Mặc dù chưa có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (ho, sốt, khó thở) nhưng các trường hợp sau thuộc nhóm nguy cơ cao, cần tự cách ly tại nhà để giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch.

Những ai cần cách ly tại nhà và làm thế nào?
(Ảnh: Shutterstock)

Theo quy định của Bộ y tế, một người sẽ thuộc đối tượng cần cách ly tại nhà nếu rơi vào 1 trong 5 nhóm sau:

  1. Sống trong cùng nhà
  2. Cùng làm việc
  3. Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi
  4. Có tiếp xúc gần (dưới 2 mét)
  5. Ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe/tàu/máy bay với người bệnh hoặc nghi nhiễm trong thời gian mắc bệnh.

Ngoài ra, những người nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh cũng cần tự cách ly tại nhà.

Trường hợp đi qua tỉnh Hồ Bắc sẽ được cách ly bắt buộc tại cơ quan y tế. 

Thời gian cách ly

Bạn cần thực hiện cách ly tối đa 14 ngày tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với bệnh nhân hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán xác nhận là không mắc bệnh thì việc cách ly những người có liên quan sẽ kết thúc.

Cách ly tại nhà như thế nào?

Nên cách ly trong phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các người cùng nhà ít nhất 2 mét.

Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng hoặc nơi cách ly.

Cần tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Hằng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

Thông báo cho cán bộ y tế theo dõi sức khỏe về nhiệt độ (2 lần mỗi ngày), khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.

Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Bộ y tế cũng khuyến cáo khi gia đình có người cách ly theo dõi tại nhà, các thành viên trong gia đình cần chú ý hạn chế tiếp xúc với người được cách ly; đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

Hằng ngày phải lau nền, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nhà, nơi cư trú bằng xà phòng, các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi cư trú.

>> Phòng ngừa virus corona: Găng tay quan trọng hơn khẩu trang?

Lưu ý: Trong giai đoạn dịch còn đang diễn biến phức tạp và khả năng lây nhiễm cao, tất cả người dân, đặc biệt người thuộc đối tượng cách ly cần tăng cường vệ sinh cá nhân, chú trọng dinh dưỡng, nghỉ ngơi và luyện tập để tăng cường sức đề kháng.

Minh Thành tổng hợp