Người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell thông báo, các bộ trưởng Liên minh châu Âu hôm thứ Sáu (12/5) đã bày tỏ sự ủng hộ việc giảm sự phụ thuộc kinh tế của khối vào Trung Quốc và sẽ phải tìm biện pháp hiện thực điều đó.

Embed from Getty Images

Theo ông Borrell, các ngoại trưởng đều ủng hộ rộng rãi kế hoạch điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc nhằm nhấn mạnh hơn vào vai trò là đối thủ chính trị của nước này, đồng thời tiếp tục coi Bắc Kinh vừa là đối tác trong các vấn đề toàn cầu vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế.

“Các đồng nghiệp đều hoan nghênh luận điểm mà chúng tôi trình bày. Họ đồng ý về những đường hướng cơ bản trong việc điều chỉnh lại chiến lược của chúng tôi đối với Trung Quốc,” ông Borrell nói với các phóng viên sau cuộc họp của họ ở Stockholm. “Khi tồn tại sự phụ thuộc quá lớn, thì đó là một rủi ro.”

Ông Borrell nhìn nhận, EU phải học hỏi từ “sai lầm chiến lược” mà họ đã mắc phải trong những năm trước cuộc chiến của Moscow ở Ukraine khi trở nên quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Ông lưu ý, EU hiện nay thậm chí còn phụ thuộc vào Trung Quốc về các công nghệ quan trọng như tấm pin mặt trời và các vật liệu quan trọng nhiều hơn so với việc phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

“Giảm rủi ro chỉ là một thuật ngữ. Nhưng đằng sau đó, có rất nhiều công việc đòi hỏi thời gian để xem xét lại tất cả các mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc,” ông nhận xét.

Ông Borrell còn nhấn mạnh, mục đích không phải là “chia rẽ” nền kinh tế châu Âu và Trung Quốc mà là để cân bằng lại mối quan hệ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cảnh báo, ngay cả khi EU không muốn tách rời khỏi Trung Quốc về kinh tế, họ cũng cần phải chuẩn bị cho một kịch bản như vậy.

“Chúng ta phải tính đến khả năng rằng sự tách rời có thể xảy ra – không phải vì chúng tôi mong muốn điều đó, giống như với Nga, không phải vì chúng tôi muốn điều đó mà bởi vì tình hình, chẳng hạn như ở eo biển Đài Loan, đã bị thay đổi bằng vũ lực,” ông cho hay.

Các quan chức hiện sẽ tiến hành tinh chỉnh đề xuất để trình bày với các nhà lãnh đạo EU, những người dự kiến sẽ thảo luận về Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 sắp tới.

Kế hoạch này là nỗ lực mới nhất nhằm đạt được sự cân bằng trong quan điểm của 27 quốc gia thành viên EU, duy trì cách tiếp cận đặc biệt của EU đối với Bắc Kinh và duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Washington, quốc gia đang thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trong một bức thư kèm theo đề xuất, ông Borrell cho biết có ít nhất ba lý do để “điều chỉnh lại” chính sách về Trung Quốc.

Chúng bao gồm việc “Trung Quốc đang gia tăng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và hệ tư tưởng của họ; sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực chính sách; và thực tế là Trung Quốc là nhân tố chính trong các vấn đề khu vực và toàn cầu”.

Tài liệu nhận định, EU nên “đa dạng hóa các nguồn cung cấp trong các lĩnh vực chính, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của chúng ta” như chất bán dẫn, viễn thông 5G và 6G, pin, nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng.

Minh Ngọc (Theo Reuters)