Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức đã gọi Trung Quốc là một “thách thức mang tính hệ thống” trong lời kêu gọi hợp tác quân sự rộng lớn hơn với những quốc gia “cùng chí hướng” nhằm ngăn nguy cơ xung đột lãnh thổ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer vào cuối tuần trước cho biết Berlin sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Úc và các quốc gia khác trong khu vực để củng cố hoà bình, an ninh và “trật tự quốc tế dựa trên quyền pháp trị.”

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến đồng thời có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, bà Kramp-Karrenbauer nói Đức và Úc đoàn kết bởi cùng chia sẻ các giá trị như thượng tôn pháp luật, quyền con người và tự do hàng hải, những vấn đề mà một số nước “chưa sẵn sàng chấp nhận những nguyên tắc này”.

“Nguyên tắc quốc tế dựa trên quyền pháp trị đối với chúng ta là rất cần thiết,” bà Kramp-Karrenbauer phát biểu trong sự kiện được Viện Chính sách Chiến lược Úc tổ chức. “Chúng ta cần điều này vì đó cũng là nền tảng cơ bản cho những thành công về kinh tế.”

Nhận xét của quan chức quốc phòng hàng đầu của Đức được đưa ra sau khi Berlin thông báo họ sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ để tuần tra ở khu vực Ấn Độ Dương từ năm sau, đồng thời triển khai các sĩ quan quân đội Đức tham gia cùng với hải quân Úc như một phần của việc gia tăng sự hiện diện chưa từng có của Đức ở châu Á.

Bà Kramp-Karrenbauer nói quan điểm của Đức được định hình trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở biển Đông, cũng như từ việc Nga chiếm đóng Crimea trước đây. 

Bà nói, “Chúng tôi tiếp tục ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga. Những cuộc xung đột tương tự ở khu vực Ấn độ Dương – Thái Bình Dương nên được xem xét với cùng quan điểm và tư duy như vậy về mặt giá trị và nguyên tắc.”

Trong khi mô tả Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, bà Kramp-Karrenbauer nói cường quốc đang nổi lên này cũng là một “thách thức có tính hệ thống” nên được thảo luận công khai.

“Điều chúng tôi coi là những quyền pháp trị cơ bản của một xã hội cởi mở của nền dân chủ phương Tây, ví dụ như bảo vệ người thiểu số, tôn trọng quyền con người, thì lại được nhìn nhận một cách khác biệt tại Trung Quốc, cũng như đang được diễn giải theo một cách khác biệt ở đó,” bà nói.

“Và đó là lý do vì sao chúng ta cần nói công khai về điều này. Tôi tin rằng Trung Quốc có những mục tiêu rất tham vọng, đó là quyền của mỗi nước. Nhưng tôi cho rằng những tham vọng đó không được gây thiệt hại cho người khác. Và đó là vì sao một trật tự dựa trên pháp trị là điều hết sức quan trọng.”

Bà Kramp-Karrenbauer cũng nói Đức sẽ cần “giảm gánh nặng” về an ninh toàn cầu cho nước Mỹ bất kể là Tổng thống Donald Trump hay người thách thức Joe Biden thắng cử.  

“Với tư cách là chính phủ Đức và với tư cách là những người châu Âu, chúng ta sẽ phải tiếp tục làm nhiều hơn để bảo vệ chính chúng ta,” bà nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Reynolds phát biểu: “Điều chúng ta cần quan tâm là: những giá trị dân chủ chúng ta cùng chia sẻ, sự tin tưởng chúng ta cùng chia sẻ và cam kết chúng ta cùng chia sẻ đối với thượng tôn pháp luật, và đặc biệt nhất là sự tôn trọng chúng ta cùng chia sẻ đối với chủ quyền của mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Và tất cả chúng ta nhất định tiếp tục thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người.”

Quan hệ của Bắc Kinh với cả Canberra và Berlin đều xấu đi rõ rệt khi cả hai nước đều quan ngại về ảnh hưởng và sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ralph Thiele, một đại tá quân đội Đức đã nghỉ hưu, là chủ tịch Hiệp hội Chính trị – quân sự có trụ sở ở Berlin, đã nói việc Đức chủ động  nắm vai trò lớn hơn tại châu Á phản ánh nhận thức mới về sức mạnh ngày càng tăng và tầm quan trọng địa chính trị của Trung Quốc.

“Cho tới nay, Đức vẫn không xen vào khu vực này về mặt quân sự, cũng như những nhiệm vụ huấn luyện và tư vấn, thậm chí cả những chuyến thăm hữu nghị. Hiện nay, với việc triển khai một tàu khu trục nhỏ tới vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, có thể báo trước một sự thay đổi,” ông nói, cho rằng điều này có thể là khởi đầu của một nước Đức tích cực hơn và một EU tích cực hơn khi tham gia vào vấn đề liên quan đến an ninh trong khu vực.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: