Cạn xăng dầu, máy phát điện nghỉ, các bệnh viện ở Gaza bắt đầu từ chối bệnh nhân và rút phích cắm các máy cứu sinh, các tiệm lương thực đóng cửa, nơi trú ẩn cắt điện, Tạp chí Phố Wall báo cáo hôm 27/10.

Gaza Palestine 1
Cha của Amal al-Bayyouk, một đứa trẻ Palestine 1 tuổi thiệt mạng trong cuộc ném bom của Israel, ôm thi thể con mình bên ngoài Bệnh viện Nasser ở Khan Yunis, phía nam Dải Gaza hôm 25/10/2023. (Ảnh của MAHMUD HAMS/AFP qua Getty Images)
  • Nhiều phần khuôn viên bệnh viện đã tắt điện, để dành điện cho các phòng phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt:

  • Vợ con và cháu của một phóng viên lâu năm của Al Jazeera đã bị chết bởi bom đạn, dù đã sơ tán đến vùng được được coi là ‘an toàn’ theo lệnh Israel:

“Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày, từng giờ,” theo Mohammad Aburayya, một bác sĩ 47 tuổi, người đã cùng gia đình trú ẩn tại một cơ sở của Liên Hợp Quốc gần hai tuần rồi. “Tôi không nhớ lần cuối cùng tôi nhìn thấy điện là khi nào.”

Hôm Thứ Năm, cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine UNRWA lại một lần nữa phát cảnh báo khẩn cấp:

“Các dự trữ giờ hầu như cạn kiệt, buộc các dịch vụ cứu hộ phải dừng lại. Điều này gồm việc cung cấp nước cũng như nhiên liệu cho ngành y tế, tiệm bánh, và máy phát điện.”

Israel đã cắt tất cả nguồn nhu yếu phẩm —lương thực, nước, xăng dầu và khí đốt, điện, thuốc men— như một đáp trả cho vụ tấn công của các tay súng Hamas hôm 7/10. Israel nói Hamas giết chết 1.400 người và bắt đi hơn 200 người làm con tin.

Giờ đây, các nhóm viện trợ và nhân quyền đang cảnh báo về tình trạng mất điện hoàn toàn, và nhu yếu phẩm đều cạn kiện ở Gaza, vào thời điểm hơn hai triệu người ở khu vực này đang bị Israel oanh tạc dữ dội kể từ ngày 8/10 không ngừng nghỉ.

Bộ Y tế do Hamas kiểm soát hôm Thứ Năm công bố tài liệu 212 trang, trong đó là danh sách 7.028 người bị bom đạn Israel giết chết ở Gaza, trong đó có 2.913 là trẻ em. Lưu ý rằng hiện nay các con số từ Gaza không thể được xác minh độc lập.

Sau các nỗ lực của LHQ, Israel cho phép chuyển một lượng nhỏ không đáng kể hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza kể từ Thứ Bảy, nhưng trong đó không cho phép có chất đốt, với lý do rằng chúng có thể bị quân Hamas lấy đi dùng cho mục đích quân sự.

Hôm 23/10, Quân đội Israel (IDF) đăng trên X (Twitter) rằng nếu LHQ cần chất đốt, thì hãy tới đòi hỏi ở chỗ Hamas.

Người phát ngôn của IDF, Lực lượng Phòng vệ Israel— lập luận rằng chừng nào Hamas còn bắn tên lửa, hàng ngàn quả đã bắn vào Israel rồi, thì chứng tỏ trong Gaza vẫn còn có nhiều chất đốt. Ông cũng nói về một tweet (đã xóa đi) của LHQ cho hay Bộ Y tế Gaza do Hamas kiểm soát đã tới lấy chất đốt từ cơ quan của LHQ. Cơ quan này sau đó tuyên bố rằng không hề có vụ cướp bóc nào xảy ra.

Tham mưu trưởng quân đội Israel, Trung tướng Herzi Halevi, nói rằng trong tuần này sẽ tìm cách nào đó để cho phép chất đốt được vào Gaza, đồng thời đảm bảo không đến tay Hamas, nhưng không nói thêm thông tin chi tiết.

Điện đã khan hiếm ở Gaza ngay cả trước chiến tranh. Theo Gisha, một tổ chức phi lợi nhuận của Israel tập trung vào Gaza, khoảng 1/3 nguồn cung cấp điện của dải đất đến từ một nhà máy điện chạy bằng diesel công nghiệp nhập khẩu từ Israel, trong khi 2/3 đến từ các đường dây điện kéo dài từ Israel.

Người dân và doanh nghiệp dựa vào lưới điện thành phố, và chỉ có điện khoảng 12 đến 15 giờ mỗi ngày. Cá nhân hoặc tổ chức có tiền thì tự trang bị máy phát điện dự phòng. Nhưng máy phát điện cần dùng xăng, dầu diesel nhập khẩu, tức là, thiếu chất đốt thì chúng cũng vô dụng. Nhiều bệnh viện, doanh nghiệp và các cơ sở khác, bao gồm cả hộ gia đình, cũng lắp đặt các tấm pin mặt trời để cung cấp điện bổ sung.

Các bệnh viện ở Gaza hiện phải đối mặt với dự trữ chất đốt đã cạn đến đáy, và lâm vào tình trạng mất điện hoàn toàn, trong khi bom đạn oanh tạc không ngừng, do các nỗ lực kêu gọi ngừng bắn, hoặc tạm ngừng bắn, vẫn chưa có dấu hiệu thành công.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 6 bệnh viện ở Gaza đã ngừng hoạt động do thiếu chất đốt, trong khi những bệnh viện khác cũng không còn khả năng duy trì dịch vụ được lâu hơn nữa.

Theo LHQ, đã có hơn chục trong số 35 bệnh viện ở Gaza và khoảng 2/3 trong số 72 phòng khám chăm sóc sức khỏe đã đóng cửa do thiệt hại bởi bom đạn, hoặc do thiếu chất đốt.

Tại bệnh viện lớn nhất Gaza, Al Shifa, đèn ở hành lang và các khu vực phi lâm sàng đã bị tắt.

“Nơi duy nhất hoạt động 24 giờ một ngày là các phòng phẫu thuật và phòng chăm sóc đặc biệt,” theo Ghassan Abu Sittah, bác sĩ phẫu thuật tái tạo người Anh gốc Palestine của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đang làm việc ở đó. Ông ước tính khoảng 1/3 trong số khoảng 1.600 bệnh nhân sẽ tử vong nếu máy phát điện ngừng hoạt động.

“Đã không còn kế hoạch riêng nào từ những người cần được chăm sóc đặc biệt cho đến những người cần phẫu thuật nhiều lần,” ông nói.

Yousef Abu Al-Rish, Thứ trưởng Bộ Y tế Palestine, nói rằng họ đã kêu gọi dân chúng cung cấp nhiên liệu cho các bệnh viện. Bộ đã yêu cầu cảnh sát trưng dụng nhiên liệu từ các trạm xăng.

Israel tuyên bố rằng kỳ thực Hamas là có chất đốt nhưng, cũng tương tự Israel, đang không tìm cách cung ứng cho dân thường.

Đầu tuần này, phát ngôn viên quân đội Israel Avichay Adraee đã đăng một bức ảnh lên X về một địa điểm lưu trữ nhiên liệu ở Gaza gần cửa khẩu biên giới Rafah, và viết “Hơn nửa triệu lít dầu diesel trông như thế này,” nhưng “Hamas liên tục tuyên bố rằng họ không có đủ nhiên liệu để hỗ trợ các bệnh viện và tiệm bánh.”

Salama Marouf, người đứng đầu văn phòng truyền thông của chính quyền Hamas ở Gaza, phản bác tuyên bố của Israel, nói rằng tấm ảnh đó là nơi chứa xăng dầu thuộc về các chủ trạm xăng ở Gaza.

Theo Gisha, chỉ riêng trong tháng 8, hơn 30 triệu lít xăng dầu đã được đưa vào Gaza.

Tania Hary, giám đốc điều hành của một nhóm phi lợi nhuận, Israel chưa bao giờ cung cấp năng lượng miễn phí cho Gaza. Bà nói, trước chiến tranh, Chính phủ Qatar đã tài xăng dầu cho nhà máy điện duy nhất của Gaza. Trong khi Chính quyền Palestine, nơi quản lý các khu vực ở Bờ Tây, đã trả tiền cho lượng điện mà Gaza nhận được từ Israel thông qua đường dây điện.

WHO, với sự hỗ trợ của LHQ, hôm Thứ Ba đã chuyển 34.000 lít xăng dầu đến 4 bệnh viện lớn ở miền Nam Gaza cũng như Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine để duy trì các dịch vụ xe cứu thương. Tuy nhiên, WHO cảnh báo nhiên liệu chỉ đủ dùng trong hơn 24 giờ một chút.

Ông Richard Brennan, giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực phía Đông Địa Trung Hải của WHO, cho hay WHO và LHQ chưa thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ chính quyền Israel để cung cấp xăng dầu từ các kho dự trữ sẵn có trong Dải Gaza này đến các bệnh viện ở phía Bắc Gaza.

“Chúng tôi tiếp tục vận động, tiếp tục cầu xin,” ông nói

Người phát ngôn của Điều phối viên Hoạt động Chính phủ tại các vùng lãnh thổ của Israel đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Theo LHQ, hiện nay trong số hơn 1,4 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, thì gần 630.000 người đang lưu trú tại 150 nơi trú ẩn do LHQ chỉ định. Tại nhiều địa điểm, máy phát điện đang được chỉ đạo chỉ để duy trì hoạt động của các trạm nước và xả nước trong nhà vệ sinh, để tiết kiệm chất đốt.

Vợ và 5 người con của Aburayya, bác sĩ người Palestine, đã rời khỏi căn của họ ở Thành phố Gaza ở phía Bắc Gaza vào ngày 13/10 để đến lưu trú ở một cơ sở của LHQ ở Khan Younis.

Với khoảng 30.000 người chung sống đây, gia đình này buộc phải đắp chăn ngủ ngoài trời, và ăn đồ hộp nhưng thường xuyên bỏ bữa. Aburayya chật vật sạc điện thoại vì các trạm sạc ở trung tâm rất đông người đang nhìn chằm các thiết bị của họ.

Sau khi mặt trời lặn, khuôn viên trở nên tối hoàn toàn. Maryam, cô con gái 18 tuổi của ông nói: “Phòng tắm là nơi tồi tệ nhất vì nó cần điện và nước. Mà cả hai đều không hoạt động tốt.”

Ở những nơi khác, các tiệm bánh đang ngừng hoạt động do thiếu chất đốt, đồng thời bị hư hại do các cuộc oanh tạc không ngừng của Israel. Đường phố vắng bóng xe cộ. Các bác sĩ đã đạp xe đi làm. Giá thành mọi thứ tăng vọt, đặc biệt là các nhu yếu phẩm đang trở nên khan hiếm.

Mohamed Sharif, một tài xế taxi ở thành phố Gaza nói giá xăng là 5 USD/lít so với khoảng 1,7 USD hồi đầu tuần. Và anh phải mất 5 giờ đồng hồ mới tìm được một lít. Kể từ đó, ô tô của anh ấy đã dừng hoạt động. Anh đang phải đã di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tìm nơi trú ẩn.

Beshara Shahada, chủ sở hữu 61 tuổi của Công ty Bánh mì Gia đình ở khu Rimal ở trung tâm Gaza, đã đóng cửa tiệm bánh của mình vào Thứ Ba sau khi hết chất đốt cho lò nướng. Sau khi xếp hàng dài qua vài dãy nhà, mọi người ra về đói khát và trắng tay.

“Chúng tôi đang chờ chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan viện trợ nào gửi chất đốt cho chúng tôi. Chúng tôi đã bó tay và không thể làm gì được,” ông nói.