New Delhi tuyên bố hôm thứ Ba (19/3) rằng khu vực Arunachal Pradesh sẽ luôn là một phần của Ấn Độ và người dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng của đất nước. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bắc Kinh chỉ trích chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Narendra Modi tới khu vực tranh chấp của Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Modi đã đến thăm Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Zangnan), vào ngày 9/3 để khánh thành Đèo Sela – một đường hầm do New Delhi xây dựng có thể đẩy nhanh việc triển khai quân sự tới các khu vực gần biên giới tranh chấp trong trường hợp xảy ra xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, trả lời câu hỏi về chuyến thăm của ông Modi, tuyên bố rằng khu vực này là “lãnh thổ của Trung Quốc”.

“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là Arunachal Pradesh do Ấn Độ thành lập trái phép và kiên quyết phản đối điều đó”, ông Uông nói với Nhật báo Bắc Kinh.

“Vấn đề ranh giới Trung-Ấn vẫn chưa được giải quyết, … Ấn Độ ‘không có quyền’ phát triển Zangnan”.

Vài ngày sau, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Zhang Xiaogang cũng cho rằng hành động của Ấn Độ “đi ngược lại nỗ lực xoa dịu tình hình biên giới của cả hai bên”.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm thứ Ba (19/3) cho biết họ đã ghi nhận “những tuyên bố vô lý” liên quan đến lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Việc lặp lại lập luận vô căn cứ… không mang lại bất kỳ giá trị nào cho những lập luận đó”.

Đây là tuyên bố thứ hai của New Delhi về vấn đề này. Tuyên bố đầu tiên vào ngày 12 tháng 3, lưu ý rằng “các nhà lãnh đạo Ấn Độ thỉnh thoảng đến thăm Arunachal Pradesh, giống như họ đến thăm các bang khác của Ấn Độ. Việc phản đối những chuyến thăm như vậy hoặc các dự án phát triển của Ấn Độ là không có lý do.”

Năm ngoái, Ấn Độ đã phản đối Bắc Kinh về một “bản đồ tiêu chuẩn” mới, thể hiện hai khu vực tranh chấp – Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin – là một phần của Trung Quốc. Sau đó, New Delhi cũng cáo buộc Trung Quốc từ chối nhập cảnh các vận động viên Ấn Độ đến từ Arunachal Pradesh tham dự Đại hội thể thao châu Á ở Hàng Châu.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc, nói rằng tất cả các vận động viên có giấy tờ hợp pháp đều được chào đón. Trong khi đó, New Delhi coi việc phát triển các cụm định cư của Trung Quốc gần Arunachal Pradesh, ngay phía bắc Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc là một nguyên nhân gây lo ngại.

Các vấn đề biên giới đã đè nặng lên quan hệ giữa hai nước kể từ tháng 5 năm 2020, khi một cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở Thung lũng Galwan dẫn đến cái chết của binh lính cả hai bên.

Vòng đàm phán quân sự mới nhất diễn ra vào tháng trước nhưng không có bước đột phá nào được công bố. Đầu tháng Ba, Bloomberg đưa tin Ấn Độ đang điều động 10.000 binh sĩ đến khu vực phía Tây của biên giới tranh chấp với Trung Quốc, tăng gấp đôi sức mạnh ở biên giới.

Anh Nguyễn, theo RT