Trong bối cảnh tình hình Afghanistan hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm Singapore và Việt Nam. Chuyến thăm này có thể xem là cao điểm của quá trình tiếp xúc ngoại giao kéo dài vài tháng của Mỹ với khu vực Đông Nam Á, làm nổi bật sự thay đổi các ưu tiên của Mỹ từ cuộc chiến chống khủng bố sang việc kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Embed from Getty Images

Ngày 20/8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Harris vẫy tay chào tạm biệt trước khi lên chuyến bay đầu tiên đến Đông Nam Á (Nguồn: EVELYN HOCKSTEIN / POOL / AFP/Getty Images).

Theo kế hoạch, bà Harris ​​đến Singapore vào khoảng 10:30 ngày 22/8, chuyến công du đầu tiên của Phó Tổng thống tới Đông Nam Á nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á và toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tờ WSJ (The Wall Street Journal) đưa tin, bà Harris có bài phát biểu tại Singapore trình bày chi tiết về tầm nhìn của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và thành lập văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Bà cũng sẽ gặp các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng.

Một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ tháp tùng trong chuyến thăm đã nói với các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Không lực II rằng, “Phó tổng thống cho rằng chúng ta đang ở thời kỳ mới, chính đại dịch toàn cầu là một bước ngoặt… Phó tổng thống nhận thức được thế giới giờ đây đã kết nối với nhau hơn và phụ thuộc lẫn nhau hơn trước đây… Chuyến thăm tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng, đó là an ninh, quan hệ đối tác kinh tế và sức khỏe toàn cầu. Phó Tổng thống Harris sẽ bàn việc đối phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu, tái khẳng định các giá trị của Mỹ và các cam kết về trật tự quốc tế, quyền lao động và nhân quyền dựa trên pháp luật”.

Khi được hỏi liệu chuyến thăm này có thách thức tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông hay không, quan chức Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông đã được xác định là bất hợp pháp. Chúng tôi từ lâu có mối quan hệ chặt chẽ ở Đông Nam Á, nền kinh tế của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ và chúng ta có sự hiện diện an ninh lớn ở khu vực này, điều này phản ánh vai trò lâu dài và quan hệ đối tác lâu dài của Mỹ trong khu vực”.

Ông nói thêm, “Chúng tôi nhận ra rằng với sự thay đổi của tình hình thế giới, điều quan trọng là chúng tôi phải nỗ lực hơn nhiều để duy trì sự hiện diện, tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước quan trọng trong khu vực”.

Rút khỏi Afghanistan để tăng tốc ứng phó với ĐCSTQ

Đông Nam Á là một trong những địa bàn chính trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc (ĐCSTQ), một trong những mục đích chính trong chuyến đi của bà Harris là đối phó với sự trỗi dậy của ĐCSTQ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Singapore luôn cho rằng Mỹ nên ở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đã duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ. Còn đối với Việt nam, quan hệ thương mại Việt – Mỹ không ngừng phát triển, và Việt Nam cũng là một trong những đối thủ mạnh mẽ đối với các quyền và lợi ích của ĐCSTQ ở Biển Đông. Chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin hồi tháng Bảy cũng đến Singapore và Việt Nam. Giám đốc Walter Lohman của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản Mỹ cho biết chuyến thăm của các quan chức hàng đầu của Mỹ tới hai nước này cho thấy chính quyền Biden rất coi trọng họ.

Vào ngày 8/7 khi Mỹ tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng sau khi quân Mỹ rút sẽ tập trung vào các ưu tiên khác như Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bonnie Glaser, một chuyên gia về vấn đề Đài Loan tại Tổ chức Marshall Đức ở Mỹ, nói với Reuters, “Với việc lùi dần tình trạng chống khủng bố, Mỹ sẽ tăng tốc chuyển đổi và chuẩn bị cho sự răn đe và phản ứng tốt hơn với các đối thủ cạnh tranh gần nhất (near peer competitor)”. Đối thủ cạnh tranh này rõ ràng là Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tuy nhiên, ông Walter Lohman lo lắng rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể trì hoãn phản ứng với các thách thức của ĐCSTQ. Ông cũng lo lắng rằng trong trung hạn, sức mạnh của Taliban ở Afghanistan có thể cho phép những kẻ khủng bố tập hợp lại ở Afghanistan, và cũng có thể ngăn cản chính quyền Biden tập trung hoàn toàn vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thách thức và cơ hội song hành

Chuyến thăm đầu tiên của bà Harris diễn ra vào thời điểm Afghanistan đang hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân. Có phân tích cho rằng bà Harris có thể qua chuyến đi này để phản hồi những nghi vấn về độ tin cậy đối với Mỹ. Cũng có phân tích cho rằng bà Harris có thể nhân cơ hội này để nhấn mạnh quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với khu vực và đối tác ở Đông Nam Á.

Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng nghẹn ngào chia sẻ Kabul đã trở thành một Sài Gòn khác, “tháo chạy hoảng hốt” cho thấy sự “yếu đuối” và “không đáng tin cậy” của Mỹ. Có phân tích dự đoán có thể bà Harris phải chia sẻ về vấn đề này khi đến thăm Singapore và Việt Nam.

Điều này cũng được ông Walter Lohman tại Quỹ Di sản nói với VOA, cho rằng bức tranh về việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan thực sự là một thảm họa, và chính quyền Tổng thống Biden lẽ ra có thể làm tốt hơn. Nhưng ông cho rằng tình hình ở Afghanistan sẽ không làm lung lay niềm tin vào Mỹ của các đồng minh và đối tác châu Á – Thái Bình Dương, Phó Tổng thống có lẽ sẽ nỗ lực lý giải tình hình, đồng thời cũng tăng cường thúc đẩy quan hệ toàn diện của Mỹ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho dù là kinh tế hay quân sự và vấn đề môi trường.

Tuy nhiên cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu hiện là nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, ông Daniel Fried lại nói rằng cách quân đội Mỹ rút lui thực sự là “hỗn loạn” và “không có kế hoạch”, khó để biện minh, vì vậy chuyến thăm của bà Harris thực sự đầy thử thách. Nhưng nó cũng tạo cơ hội cho bà tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách và quyết tâm của Mỹ.

“Bởi vì chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống có thể nhắc nhở người Mỹ rằng, mặc dù chúng ta đã bị đánh bại ở Việt Nam, nhưng Mỹ đã không rơi vào thảm họa… Bây giờ chúng ta có thể hợp tác với Việt Nam. Sau 15 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, chúng ta vẫn đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh”, ông nói.

Ông Daniel Fried cho rằng bà Harris nên để các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với bạn bè và đồng minh, tiếp tục duy trì trật tự quốc tế, tiếp tục sát cánh với Singapore và Việt Nam, và “không cho phép mình yếu thế trước bá đạo của Trung Quốc (ĐCSTQ), không cho phép bạn bè của chúng ta bị Trung Quốc (ĐCSTQ) chèn ép”.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Xem thêm: