Tính từ thứ Bảy, theo The Guardian của Anh quốc thống kê, đã có 15 chiếc ghế đã đổi chủ trong bộ máy của chính quyền Ukraine, trong đó 6 người được thông báo với lý do là dính líu tới tham nhũng. Ngọn cờ chống tham nhũng vừa rồi được Tổng thống Zelensky phất lên, trong bối cảnh quốc gia này đang lâm vào cuộc chiến gần 1 năm rồi nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ranpur Leopard 2A4 melaksanakan Latihan Taktis Tingkat Kompi sebagai latihan pemantapan kemampuan bertempur Grati Pasuruan 17 09 2021
Báo đốm Leopard, kỵ binh chủ lực của Châu Âu, sắp tới sẽ rong ruổi trên chiến trường Ukraine. (Nguồn: Penkostrad / Kostrad 8/ Wikipedia)

Lần chấn động Chính phủ Ukraine này vào thứ Bảy khi Vasyl Lozinskyi, Thứ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine bị cảnh sát chống tham nhũng bắt giữ và sau đó bị cách chức. Ông bị buộc tội thổi phồng giá thiết bị mùa đông, bao gồm cả máy phát điện, và bị cáo buộc bòn rút trị giá 400.000 đô la. Các nhà điều tra cũng tìm thấy 38.000 đô la tiền mặt trong văn phòng của ông.

Tiếp đó là Vyacheslav Shapovalov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ chức với lý do không muốn ảnh hưởng tới hoạt động điều tra vụ nâng giá khi nhập lương thực cho quân đội, và Bộ đã đồng ý đơn từ chức này, cũng theo Ukraine Pravda. Theo The Guardian, ông không thừa nhận đã làm sai điều gì, mặc dù các nhà báo đăng bằng chứng xe mà ông sử dụng vốn là của các doanh nhân nổi tiếng Ukraine. 

Tờ báo cũng dẫn một phân tích trong đó cho rằng vụ việc Bộ Quốc phòng nâng giá thu mua lương thực có nhiều chỗ “quá thô sơ” ngay cả trong con mắt của người dân bình thường, ví như giá trứng và một số loại rau củ phổ cập ở thị trường cũng được đẩy giá lên cao một cách quá lộ liễu, khi mà ai cũng hiểu nếu mua lượng lớn thì thường là có giảm giá mới đúng.

Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã phủ nhận mọi cáo buộc về ông, như tờ The Guardian miêu tả. Nhưng trước đó tờ báo do chính quyền kiểm soát là tờ Ukraine Pravda đưa tin rằng ông đã đệ đơn từ chức; và một số quan chức liên quan đến ông có thể cũng sẽ bị cách chức. Tờ báo sau đó đã đưa tin ông Oleksii Kuleba được bổ nhiệm vào vị trí này.

Pavlo Halimon, Phó chủ tịch đảng chính trị của Tổng thống Zelensky, cũng đã ra đi, và không bình luận về bằng chứng gần đây được đưa ra bởi các nhà báo rằng ông đã mua một ngôi nhà ở Kyiv vượt quá khả năng của mình.

Oleksiy Symonenko, Phó Tổng công tố Ukraine, cũng rời ghế sau khi được báo chí nhà nước đưa tin ông đi nghỉ ở Tây Ban Nha vào cuối tháng 12 trên chiếc Mercedes thuộc sở hữu của một doanh nhân Ukraine nổi tiếng. Để đối phó với vụ bê bối, hội đồng an ninh quốc gia Ukraine hôm thứ Hai đã cấm các quan chức ra nước ngoài cho đến khi chiến tranh kết thúc, ngoại trừ trường hợp đi công tác.

Chấn động tiếp tục vào chiều thứ Ba với nội các bộ trưởng của Ukraine thông báo rằng 5 người đứng đầu khu vực đã bị cách chức. Tuy nhiên chỉ một người trong số họ đang bị điều tra về tội tham nhũng. Còn 3 thứ trưởng và 2 người đứng đầu các cơ quan nhà nước thì không bị cáo buộc về tội tham nhũng.

Lịch sử chống tham nhũng ở Ukraine

Đợt rung chuyển này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang đổ tiền và vũ khí vào Ukraine cho cuộc chiến chống Nga ở đây. Đặc biệt là sau một tháng vận động mà có thể thấy rõ ràng qua các báo chí đưa tin rầm rộ, vấn đề đưa xe tăng hạng nặng vào chiến trường Ukraine cuối cùng đã được thông suốt sau nhiều pha đưa đẩy của các chính khách, mặc dù trước đó hầu như không ai có thể nghĩ đến cuộc chiến sẽ bước sang giai đoạn như thế này.

Các báo chí của đồng minh phương Tây ca ngợi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông mạnh mẽ phất cờ chống tham nhũng, và bình luận rằng đây là những nỗ lực cho phép Ukraine có thể gia nhập Khối Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO trong thời gian tới.

Dù sao thì Ukraine đang giữ ‘thành tích’ đứng thứ 122/180 về xếp hạng tham nhũng trên thế giới, theo con số năm 2021 của Transparency International (180 là tham nhũng nhất), NATO cũng sẽ không dễ coi nếu nhận Ukraine vào làm thành viên của mình.

Tham nhũng là có lịch sử ở quốc gia này.

Ba năm trước Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khi được hỏi về viện trợ Ukraine, đã trả lời báo chí của châu Âu rằng ông không tán thành việc này vì 2 lý do.

“Đầu tiên là Ukraine là quốc gia tham nhũng khủng khiếp. Thật khủng khiếp, không phải chỉ đơn giản tham nhũng, mà còn hơn nhiều các quốc gia khác […] là một trong những nơi tham nhũng nhất thế giới. Và tôi không muốn đưa tiền vào một quốc gia tham nhũng đến như vậy,” ông Trump nói.

“Thứ hai là […] Tôi ghét tình huống Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đứng ra đưa tiền, đặc biệt khi Ukraine giúp châu Âu và các nước châu Âu gấp nhiều lần giúp chúng ta. Họ muốn chiến tranh […] một cuộc chiến ‘to lớn’ và ‘xinh đẹp’ […] Là các quốc gia châu Âu phải giúp Ukraine [chứ không phải là Hoa Kỳ].”

Sau này, khi được phóng viên hỏi về vấn đề tham nhũng mà ông Trump đề cập, ông Zelensky đã bác bỏ thẳng thừng, “đó không phải là sự thật.”

Tiếp đó ông Zelensky liền giải thích, “Tôi đã nói với [ông Trump] rằng chúng tôi chiến đấu với tham nhũng, chiến đấu với tham nhũng, đang chiến đấu hàng ngày. [Ông Trump] đừng nói Ukraine là quốc gia tham nhũng nữa, vì từ nay trở đi điều đó không phải là sự thật. Chúng tôi muốn thay đổi hình ảnh này [về Ukraine].”

Hôm thứ Ba, như AP đưa tin, ông Zelensky phát biểu qua video hàng tối rằng, “Bất kể vấn đề nội bộ nào gây cản trở đối với nhà nước đang được làm sạch và sẽ được làm sạch. Điều đó là công bằng, cần thiết cho việc bảo vệ của chúng ta, và giúp chúng ta nối lại quan hệ với các tổ chức châu Âu.”

“Thật khó để cứu đất nước khi có quá nhiều tham nhũng,” theo lời Andrii Borovyk, giám đốc điều hành của cơ sở Transparency International ở Ukraine.

Nhà phân tích chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko phân tích rằng quan chức phương Tây không thể “nhắm mắt làm ngơ trước những vụ bê bối mới nhất,” đặc biệt là liên quan đến quân đội.

Và việc ông Zelensky, người lên chức tổng thống năm 2019, quyết tâm thay đổi hàng loạt các quan chức trong bộ máy nhà nước là “nhằm mục đích xoa dịu các đối tác phương Tây và cho Brussels và Washington thấy rằng viện trợ của họ đang được sử dụng hiệu quả.”

Thiên Đức