Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bày tỏ, ông nhận thấy ngày càng có nhiều khía cạnh “đối đầu” trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Sự thay đổi phần lớn là do chế độ Trung Quốc đã trở nên “quyết đoán hơn, hiếu chiến hơn nhiều, cho dù là ở khu vực của họ hay vượt xa hơn, thông qua nhiều cách khác nhau,” ông Blinken phát biểu trong một sự kiện trực tuyến hôm 24/1.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ lưu ý, các mối quan hệ đang ngày càng trở nên đối đầu, thay vì cạnh tranh và hợp tác, hai yếu tố làm nền tảng cho các chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Ông Blinken đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc, các khoản đầu tư được nhà nước hậu thuẫn vào các ngành và công nghệ nhạy cảm, cũng như thái độ của nước này đối với nhân quyền và sở hữu trí tuệ.

Theo ông Blinken, một cách hiệu quả để đề phòng “các khoản đầu tư có vấn đề” từ Trung Quốc hoặc bảo vệ công nghệ của Mỹ không bị rơi vào tay quân đội Trung Quốc chính là phối hợp với các đồng minh, cũng như tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Khi Hoa Kỳ làm điều này một mình, chúng ta chỉ chiếm 20 hoặc 25 phần trăm GDP thế giới [tổng sản phẩm quốc nội]. Nhưng khi chúng ta bắt tay phối hợp cùng với các đối tác và đồng minh ở Châu Âu hoặc Châu Á, thì có thể lên đến 40%, 45%, 50% GDP thế giới. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc khó có thể lờ đi hơn nhiều.”

Xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác để phản đối một loạt các hành vi lạm dụng kinh tế và quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một khía cạnh chính trong cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản hồi tháng 11/2021 tuyên bố họ sẽ gia hạn quan hệ đối tác ba bên để cùng giải quyết những thách thức do các thực tiễn phi thị trường đặt ra.

Ông Blinken cũng đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng tới Đông Nam Á, nhằm tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Washington hiện đang tăng cường đầu tư và thương mại tại các quốc gia như Indonesia, quốc gia phụ thuộc nhiều về kinh tế vào Trung Quốc.

Về cạnh tranh công nghệ, chính quyền Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy việc thông qua Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ đô la, ông Blinken nói.

Tháng 6/2021, Thượng viện đã thông qua đạo luật đầu tư 52 tỷ đô la để mở rộng sản xuất chip trong nước, nhưng nó đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Hạ viện. Ông Blinken gọi dự luật này là một “bước tiến lớn” để thúc đẩy khả năng cạnh tranh với công nghệ của Trung Quốc của đất nước. Mới đây, ngày 25/1, Hạ viện đã công bố phiên bản của dự luật trong nỗ lực đàm phán về dự luật cuối cùng với Thượng viện trong năm nay.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: