Lãnh đạo của nhóm quốc gia BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và các nước được mời làm thành viên sắp tới là Ả Rập Saudi, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm thứ Ba (21/11) do Nam Phi đăng cai. Các bên đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và tổ chức một hội nghị quốc tế để bàn về cuộc xung đột Israel-Palestine vốn kéo dài hàng thập kỷ.

cac lanh dao khoi BRICS
Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào ngày 23/8/2023. (Ảnh của ALET PRETORIUS / POOL / AFP) (Nguồn ảnh: ALET PRETORIUS/AFP qua Getty Images)

Các nhà lãnh đạo của khối 5 quốc gia này đã đưa ra lời kêu gọi tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/11. Hội nghị được triệu tập để thảo luận về chiến dịch quân sự của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người chủ trì hội nghị, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, mở các hành lang nhân đạo và thả những con tin dân sự do quân Hamas bắt giữ.

Hamas, tổ chức cai trị Dải Gaza từ năm 2006, bị Hoa Kỳ, Anh và Liên minh Châu Âu coi là một nhóm khủng bố.

Ông Ramaphosa cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc điều động lực lượng triển khai nhanh tới Gaza “để giám sát việc chấm dứt chiến sự và bảo vệ thường dân”, yêu cầu các quốc gia khác “kiềm chế”“dừng thúc đẩy xung đột bằng cách ngừng cung cấp vũ khí cho các bên [tham chiến]”.

Nhà lãnh đạo Nam Phi tiếp tục khẳng định rằng các hành động của Israel tại Dải Gaza “vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Geneva một cách rõ ràng”.

Theo Bộ Y tế Palestine, Israel đã giết chết hơn 13.500 người Palestine ở Gaza kể từ khi tuyên chiến với Hamas vào tháng trước, trong đó có ít nhất 5.600 trẻ em. Ngoài ra, ít nhất 6.000 cư dân khác thuộc khu vực này được cho là đang mất tích. Israel coi vụ bắn phá chưa từng có vào Gaza là phản ứng chính đáng trước cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới của Hamas, khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và hàng trăm con tin bị bắt cóc vào ngày 7/10.

Ông Ramaphosa phát biểu với những người tham dự hội nghị rằng: “Hàng nghìn người [ở Gaza] đã bị thương, trong khi nhà cửa, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác bị phá hủy”. Ông cũng lưu ý rằng hơn một nửa dân số Gaza đã phải di dời do các cuộc không kích của Israel.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, ông Ramaphosa nói rõ rằng Hamas “cũng đã vi phạm luật pháp quốc tế và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.

Từ năm 2007, Dải Gaza vẫn chịu sự phong tỏa của Israel và Ai Cập, cả 2 nước đều có chung đường biên giới với vùng đất Palestine này.

Những người chỉ trích chính sách bao vây lâu dài này đã mô tả Dải Gaza đông đúc dân cư (khoảng hơn 2 triệu dân), chỉ có diện tích gần 583 km2, là “nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế “hợp lực” nhằm “giảm bớt căng thẳng, đảm bảo lệnh ngừng bắn và tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Israel-Palestine”.

Về vấn đề này, theo ông Putin, các thành viên BRICS và các quốc gia trong khu vực “có thể đóng một vai trò quan trọng”.

“Đây là lý do tại sao sự có mặt của các đồng nghiệp Trung Đông của chúng tôi tại hội nghị hôm nay, những người đã được mời tham gia BRICS với tư cách thành viên chính thức, là đặc biệt quan trọng”.

Vào tháng Tám, Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được mời tham gia khối BRICS với tư cách là thành viên chính thức.

Đại diện của tất cả 6 quốc gia trên, cùng với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/11.

Ngay trước sự kiện này, các Ngoại trưởng của Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Indonesia và Chính quyền Palestine đã đến Moscow, nơi họ hội đàm với người đồng cấp Nga là ông Sergey Lavrov.

Ông Putin phát biểu trước những người tham dự hội nghị trực tuyến: “Tất cả các nước BRICS đều đồng ý về sự cần thiết… tìm ra giải pháp lâu dài cho tranh chấp bất tận giữa Israel và Palestine”.

Ông Putin cũng ca ngợi một nghị quyết do Malta soạn thảo, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào tuần trước, kêu gọi “tạm dừng” bạo lực ở Gaza để cho phép viện trợ nhân đạo tiến vào khu vực này.

“Mặc dù nghị quyết chỉ kêu gọi ‘tạm dừng’ chứ không phải ‘ngừng bắn’, nhưng chúng tôi coi việc thông qua nghị quyết này là một bước đi đúng hướng”, trích lời ông Putin.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kêu gọi các quốc gia BRICS chỉ định chính phủ Israel và quân đội của nước này là tổ chức khủng bố vì tội ác chiến tranh của họ đối với người Palestine.

Iran, quốc gia sẽ chính thức trở thành thành viên BRICS vào tháng 1/2024, đã yêu cầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để thảo luận về cuộc chiến của Israel ở Gaza. Ông Raisi kêu gọi các thành viên sử dụng ảnh hưởng của mình để phá vỡ “vòng vây” của Israel và đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại Gaza được an toàn.

Ông Raisi lên tiếng: “Cần công nhận chế độ giả mạo này là một chế độ khủng bố và quân đội của nó phải được coi là một tổ chức khủng bố”, đồng thời kêu gọi các thành viên của khối công nhận quyền tự vệ của nhà nước Palestine.

“Liên quan đến những tội ác liên tục xảy ra và bản chất phân biệt chủng tộc của chế độ Israel giả mạo, các quốc gia tự do [trên thế giới] mong muốn tất cả các chính phủ, đặc biệt là các thành viên BRICS, ngay lập tức đặt vấn đề cắt đứt quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với chế độ đang được quan tâm trong chương trình nghị sự này”, ông Raisi tiếp tục.

Tổng thống Iran đề nghị các quốc gia BRICS cũng nên mở một cuộc điều tra về việc Israel bị cáo buộc sử dụng phốt pho trắng bất hợp pháp và các loại vũ khí bị cấm khác chống lại dân thường.

Ông Raisi cho biết Iran sẽ hỗ trợ nỗ lực chung của Nam Phi cùng 4 quốc gia khác về việc đệ đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tệ để điều tra xem liệu tội ác chiến tranh có xảy ra ở Gaza hay không. Ông Raisi còn cho rằng quá trình đệ đơn cũng nên buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc Israel sát hại trẻ em trong khu vực này.

Phát biểu trước những người tham dự, nhà lãnh đạo chế độ Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine.

Ông Tập nói: “Trừ khi tìm được một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine, nếu không sẽ không thể có hòa bình và ổn định lâu dài ở Trung Đông”.

Trong tuyên bố cuối cùng, các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định rằng giải pháp “công bằng và lâu dài” cho cuộc xung đột trường kỳ ở Trung Đông “chỉ có thể đạt được thông qua các giải pháp hòa bình”.

Họ tiếp tục kêu gọi “các cuộc đàm phán trực tiếp dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như Sáng kiến Hòa bình Ả Rập [2002]”.

Theo tuyên bố cuối cùng, các cuộc đàm phán nên nhằm mục đích đạt được “giải pháp hai nhà nước” cho tranh chấp ở Trung Đông, từ đó “dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và có thể đứng vững được”.

Vy An (t/h)