một số địa phương như An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, ở Hậu Giang, giá gạo Jasmine ở mức 16.000 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg; gạo thơm là 14.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; gạo thường cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức 13.000 đồng/kg.

Hơn 10 năm bán gạo, đại diện đại lý Kho gạo Sài Gòn (Quận 12, TPHCM) cho biết chưa bao giờ thấy giá gạo tăng nhanh đến vậy. Giá gạo liên tục tăng cao trong hai tuần trở lại đây, thay đổi theo từng giờ, một số mặt hàng gạo đã tăng giá 20%-35% so với một tháng trước.

“Hai tuần nay, một ngày giá gạo có thể thay đổi 3-4 lần, sáng tăng giá chiều lại tăng giá”, đại diện đại lý trên cho biết.

Việc giá gạo liên tục biến đổi khiến tiểu thương gặp khó khi bán hàng, đại lý không thể liên tục cập nhật giá mới theo giờ cho khách. Mặc dù thị trường tăng giá buộc đại lý cũng phải tăng theo, tuy nhiên cũng cần phải có độ trễ, nếu đại lý tăng giá liên tục khách hàng sẽ phản ứng.

Các loại gạo phổ biến thông thường như Thơm Thái, Thơm Mỹ, Lài Sữa, Đài Loan… đều đã tăng 2.000-5.000 đồng/kg. Gạo Thơm Thái tăng từ 13.500 đồng/kg lên hơn 17.500-18.000 đồng/kg, gạo Đài Loan tăng từ 17.000 lên hơn 20.000 đồng/kg… Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25… cũng duy trì đà tăng 1.000-3.000 đồng/kg.

Ở khía cạnh đơn vị thu mua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khẳng định giá gạo trong nước đang cao hơn giá gạo xuất khẩu nên chưa vội ký hợp đồng xuất khẩu mới và tạm dừng thu mua lúa gạo, trừ những doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trước đó, theo báo Tuổi Trẻ.

Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới ở mức 550 USD/tấn, trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, đều đang bị lỗ khoảng 30 USD/tấn do phải mua gạo trong nước giá cao để giao hàng cho đối tác.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, đã có hiện tượng nông dân “bẻ kèo”, đền cọc cho những nhà máy để mong bán lúa với giá cao hơn…

Ngày 9/8, đại diện Công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang cho biết do giá gạo trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. “Với gạo Đài thơm 8 loại 5% tấm, giá trong nước đã gần 16.000 đồng/kg, còn gạo OM5451 là 15.700 đồng/kg rồi.

Trong tháng 8 này, chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu 200 container, tương đương trên 5.000 tấn gạo, đi các nước, chủ yếu là Philippines, gần như không có lợi nhuận”, vị này nói.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dao động ở mức 610 – 620 USD/tấn.

Giá gạo tăng, giá lúa tăng theo, chủ yếu do thương lái đi thu gom rồi đẩy giá lên. Tuy nhiên, với giá lúa hiện nay, doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu vì sẽ thua lỗ.

Cụ thể, theo ông Bình, giá lúa được nông dân bán ra tại ruộng là 7.500 đồng/kg lúa tươi hoặc 9.500 đồng/kg lúa khô. Bình quân 1kg lúa sẽ thu hồi được 60% gạo, cộng với các loại chi phí như vận chuyển, chế biến, bao bì và vận tải xuất khẩu… (khoảng 600 đồng), tính ra giá gạo đã lên tới 16.000 đồng/kg. “Như vậy, giá gạo xuất khẩu đã bị đội lên 16 triệu đồng/tấn, tương đương 670 – 680 USD/tấn, vượt mức giá gạo xuất khẩu hiện nay”, ông Bình nói.

Trọng Minh