“Thế giới đang thất bại không đảm bảo được quyền lợi nhỏ nhoi nhất của khái niệm nhân đạo,” ông Martin Griffiths của Liên Hợp Quốc tuyên bố hôm Thứ Năm (26/10).

231023 gaza 01 scaled
Một cảnh đổ nát tại Gaza do bom đạn Israel (cắt từ video của The Guardian – Anh)

Đăng trên X (Twitter), Phó tổng thư ký LHQ về Vấn đề Nhân đạo Martin Griffiths viết hôm Thứ Năm 26/10:

“Thế giới đang thất bại không đảm bảo được quyền lợi nhỏ nhoi nhất của khái niệm nhân đạo” cho người dân Palestine trong Dải Gaza.

“20 ngày qua, bom đạn dữ dội oanh tạc Gaza vẫn tiếp diễn, và còn tồi tệ hơn, thậm chí cả ở vùng mà được hiểu là ‘an toàn’

Viện trợ hầu như không đưa vào được, mặc dù [Liên Hợp Quốc] chúng tôi đã cố gắng hết khả năng.

Thế giới đang thất bại không đảm bảo được quyền lợi nhỏ nhoi nhất của khái niệm nhân đạo.

Luật chiến tranh rất rõ ràng: Người dân thường phải được bảo vệ, và phải có những điều kiện thiết yếu để sinh tồn, dù là họ lựa chọn là đi hay là ở.

Chủ trương nhân đạo của [LHQ] chúng tôi cũng rất rõ ràng: Chúng tôi cung cấp viện trợ cho những người dân cần chúng, dù họ ở đâu; [chúng tôi] làm theo tôn chỉ của nhân đạo, không phân biệt đảng phái, trung lập và độc lập.” 

Tại sao Israel tấn công vào nơi mà họ bảo dân thường hãy sơ tán tới đó?

Israel đã ra lệnh người dân Gaza hãy sơ tán về phía Nam. Điều đó khiến người ta hiểu rằng đi sơ tán sẽ an toàn. Nhưng Israel vẫn tiếp tục oanh tạc vùng mà được hiểu là ‘an toàn’ đó.

Reuters có bài với tiêu đề “Tại sao Israel tấn công phía Nam Gaza sau khi bảo dân chúng đi vào đó?”

Trong bài dẫn nguồn IDF (quân đội Israel) nói rằng tuy trung tâm của Hamas ở thành phố Gaza thuộc phía Bắc Dải Gaza nhưng lực lượng Hamas có ở khắp nơi.

“Bất cứ nơi nào mục tiêu của Hamas xuất hiện, IDF sẽ tấn công mục tiêu đó nhằm ngăn chặn khả năng khủng bố của nhóm này, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường không liên quan,” IDF giải thích như vậy vào hôm Thứ Tư, và nói rõ rằng bất kể nơi đâu mà có phiến quân sinh sống đều là “mục tiêu hợp pháp”, dù cạnh đó có thường dân sinh sống.

“Cái gọi là nhà dân kỳ thực không phải nhà dân,” một sỹ quan quân đội Israel nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn.

Israel đã ban quân ‘lệnh’ sơ tán vào ngày 12/10, yêu cầu gần 1/2 trong số 2,3 triệu dân Palestine ở Gaza phải dồn vào phía Nam của dải đất này.

“Chúng tôi đang chuẩn bị khu vực cho hoạt động quân sự quan trọng ở Thành phố Gaza. Đó là giai đoạn tiếp theo. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu dân thường đi về phía nam sông Gaza,” người phát ngôn của quân đội giải thích

Ngày 18/10, quân đội Israel hối thúc cư dân tới khu vực mà họ gọi là nhân đạo ở Al Mawasi, bờ phía Nam của Gaza.

Ngày 22/10, quân đội Israel lại hối thúc, và nói rằng ai không sơ tán thì được coi là đồng cảm với “tổ chức khủng bố”.

Phía Hamas kêu gọi cư dân ở Gaza mặc kệ quân lệnh của Israel.

Trên thực tế, ‘lệnh’ này là bất khả thi. Riêng các cơ sở cư trú đã không cách nào đáp ứng được làn sóng người sơ tán. Có những báo cáo người dân sơ tán xong, không sao ở nổi, và lại quay về.

Theo tổ chức nhân đạo của LHQ, tính đến 24/10, đã có 1,4 triệu người Palestine đã phải di cư khỏi nhà của họ tới nơi khác trong nội bộ Dải Gaza.

Gaza bị Israel phong tỏa toàn diện, dân chúng bị nhốt trong đó.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói thẳng rằng việc yêu cầu hàng trăm ngàn người sơ tán chỉ trong vài giờ là “nguy hiểm và cực kỳ khó khăn.”

Rất nhiều các quốc gia lên tiếng kêu gọi ngừng bắn, hoặc tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên điều đó đã không có tác dụng.

Các dự thảo ngừng bắn ở Hội đồng Bảo an LHQ đều bị phủ quyết vì các lý do khác nhau.

The Guardian báo cáo, hôm Thứ Năm, Bộ Y tế Gaza công bố bản danh sách 212 trang, cho hay 7,028 người Palestine đã bị bom đạn của Israel giết chết, trong đó 2,913 là trẻ em.

Sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Tôi chắc chắn rằng những người vô tội đã bị giết chết. Nhưng mà đó là cái giá phải trả do khởi động chiến tranh.”

Cái giá phải trả vì khởi động chiến tranh? Thế giới đang gọi hành động của Israel là “trả thù tập thể” hoặc “trừng phạt tập thể”. Tìm cách giết người vô tội với lý do tội lỗi của người khác.

Kỳ thực, khái niệm “trừng phạt tập thể” này thường là được dùng để miêu tả các tổ chức khủng bố. Khi muốn đạt được yêu sách của mình thì bèn lạm sát người dân vô tội không liên quan chính là cách làm của khủng bố.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Tôi không có khái niệm rằng người Palestine nói thật [con số]… Tôi chắc chắn rằng những người vô tội đã bị giết chết. Nhưng mà đó là cái giá phải trả do khởi động chiến tranh…”

Tổng thống Mỹ không tin tưởng vào con số mà Gaza đưa ra. Ông nói, “Tôi không có tin tưởng gì vào con số mà Palestine đang dùng.”

Bình luận của ông Biden hôm Thứ Năm 26/10 “gây sốc nặng và phi nhân đạo” — Hội đồng Quan hệ Mỹ – Hồi giáo (CAIR)

CAIR (Hội đồng Quan hệ Mỹ – Hồi giáo) đã lên tiếng chỉ trích lối nói “gây sốc nặng và phi nhân đạo” của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Các phóng viên đã khẳng định tình trạng người chết rất nhiều, và vô số các video trình chiếu về thảm trạng ở Gaza được truyền ra hàng ngày với các hình ảnh thân thể tàn phá của người Palestine trong đó có phụ nữ, trẻ em, và các hình ảnh thành phố bị bom đạn san phẳng,” Nihad Awad, Hội trưởng Hội đồng nói.

“Tổng thống Mỹ nên đích thân xem xem một chút các video ấy, và tự hỏi xem cảnh xác những trẻ em bị tàn phá không còn hình dạng được lôi ra từ các đống đổ nát của nơi từng là căn nhà của họ, xem xem đó có phải là giả tạo, hoặc đó có phải là cái giá nên phải trả vì chiến tranh hay không? Cả hai đều không phải!”

Luke Baker, cựu biên tập của văn phòng Reuters tại Jerusalem, có bình luận cẩn thận hơn. Ông nói trên X (Twitter): “Hiển nhiên rằng bất kỳ tổ chức truyền thông nào cũng hiểu rõ rằng Bộ Y tế Gaza là do Hamas kiểm soát. Hamas rõ ràng có chính sách tuyên truyền thổi phồng các con số thiệt hại càng nhiều càng tốt. Nhưng mà, tôi không phủ nhận thực tế rằng có những nạn nhân là người thường và đã bị giết chết.”

Omar Shakir giám đốc bộ phận Israel-Palestine của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW đã tuyên bố rằng con số mà Bộ Y tế Gaza là phản ánh sự thật. Ông nói:

“Chúng tôi vẫn luôn theo dõi sát tình hình vi phạm nhân quyền ở Dải Gaza trong suốt 3 thập kỷ, gồm cả nhiều lần xung đột. Thông thường, chúng tôi thấy các con số của Bộ Y tế Gaza là đáng tin cậy.

Chúng tôi đã thực hiện các tính toán độc lập của mình căn cứ theo các đợt tấn công, và chúng tôi so sánh nó với con số mà Bộ Y tế Gaza đưa ra, thì không thấy khác nhau nhiều.

Nhìn chung các con số là nhất quán theo những gì chúng tôi quan sát được trong những ngày qua.

Đã có hàng trăm đợt không kích mỗi ngày, nhằm vào những khu vực tập trung đông dân cư nhất trên thế giới.

Chúng tôi so sánh với các tấm ảnh chụp từ vệ tinh. Chúng tôi đếm các ngôi nhà. Và các con số là khớp với những gì chúng nhìn thấy trên thực tiễn.

Gộp tất cả lại, chúng tôi tin rằng đó là các con số về thương vong đáng tin cậy.”

Theo ông Shakir, chỗ khó xác định là xác chết ấy là quân lính hay là dân thường. Tuy nhiên, hình ảnh lượng lớn phụ nữ và trẻ nhỏ bị bom đánh chết cho thấy rằng phần đông trong đó là người dân thường.

Nhật Tân