Lực lượng hải quân từ các nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tham gia vào cuộc tập trận Malabar 2021 trong tuần cuối tháng 8, mở ra cho họ cơ hội phát triển và liên kết hơn nữa trong việc lập kế hoạch, huấn luyện và sử dụng các kỹ thuật chiến tranh tiên tiến.

Embed from Getty Images

Malabar là cuộc tập trận quân sự chung hàng năm bắt nguồn từ một sáng kiến giữa Mỹ và Ấn Độ năm 1992. Kể từ đó, cuộc tập trận đã phát triển đáng kể song hành với diễn tiến của quan hệ quốc tế và đã có nhiều nước khác tham gia tại các thời điểm khác nhau. 

Năm nay đánh dấu năm thứ hai liên tiếp cả bốn thành viên Đối thoại An Ninh Tứ giác, thường được gọi là Bộ Tứ Kim Cương, cùng tham gia. 

Cuộc tập trận đã thể hiện cam kết của các thành viên nhằm duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng ảnh hưởng và đàn áp về kinh tế trên toàn cầu.

Các chuyên gia tin rằng Malabar, và rộng hơn là Bộ Tứ, có thể mang lại một cơ hội đáng giá để phối hợp chiến lược quốc tế chống lại ảnh hưởng độc hại của ĐCSTQ ở cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chad Sbragia, một nhà phân tích nghiên cứu của Cục Phân tích Tình báo thuộc Viện Phân tích Quốc phòng, đã nói với Epoch Times về sự thâm nhập ảnh hưởng của ĐCSTQ và vì sao ảnh hưởng đó tạo nên các cuộc tập trận như Malabar.

Theo ông Sbaragia, những ảnh hưởng của ĐCSTQ trong ngoại giao, chính trị và quân sự toàn cầu là quá lớn, đến mức bất cứ cuộc tập trận nào sẽ có khả năng cao dẫn đến xung đột với Trung Quốc. Cũng vậy, dù Malabar không được thiết kế một cách đặc biệt để xoay quanh Trung Quốc, giá trị chiến lược của nó đòi hỏi phải coi Trung Quốc là trung tâm, ông nói thêm.

Ông cho biết, “cạnh tranh chiến lược” dường như là vấn đề song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có một bức tranh lớn hơn đang bị đe doạ, đó là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. 

Ông Sbaragia lưu ý rằng sự hợp tác của ĐCSTQ với các nước là khác về hình thức và nội dung so với Mỹ và các đồng minh của họ. Trong khi Mỹ tìm cách phát triển các năng lực đa phương, qua đó cho phép các đồng minh phối hợp với nhau hiệu quả như một khối, ĐCSTQ lại tìm cách gây ảnh hưởng và kiểm soát, và loại bỏ những cấu trúc quan hệ đồng minh truyền thống.

“Điều họ tìm kiếm không nhất thiết phải là được yêu thích, mà là phải được tôn kính và phải được tuân theo,” ông nói thêm.

Và như vậy, chính cấu trúc và các mục tiêu của cuộc tập trận như Malabar là biểu tượng của cuộc đấu tranh to lớn giữa tầm nhìn về trật tự dựa trên luật lệ với tầm nhìn đối lập của ĐCSTQ.

Ông Sbragia hy vọng rằng cuối cùng, người dân Mỹ và các nước đối tác sẽ nhận ra quy mô mối đe dọa trên bình diện toàn cầu của ĐCSTQ trước khi quá muộn; và sẽ nhanh chóng phối hợp để chống lại kế hoạch của ĐCSTQ thay thế Mỹ để trở thành bá chủ toàn cầu vào năm 2049. 

“Người Trung Quốc có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn cho những điều họ mong đợi và hy vọng sẽ chuyển hoá cả khu vực và toàn cầu,” ông Sbragia nói. “Những khát vọng của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong khu vực. Khát vọng của họ là toàn cầu.”

 

Một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và  cởi mở

Alexander Gray, thành viên cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, đã nói về tầm quan trọng của Bộ Tứ trong việc làm giảm thiểu những cực đoan thái quá của ĐCSTQ và thúc đẩy một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn. Giống như Sbragia, ông lưu ý đến sắc thái tư tưởng trong các cuộc đấu tranh giữa ĐCSTQ và phần còn lại của thế giới. 

“Không nghi ngờ gì nữa, ít nhất một phần của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc mà Mỹ và các đối tác và đồng minh của họ đang đối đầu là một cuộc đấu tranh mang sắc thái ý thức hệ tư tưởng,” ông Gray nói.

“Một phần của thách thức về tư tưởng chính là vấn đề: quan niệm của ĐCSTQ về cách vận hành trật tự thế giới là rất rất khác với bất cứ điều gì mà bất cứ đảng nào ở Mỹ từng theo đuổi.” 

Ông Gray ca ngợi việc phát triển khái niệm về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” như một trong số ít những câu chuyện thành công của việc kế tục chính sách giữa chính quyền Trump và Biden. Ông ghi nhận rằng nó đem đến một tầm nhìn chống lại triết lý chủ nghĩa chủ quyền quốc gia của ĐCSTQ.

“Tôi cho rằng đó là một câu chuyện thành công và là trải nghiệm riêng biệt của mỗi nước trong Bộ Tứ với Trung Quốc,” ông Gray nói. “Hiện nay Bộ Tứ được coi như một công cụ cực kỳ hữu hiệu trong việc thực hiện các biện pháp đa dạng để đối phó với những tham vọng của Trung Quốc.”

Sự cần thiết có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã trở nên ngày càng cấp bách đối với nhiều nước trong khu vực khi ĐCSTQ liên tục gia tăng hoạt động quân sự ở biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng các tiền đồn quân sự mới trên các hòn đảo nhân tạo nhằm mục đích mở rộng yêu sách lãnh thổ trong các vùng biển quốc tế, bất chập việc toà án quốc tế đã tuyên bố rằng điều này là phi pháp.

Tuy vậy, dù đã cho nhiều nỗ lực để chính thức hoá Bộ Tứ, nó vẫn còn là một liên minh không chính thức.

Ông Gray lưu ý rằng Washington cũng mong muốn sử dụng Bộ Tứ một cách sáng tạo hơn, và nói rằng Bộ Tứ có thể vẫn là một công cụ vô giá trong việc theo đuổi những dự án tốt đẹp chung, chẳng hạn như liên quan tới tìm kiếm và cứu hộ, môi trường, mực nước biển dâng và những vấn đề an ninh kinh tế khác, đặc biệt trong việc đương đầu với những chiến dịch bắt nạt về kinh tế của ĐCSTQ. 

Theo ông Gray, một năng lực như vậy đang ngày càng trở nên cấp thiết khi ĐCSTQ mưu toan gây áp lực với các nước khác bằng các biện pháp kinh tế. Ví dụ, Bắc Kinh đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt và áp thuế đối với hàng hoá của Úc như một biện pháp trừng phạt việc Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng.

“Sự ép buộc kinh tế là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự hiện tại… Mối đe dọa lâu dài đối với ổn định của khu vực là Trung Quốc đang sử dụng quy mô của họ để ép buộc các nước nhỏ hơn về mặt kinh tế,” ông Gray nói.

Ông Gray hy vọng Bộ Tứ có thể hoạt động như như một cơ chế thống nhất để phối hợp các nước trong việc mua các sản phẩm mà Trung Quốc đang tẩy chay hoặc dùng làm đòn bẩy cho các mục đích chính trị. 

Ông cũng cho rằng ĐCSTQ thiếu khả năng đa phương giống Mỹ và các đồng minh vì họ không gắn bó với cùng một cấu trúc quan hệ đồng minh như Mỹ.

Ông Gray nhận định rằng việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các cuộc tập trận đa phương là bằng chứng tốt nhất về hy vọng của họ đối với tương lai của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ngân Hà (theo Epoch Times)

 Xem thêm: