Động thái thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chip gần đây của Mỹ được cho là Washington đã nhận ra Mỹ không những phải đẩy nhanh phát triển công nghệ này, mà còn cần kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để làm suy yếu đối thủ quan trọng, trước khi xung đột tiềm tàng có thể bùng nổ.

shutterstock 1196754286
(Nguồn: Connect World/ Shutterstock)

Giáo sư Hal Brands tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins cũng là thành viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Biện pháp hạn chế mới [đối với ĐCSTQ] thể hiện thức tỉnh của nhóm Tổng thống Biden”.

Vào thứ Hai (10/10), giáo sư Brands đã viết trên Bloomberg rằng việc công bố các lệnh trừng phạt mới đánh dấu sự leo thang của Chiến tranh Lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó Mỹ hy vọng động thái sẽ kiềm chế ĐCSTQ trong khả năng  kinh tế và quân sự. Ông viết: “Chính sách mới của Washington là lời cảnh báo đối với Bắc Kinh: ảnh hưởng của Mỹ là rất sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay”.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn như một vũ khí địa kinh tế. Nhìn lại thời Tổng thống Trump, Washington đã khiến Huawei gặp rắc rối khi từ chối cung cấp các con chip tiên tiến. Nhưng biện pháp trừng phạt mới hiện nay có phạm vi rộng hơn. Giáo sư Brands viết: “Đó đơn giản thuần túy là chính sách ngăn chặn [thẳng vào] công nghệ (technological containment)”.

Hôm thứ Sáu (7/10), Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới cứng rắn đối với chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip để ngăn Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ cải tiến quân sự.

Bộ Thương mại Mỹ cho hay các quy tắc sẽ yêu cầu các nhà sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép từ Bộ Thương mại để xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc, vốn là công nghệ quan trọng cho các hệ thống vũ khí hiện đại. Các quy tắc cũng sẽ giúp Chính phủ Mỹ ngăn chặn các chip nước ngoài được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ xâm nhập vào Trung Quốc.

Ngoài ra, Washington cũng cấm công dân hoặc tổ chức Mỹ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan chức năng Mỹ chấp thuận.

Giới phân tích có nhận định động thái có nghĩa Mỹ sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Huawei ra toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, như vậy toàn ngành công nghiệp chip Trung Quốc sẽ phải chịu nỗi đau tương tự như Huawei.

Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia bảo mật tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) là Jim Lewis cho biết “điều này sẽ khiến Trung Quốc thụt lùi một vài năm”.

“Nói dễ hiểu, (các công ty Trung Quốc) về cơ bản đã trở lại ‘thời kỳ đồ đá’”, CEO SzeHo Ng của tổ chức tài chính China Renaissance nhận định đầy bi quan.

Một người khác là giám đốc nhân sự tại một công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc nói với Financial Times: “Điều đó còn gây sốc hơn việc ngăn cản chúng tôi mua thiết bị. Công ty của chúng tôi có (công dân Mỹ) ở một số vị trí quan trọng nhất”. Bà nói rằng: “Chúng tôi cần tìm cách để giữ những người này làm việc cho công ty của chúng tôi, nhưng điều đó rất khó và hầu hết mọi người không muốn từ bỏ hộ chiếu Mỹ của họ”.

Giáo sư Brands cho biết trong bài viết rằng đến nay Mỹ vẫn chưa chính thức ngăn cản những ‘gã khổng lồ’ trong ngành như công ty ASML của Hà Lan bán cho Trung Quốc thiết bị sản xuất chất bán dẫn. “Nhưng những biện pháp này là tín hiệu mạnh mẽ rằng nếu Washington không thuyết phục được các đồng minh chủ chốt như Hà Lan đưa ra các biện pháp trừng phạt của riêng họ, thì điều đó có thể buộc họ phải làm như vậy”, ông Brands viết.

Tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan đã chỉ ra ĐCSTQ đang sử dụng các thủ đoạn phi pháp ngày càng tinh vi để có được công nghệ nhạy cảm, khiến Mỹ không thể bảo đảm lợi thế “tương đối” được. “Chúng ta cần cố hết sức bảo trì cao vị trí dẫn đầu”, ông Sullivan nói.

Giáo sư Brands cho biết điều đặc biệt của lệnh trừng phạt này là các công ty Mỹ không phải là những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.  Ông viết: “Các công ty từ các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản và đặc biệt là Đài Loan mới quan trọng nhất. Nhưng các công ty công nghệ Mỹ tham gia sâu vào chất bán dẫn cao cấp tạo cho Washington tầm ảnh hưởng trên toàn chuỗi cung ứng”.

Ông lưu ý phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của đồng USD kết hợp với mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn của Mỹ cho phép Washington quốc tế hóa các hạn chế được áp đặt đơn phương. Giáo sư Brands chỉ ra Mỹ là siêu cường duy nhất khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nếu chính sách này được triển khai tích cực, có thể là một tin rất xấu đối với Bắc Kinh.

Dù được đầu tư rất lớn nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ sản xuất và thiết kế chip tiên tiến.

“Đây là sự lật đổ mô hình quan hệ Mỹ – Trung Quốc từ sau Chiến tranh Lạnh”, ông Brands nhận định trong quá khứ Washington đã hy vọng sử dụng can dự kinh tế để thu hút Bắc Kinh chấp nhận hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. “Mỹ hiện đang phát triển một chiến lược tiêu hao nhằm làm suy yếu khả năng cạnh tranh gay gắt của các đối thủ”.

Ông cho rằng biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong phản ứng trước cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine khiến Nga thiệt hại nặng nề, và Washington tự tin có thể sử dụng các công cụ tương tự để răn đe Bắc Kinh, qua đó mang lại cho Mỹ ưu thế nhiều nhất có thể trước một cuộc xung đột thực tế tiềm tàng. Mỹ đang thúc đẩy bước tiến lớn trong chiến lược ngăn chặn công nghệ nhằm vào Trung Quốc và đây sẽ không phải là bước cuối cùng. Ông Brands viết: “Đây là điều bình thường trong cạnh tranh giữa các cường quốc. Rất khó để cân bằng địa chính trị với một đối thủ mà không ràng buộc họ về mặt kinh tế”.