Ngày 21/3 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố về việc áp dụng biện pháp trừng phạt thị thực đối với quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến cuộc đàn áp các học viên tôn giáo và tâm linh cùng sắc dân thiểu số trong và ngoài Trung Quốc. Động thái này là một cuộc tấn công khác của Mỹ nhằm vào ĐCSTQ, và có ít nhất 3 ý nghĩa trong bối cảnh chính trị quốc tế cụ thể hiện nay.

50979758242 770009e686 k
Ngoại trưởng Antony J. Blinken. (Nguồn: Ron Przysucha/ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

1. Mỹ vẫn coi ĐCSTQ là nguy cơ chính

Bối cảnh quan trọng của lệnh trừng phạt là cuộc chiến Nga-Ukraine. Đối với cuộc chiến này, ngay từ đầu Mỹ đã xác định nguyên tắc “không cho quân tham chiến”, NATO cũng đưa ra quyết định tương tự. Như vậy, Mỹ và NATO không bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga và chiến tranh Nga-Ukraine chỉ giới hạn trong phạm vi Nga và Ukraine chứ không thể phát triển thành chiến tranh Nga-Mỹ, Nga-Âu, hay chiến tranh thế giới.

Trước đây khi ông Trump là tổng thống Mỹ đã coi ĐCSTQ là đối thủ chiến lược số một của Mỹ; sau khi ông Biden lên kế vị vẫn xác định ĐCSTQ là đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã phơi bày với thế giới những vấn đề quân sự, kinh tế và chính trị nghiêm trọng của Nga. Sau cuộc chiến này, dù kết quả có như thế nào thì sức mạnh, vị thế và vai trò của Nga trong cuộc cạnh tranh quốc tế cũng sẽ bị suy giảm rất nhiều.

Ngược lại, ĐCSTQ không chỉ là mối đe dọa số một đối với Mỹ, mà còn là mối đe dọa số một đối với phần còn lại của thế giới.

Trước và sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ và cho đến nay, ban đầu ĐCSTQ tỏ ra đồng hành cùng Nga, sau đó vi phạm lời hứa với Ukraine, tiếp đó lại tỏ thái độ “trung lập” nhưng thực tế đứng về phía Nga, cho đến nay vẫn chưa dám công nhận hành vi của Nga đối với Ukraine là  “xâm lược”, xu thế thúc đẩy dư luận trong nước vẫn là “chống Mỹ và thân Nga” chi phối, điều này càng làm nổi bật sự bộ mặt xấu xí của ĐCSTQ trước thế giới.

Ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Hai ngày trước cuộc điện đàm Biden – Tập, Mỹ đã công bố một bản cáo trạng về 5 gián điệp của ĐCSTQ. Trong cuộc điện đàm, phía Mỹ nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sẽ phải trả giá đắt nếu cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. 3 ngày sau cuộc điện đàm, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền.

3 động thái liên tục này cho thấy chiến lược quốc gia của Mỹ coi ĐCSTQ là mối đe dọa số một vẫn còn nguyên.

2. Lệnh trừng phạt của Mỹ là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với quan chức ĐCSTQ

Biện pháp trừng phạt lần này của Mỹ đối với ĐCSTQ là hành động quan trọng tiếp sau khi Mỹ và các đồng minh áp dụng các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga, bao gồm kinh tế, quân sự, công nghệ, tài chính; động thái này đặc biệt có ý nghĩa và sức ảnh hưởng.

Ví dụ, sau khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, Mỹ và các đồng minh ngay lập tức đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga khoảng 630 tỷ USD.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. Chưa đề cập đến nhiều thứ khác, chỉ tính đến công trái Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ thì cho đến tháng 3/2020, Trung Quốc đã nắm giữ 1.080 tỷ USD công trái Mỹ. Một khi Mỹ trở mặt thì ngay lập tức 1.080 tỷ USD của ĐCSTQ sẽ bị đóng băng. 

Ví dụ khác, vào ngày 16/3, Bộ trưởng Tài chính Yellen và Bộ trưởng Tư pháp Garland của Mỹ đã triệu tập một cuộc họp đa quốc gia để thảo luận về các lệnh trừng phạt và cách thực hiện đối với các nhà tài phiệt Nga. Mỹ và các đồng minh đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm đa phương gọi là REPO (viết tắt của giới tinh hoa, thân tín và giới tài phiệt Nga) để điều tra và truy tố các cá nhân và tổ chức thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Có 50 nhà tài phiệt Nga trong danh sách điều tra của REPO, 28 người trong số họ đã được nêu tên.

Biện pháp xác định cụ thể như vậy là cách răn đe đáng kể đối với các quan chức của ĐCSTQ.

Những kẻ bức hại nhân quyền của ĐCSTQ đều là những kẻ tham nhũng nghiêm trọng, trong số đó nhiều người đã đưa các thành viên trong gia đình và con cái sang Mỹ và các nước phương Tây khác để chuyển của cải đi. Một khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ bức hại nhân quyền của ĐCSTQ tương tự như áp đặt đối với các nhà tài phiệt Nga thì con đường tài chính và đường thoát thân của họ sẽ không còn.

Các quan chức ĐCSTQ bị Mỹ trừng phạt bao gồm những người chịu trách nhiệm về chính sách hoặc hành động đàn áp đối với nhà tu hành tôn giáo và tâm linh, thành viên dân tộc thiểu số, người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, nhà tổ chức lao động, nhà tổ chức xã hội dân sự và người biểu tình ôn hòa ở Trung Quốc và các nơi khác.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy các quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hành vi tàn bạo vi phạm nhân quyền, cho dù ở Trung Quốc, Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Mặc dù ông Blinken không công bố số lượng cũng như danh sách quan chức ĐCSTQ bị trừng phạt, nhưng người ta ước tính rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã có danh sách nội bộ.

3. Những đặc vụ của ĐCSTQ sẽ không có kết cục tốt đẹp

Lệnh trừng phạt này là một hành động quan trọng khác mà Mỹ thực hiện chống lại ĐCSTQ sau bản cáo trạng vào ngày 16/3 về 5 gián điệp của ĐCSTQ tại Mỹ.

5 đặc vụ ĐCSTQ đã thực hiện những hành vi rình rập, theo dõi, sách nhiễu, thậm chí đe dọa giết chết các nhà hoạt động dân chủ chống ĐCSTQ, các vận động viên người Mỹ gốc Hoa và gia đình của họ, và các cựu chiến binh người Mỹ gốc Hoa tại Mỹ. Đây là kiểu tùy tiện khuếch trương tình trạng tà ác không đáy của ĐCSTQ đối với Mỹ mà Chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ để yên.

Bị cáo Lin Qiming (vẫn ở Trung Quốc) bị buộc tội âm mưu quấy rối xuyên quốc gia, âm mưu và cố gắng sử dụng giấy tờ tùy thân liên quan đến một âm mưu quấy rối xuyên quốc gia. Nếu bị kết tội, Lin phải đối mặt với án tù 10 năm. Lin và người thân gia đình ông ta có lẽ cả đời không bao giờ dám đặt chân lên đất Mỹ.

Vào tháng 10/2020, có 8 người tham gia vào “hành động săn lùng” của ĐCSTQ đã bị truy tố tại Mỹ. Họ bị cáo buộc đe dọa, sách nhiễu, theo dõi và đe dọa các công dân Trung Quốc ở Mỹ quay trở lại Trung Quốc. Trong số đó, 5 người đã bị bắt và 3 người khác được cho là vẫn đang ở Trung Quốc.

Tất cả 8 người phải đối mặt với 5 năm tù giam và tội danh hoạt động như một tay sai bất hợp pháp của ĐCSTQ, 6 người khác phải đối mặt với các cáo buộc bổ sung về âm mưu theo dõi xuyên quốc gia với mức án lên đến 5 năm tù.

Ông Blinken cho biết: “Mỹ không chấp nhận hành vi của quan chức ĐCSTQ trong việc quấy rối, đe dọa, giám sát và bắt cóc các thành viên dân tộc thiểu số và tôn giáo, bao gồm cả những người tìm kiếm sự an toàn ở nước ngoài và những công dân Mỹ lên tiếng đại diện cho các nhóm dễ bị tổn thương đó. Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và kinh tế để thúc đẩy trách nhiệm giải trình nhằm bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.

Điều này cho thấy, Mỹ sẽ tiếp tục trấn áp các hoạt động của các đặc vụ ĐCSTQ tại Mỹ, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ ở Trung Quốc đang điều khiển các đặc vụ này.

Kết

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine càng làm nổi bật bộ mặt tà ác của ĐCSTQ. Các biện pháp trừng phạt toàn diện mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga cũng là cảnh báo mạnh mẽ đến quan chức ĐCSTQ. Vào thời khắc đặc biệt này, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với những kẻ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ có thể nói là một hồi chuông cảnh tỉnh trước khi thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo thực hiện tính sổ với ĐCSTQ một cách toàn diện. Những kẻ không thức tỉnh và tiếp tục làm điều ác sẽ phải chịu hậu quả thảm hại.

Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)