Hàng loạt quốc gia EU đã tạm dừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa sau khi một số người đã phát triển các cục máu đông sau khi tiêm.

Embed from Getty Images

Các cơ quan y tế ở Đan Mạch, Na Uy và Iceland hôm thứ Năm (11/3) đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về các cục máu đông ở một số người đã được tiêm chủng, trang DW của Đức đưa tin.

Cơ quan Y tế Đan Mạch hôm thứ Năm đã tạm dừng việc sử dụng vắc xin AstraZeneca trong 14 ngày sau những báo cáo về “các trường hợp đông máu nghiêm trọng ở những người được tiêm chủng”, một tuyên bố cho biết.

Tuy nhiên, cơ quan chưa khẳng định rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa vắc-xin và các cục máu đông “vào thời điểm hiện tại”.

“Hiện tại vẫn chưa thể kết luận liệu có mối liên hệ hay không. Chúng tôi đang hành động sớm, việc này cần được điều tra kỹ lưỡng”, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết trên Twitter.

Polly Roy, một nhà virus học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói với DW rằng bà tin các cục máu đông là “có thể không phải do bản thân vắc-xin.” Roy nói: “Có thể họ có vấn đề về sức khỏe nào đó.”

Ngay sau thông báo của Đan Mạch, Iceland và Na Uy đã làm theo và ngừng sử dụng loại vắc-xin này.

Hôm thứ Năm, Ý cũng quyết định cấm một lô vắc-xin AstraZeneca sau khi có báo cáo “về một số tác dụng phụ nghiêm trọng.” Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế của nước này nhấn mạnh rằng hiện tại chưa có mối liên hệ nào được xác định giữa các tác dụng phụ bị cáo buộc và việc sử dụng vắc-xin.

Trước đó, hôm thứ Hai, Áo đã ngừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca trong khi điều tra một trường hợp tử vong do rối loạn đông máu và bệnh do thuyên tắc phổi.

Estonia, Lithuania, Luxembourg và Latvia cũng đã ngừng tiêm vắc-xin AstraZeneca trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Đã có 22 trường hợp bị đông máu đã được báo cáo trong số 3 triệu người được tiêm vắc-xin AstraZeneca tính đến ngày 9/3.

Lô vắc-xin AstraZeneca bị đình chỉ ở nhiều nước châu Âu nằm trong số 1 triệu liều được phân phối cho 17 quốc gia thành viên EU. Một số cơ quan y tế ở các nước đã hạn chế sử dụng nó cho những người trên 65 tuổi do thiếu dữ liệu về hiệu quả của loại vắc-xin này.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng vắc-xin này kém hiệu quả chống lại sự đột biến của virus. Nam Phi đã tạm dừng việc triển khai vắc-xin do một thử nghiệm cho thấy nó kém hiệu quả hơn so với biến thể B.1.351 của Nam Phi.

Các nhà chức trách Đan Mạch, Liên minh Châu Âu khởi động điều tra

Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về loại vắc-xin này.

Cuộc điều tra cũng đang được thực hiện ở các cơ quan tương ứng tại các quốc gia EU khác, cũng như Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA).

EMA phụ trách đánh giá và giám sát các sản phẩm thuốc trên toàn EU gồm 27 thành viên.

Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch, Soren Brostrom, cho biết: “Cả chúng tôi và Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch phải trả lời các báo cáo về các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra”.

AstraZeneca cho biết các liều vắc-xin của họ đã trải qua việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và chặt chẽ, đồng thời cho biết thêm rằng chưa có “tác dụng phụ nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vắc-xin.”

EMA cho biết trong một tuyên bố: “Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm chủng đã gây ra những tình trạng này, và những tác dụng phụ này không được liệt kê là tác dụng phụ của vắc-xin… Lợi ích của vắc-xin vẫn lớn hơn rủi ro của nó.”

Cơ quan EMA cho biết hôm thứ Tư không tìm thấy bằng chứng nào liên kết các trường hợp ở Áo với vắc-xin AstraZeneca.

EMA nói rằng số lượng các trường hợp huyết khối tắc mạch do sự hình thành các cục máu đông ở những người đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca không cao hơn so với những người khác.

Trong khi đó, Tây Ban Nha và Pháp cho biết vắc-xin AstraZeneca sẽ tiếp tục được sử dụng cho công dân của nước họ.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết đất nước của bà sẽ vẫn sử dụng vắc-xin và chưa phát hiện bất kỳ trường hợp đông máu nào liên quan đến nó.

Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran cho biết: “Không cần thiết phải đình chỉ AstraZeneca. Lợi ích của việc tiêm chủng trong giai đoạn này lớn hơn những rủi ro.”

Xuân Lan (theo DW)

Xem thêm: