Gần đây, Chính phủ Anh thông báo rằng họ đã phong tỏa tài sản của các nhà tài phiệt, cá nhân và doanh nghiệp khác của Nga, với tổng trị giá hơn 18 tỷ bảng Anh (khoảng 20,5 tỷ USD) khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga vì xâm lược Ukraine.

Roman Abramovich
Tỷ phú người Nga Roman Abramovich. (Nguồn: Brian Minkoff-London Pixels / CC BY-SA 4.0).

Theo Reuters, trong báo cáo thường niên hôm thứ Năm (10/11), “Văn phòng Thực thi Trừng phạt Tài chính” (OFSI), thuộc Bộ Tài chính Anh, cho biết từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine vào tháng Hai, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn hơn 1.200 công dân và 120 tổ chức của Nga. Hiện Nga đã trở thành quốc gia bị nước này trừng phạt nhiều nhất, vượt cả Libya và Iran.

Báo cáo đánh giá thường niên của OFSI công bố hôm 10/11 có đoạn: “Từ ngày 22/2 – 20/10/2022, tổng cộng 18,39 tỷ bảng Anh trong các quỹ bị phong tỏa đã được báo cáo cho OFSI, là thuộc sở hữu hoặc đại diện cho những người bị nêu tên trong danh sách trừng phạt Nga.”

Từ ngày 22/2 – 24/8, OFSI cũng đã bổ sung 1.271 cá nhân người Nga vào danh sách chế tài.”

Tỷ phú Nga Roman Abramovich và doanh nhân Mikhail Fridman, cùng với Tổng thống Vladimir Putin, gia đình và các chỉ huy quân đội của ông, đều nằm trong danh sách bị chế tài.

Các tài sản bị phong tỏa bao gồm vốn chủ sở hữu của công ty, tiền mặt trong tài khoản ngân hàng, nhưng không có tài sản vật chất nào như bất động sản hoặc tài sản thuộc đặc quyền của hoàng gia như đảo Guernsey và Jersey.

Ngoài ra, 95% hàng hóa nhập khẩu, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga… đều phải tạm dừng vào cuối tháng 12 năm nay, như Chính phủ Anh phê duyệt trước đó.

Ông Andrew Griffith, một quan chức Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga, và đang làm suy yếu bộ máy chiến tranh của họ. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Ông Putin sẽ không được phép thành công trong cuộc chiến tàn khốc này.”

Trong khi đó, ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp cung cấp lương thực và năng lượng cho các thị trường nước ngoài tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tuần tới.

Nga cũng tuyên bố rằng: “Một số biện pháp ​​cụ thể đã được lên kế hoạch, gồm tăng cường hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, (và) tổ chức các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón với số lượng lớn.”

Có báo cáo cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15-16/11, nhưng có thể tham gia online và đề xuất một “trung tâm khí đốt” ở Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó khí đốt của Nga có thể được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.

Mặc dù việc Nga tham gia G20 sẽ bị các nước phương Tây chỉ trích, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ đại diện cho đất nước của mình tham dự hội nghị thượng đỉnh. Bộ Ngoại giao cũng hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp xây dựng một thế giới “đa cực”.

Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái do cuộc chiến Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng và hàng hóa lên cao. Tháng trước, báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” mới nhất do “Quỹ Tiền tệ Quốc tế” (IMF) công bố cho thấy hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp vào năm 2022 hoặc năm 2023, trong khi đó 3 nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng trì trệ.

IMF cũng cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến” và nhiều người sẽ cảm thấy kinh tế suy thoái vào năm 2023.

Báo cáo lưu ý rằng việc cân bằng chính sách đã trở nên cực kỳ khó khăn trong cuộc khủng hoảng này, thắt chặt quá ít hoặc quá nhiều đều mang lại rủi ro. Các chính phủ nên sử dụng chính sách tài chính khi cần thiết, nhằm đảm bảo ổn định thị trường, nhưng các ngân hàng trung ương cần thực hiện chính sách tiền tệ với trọng tâm là kiềm chế lạm phát.

Bình Minh (t/h)