Ngày 11/7, Ngoại trưởng Antony Blinken nhận định trên chuyên mục “Andrea Mitchell Reports” của MSNBC rằng, quyết định gửi bom chùm đến Ukraine của Tổng thống Joe Biden là cần thiết vì quốc gia này sẽ “không thể tự vệ” nếu không có chúng.

Bà Mitchell đặt câu hỏi: “Ông đã nói về sự thống nhất của NATO. Rõ ràng là có sự bất đồng về bom chùm. Hơn 100 quốc gia đã cấm chúng. Chúng tôi biết rằng chiến dịch phản công này đang đến. Theo nhiều báo cáo, cuộc chiến bị sa lầy, khó khăn, người Nga đã bị lún sâu. Vậy tại sao chúng ta không cung cấp đủ đạn dược thông thường sớm hơn để họ có đủ đạn dược mà không cần dùng đến những vũ khí chết người này?”

Ông Blinken đã trả lời: “Andrea, đây là một đề xuất đơn giản. Mỗi bước trên chặng đường, chúng tôi đã nỗ lực để đảm bảo Ukraine có những gì họ cần, cho dù họ cần nó để đối phó với cuộc xâm lược của Nga và tiến hành chiến dịch phản công để chiếm lại lãnh thổ. Nhưng những gì đã xảy ra là như này, và lý do tại sao [chúng tôi đưa ra] quyết định về bom, đạn chùm, tại các kho dự trữ trên khắp thế giới và tại Ukraine, các loại đạn đơn nhất, chứ không phải bom chùm, đang ở mức thấp, sắp cạn kiệt.”

Ông tiếp tục: “Và vì vậy, đây là sự lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết để cung cấp cho họ bom, đạn chùm là như vậy. Nếu chúng ta không tiến hành, chúng ta không hỗ trợ, thì họ sẽ hết đạn. Nếu họ hết đạn, thì họ sẽ không thể tự vệ được.”

Bom chùm là một quả bom nổ trong không trung và giải phóng các quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng. Những quả bom nhỏ được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, thiết bị và quân lính, đồng thời có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Bom chùm được phóng bằng cùng loại vũ khí pháo binh mà Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại. Loại bom chùm mà Washington dự định gửi cho Kyiv dựa trên loại đạn 155mm thông thường đã được sử dụng rộng rãi trên khắp chiến trường Ukraine.

Trong các cuộc xung đột trước đây, bom chùm có tỷ lệ sát thương cao. Hàng nghìn quả bom nhỏ hơn chưa nổ vẫn sẽ tồn tại và có thể gây thiệt mạng trong nhiều thập kỷ sau đó. Lần cuối cùng Mỹ sử dụng bom chùm là trong trận chiến ở Iraq vào năm 2003, và họ quyết định không tiếp tục sử dụng chúng khi chiến trường chuyển vào đô thị với dân số đông đúc hơn.

Ông Ryan Brobst, một nhà phân tích nghiên cứu của Foundation for Defense of Democracies, cho biết, bom chùm cho phép Ukraine phá hủy nhiều mục tiêu hơn với số lượng đạn ít hơn. Vì Mỹ không sử dụng chúng trong các cuộc xung đột kể từ sau chiến tranh Iraq, nên họ vẫn còn một lượng lớn bom chùm trong kho để có thể nhanh chóng triển khai.

Minh Ngọc (T/h)