Ngày 16/3, Ấn Độ đã thông qua thương vụ mua tên lửa, máy bay trực thăng, súng pháo và hệ thống tác chiến điện tử trị giá 8,5 tỷ USD khi nước này tìm cách củng cố thêm năng lực quân đội.

p3080761a143703549
Danh sách các đơn đặt hàng được phê duyệt bao gồm thêm 200 tên lửa BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất (Nguồn: Public.Resource.Org/CC BY 2.0).

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng (DAC) đã phê duyệt các đơn đặt hàng trị giá 705 tỷ rupee (8,52 tỷ USD) cho tất cả các lực lượng của họ.

Tất cả các đơn đặt hàng sẽ do các công ty Ấn Độ thực hiện, đảm bảo phù hợp với chủ trương của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi trong việc thúc đẩy sản xuất quốc phòng trong nước.

Trong bối cảnh chịu áp lực từ các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan, hai đất nước vũ trang hạt nhân, cũng như căng thẳng với quân đội Trung Quốc dọc biên giới Himalaya tranh chấp, Ấn Độ đã tìm cách hiện đại hóa các thiết bị quân sự chủ yếu từ thời Liên Xô của mình.

Đáng lưu ý, hải quân Ấn Độ được tập trung hơn khi chính quyền phê duyệt đơn hàng trị giá 560 tỷ rupee (6,7 tỷ USD) cho lực lượng này. Quyết định được đưa ra sau khi Ấn Độ vào năm ngoái bày tỏ lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Danh sách các đơn đặt hàng được phê duyệt bao gồm thêm 200 tên lửa BrahMos, 50 máy bay trực thăng đa nhiệm và hệ thống tác chiến điện tử cho hải quân.

BrahMos là tên lửa siêu thanh có tầm bắn khoảng 300 km do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển. Cả ba quân chủng của Ấn Độ đã sử dụng các phiên bản của tên lửa này trong hơn một thập kỷ.

DAC cũng đã phê duyệt việc sản xuất động cơ hàng hải diesel, đây sẽ là động cơ đầu tiên của Ấn Độ. 

Cơ quan này còn thông qua đề xuất của lực lượng không quân về việc mua sắm một loại vũ khí dự phòng tầm xa được sử dụng bởi máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI.

Quân đội cũng đã được cho phép mua 307 chiếc pháo kéo 155 ly/52, cùng các phương tiện cơ động cao và xe kéo pháo.

Nhật Minh (Theo Reuters)