Vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Gaza nghiêm trọng đến mức người đứng đầu các nước thành viên EU đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo ở Gaza, “tạm dừng” xung đột để viện trợ có thể được chuyển đến người Palestine ở Gaza.

EU
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu ở Brussels, ngày 27/10/2023. (Ảnh: KENZO TRIBOUILLARD/AFP qua Getty Images)

Sau hàng chục giờ đàm phán, cuối cùng 27 nước EU đã đạt được tuyên bố chung cho biết: “Hội đồng châu Âu quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza, [chúng tôi] kêu gọi nhanh chóng thiết lập các hành lang nhân đạo, an toàn và không có rào cản để viện trợ nhân đạo có thể được chuyển đến những người đang cần hỗ trợ khẩn cấp”.

Tuyên bố được tất cả các nhà lãnh đạo EU thông qua đã đặc biệt nhấn mạnh, “Tất cả các biện pháp cần thiết phải được thực hiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bao gồm việc thiết lập các hành lang nhân đạo và tạm dừng xung đột giữa hai bên”.

Đây là hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10, sau đó Israel tiến hành vụ ném bom quy mô lớn vào hành lang Gaza – nơi có mật độ đô thị hóa cao và đông dân cư.

Nếu các nước thành viên EU đồng lòng mạnh mẽ lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 khiến hơn 1400 người thiệt mạng và bắt 220 con tin, thì họ lại có phần khác biệt khi thúc giục Israel dừng chiến dịch ném bom liên tục – đã khiến 6500 người Palestine thiệt mạng.

Tại cuộc họp, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland ủng hộ lời kêu gọi khẩn cấp của Liên Hợp Quốc về việc tạm dừng chiến tranh vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, Đức, Cộng hòa Séc và Áo cho rằng cách thể hiện như vậy có thể hạn chế quyền tự vệ của Israel và khiến Hamas có cơ hội tập hợp lại lực lượng.

Sau nhiều giờ đàm phán, đề xuất của Đức về việc kêu gọi tạm dừng xung đột đã được thông qua, với từ tạm dừng ở số phức chứ không phải số đơn. Bởi vì Đức cho rằng “tạm dừng” (số đơn) có thể khiến quyền tự vệ của Israel bị nghi ngờ. Ngoài ra, tuyên bố cuối cùng không bao gồm yêu cầu “ngừng bắn” do Liên Hợp Quốc đề xuất.

Hội đồng châu Âu cho hay trong tuyên bố, để bảo vệ dân thường, EU cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Trung Đông trong hỗ trợ Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận khẩn cấp chuyển thực phẩm, nước, thuốc men, nhiên liệu và nơi ẩn náu cần thiết, đồng thời đảm bảo những nguồn hỗ trợ đó sẽ không rơi vào tay lực lượng khủng bố.

Tuyên bố này đã được thảo luận nhiều lần, trong đó 27 nước đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa ủng hộ Israel và tình đoàn kết với người dân Palestine ở Gaza.

Trước hội nghị, Thủ tướng Tây Ban Nha Sancher cũng nhắc lại rằng Tây Ban Nha hy vọng EU sẽ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức nhân danh nhân loại, ông cho biết mỗi ngày chúng ta chứng kiến đau khổ của người dân Gaza là điều không thể chấp nhận được. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel bày tỏ hài lòng với kết quả hội nghị, ông viết trên Twitter: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng tôi”.

Mặc dù ảnh hưởng của EU đối với cuộc xung đột Palestine-Israel còn hạn chế, nhưng các nguyên thủ quốc gia và chính phủ lo ngại rằng một khi xung đột leo thang sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ châu Âu. Gần đây một số nhà lãnh đạo EU, như Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz, đã đến thăm Trung Đông để thể hiện tình đoàn kết với Israel, đồng thời ủng hộ mọi hành động ngoại giao có thể ngăn chặn xung đột lan rộng.

Tổng thống Pháp cho biết trong chuyến đi rằng “Sinh mạng thật quý giá, dù đó là người Pháp, người Palestine hay người Israel”, và không thể đạt được “hòa bình lâu dài” nếu không công nhận quyền sở hữu lãnh thổ và nhà nước hợp pháp của người dân Palestine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel ghi trong thư mời các nguyên thủ và chính phủ EU tham dự cuộc họp rằng “Thời khắc chúng ta đang gặp nhau là lúc mức độ bất ổn và mất an ninh toàn cầu là rất cao, trong khi sự kiện gần đây ở Trung Đông đã khiến mức độ này trở nên càng trầm trọng hơn. Chúng ta phải hết sức quan tâm biến động đó, nhưng đồng thời không thể làm chệch hướng ủng hộ cao độ của chúng ta dành cho Ukraine.”

Tổng thống Zelensky của Ukraine được mời phát biểu video tại Hội nghị thượng đỉnh EU, theo kế hoạch ban đầu thì việc làm thế nào để hỗ trợ thêm cho Ukraine là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh này, nhưng xung đột giữa Palestine và Israel đã làm đảo lộn chương trình nghị sự dự kiến. Một sự kiện khác xảy ra cùng ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU là Bộ Ngoại giao Nga thông báo phái đoàn Hamas đã đến thăm Moscow và hai bên sẽ thảo luận về việc “thả các con tin người Nga bị bắt”...

Hội nghị thượng đỉnh EU cũng lần đầu tiên thảo luận về kế hoạch viện trợ dài hạn cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp 50 tỷ euro hỗ trợ tài chính và 20 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong vòng 4 năm. EU cho biết sẽ không đưa ra tuyên bố về tình hình cụ thể, vì kế hoạch viện trợ sẽ được thảo luận trong khuôn khổ ngân sách rộng hơn, các nhà lãnh đạo EU hy vọng từ nay đến cuối năm nay sẽ đạt được thỏa thuận.

Theo AFP, quân đội Israel hôm thứ Năm (26/10) ra tuyên bố cho biết, xe tăng Israel đã tiến vào phía bắc Dải Gaza để tiến hành “các cuộc tấn công có mục tiêu”; cùng ngày quân đội Israel đã cho giới truyền thông xem vũ khí được lực lượng vũ trang Hamas sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công, xác nhận rằng một số vũ khí được cung cấp bởi Triều Tiên và Iran; Bộ Y tế Dải Gaza do Hamas kiểm soát tuyên bố hôm thứ Năm rằng số người chết ở Dải Gaza đã lên tới 7028. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo Pháp sẽ chuyển 54 tấn hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp tới Gaza.

Mộc Vệ