Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện chế độ cai trị hà khắc khiến không ít người bị kết án vì vấn đề phát ngôn. Liên quan đến vấn đề này, có cảnh báo từ Đài Loan rằng người Đài Loan không có nhu cầu đặc biệt khẩn cấp thì đừng đến Trung Quốc.

dich ta chau phi
Sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan). Hình ảnh ghi vào tháng 11/2018. (Ảnh: Shutterstock)

Nhà văn Wang Hao nổi tiếng tại Đài Loan đã cho biết trên Facebook về một số trường hợp gần đây bị cơ quan chức năng ĐCSTQ trấn áp đầy hoang đường: Nam diễn viên “House” (Li Haoshi) của Trung Quốc khi biểu diễn, vì lỡ miệng nói “Tác phong tốt, có thể đánh thắng trận” mà bị buộc tội sử dụng hình ảnh chó hoang để nói bóng gió về quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bị nhà cầm quyền điều tra và cấm biểu diễn vô thời hạn; doanh nhân Đài Loan Fu Cha hoạt động xuất bản cũng bị ĐCSTQ giam giữ khi ông đi thăm người thân ở Trung Quốc; một sinh viên Hồng Kông học tập tại Nhật Bản đã đăng trên Facebook nội dung về tự do và dân chủ cho Hồng Kông, khi trở về Hồng Kông bị cáo buộc vi phạm “Luật An ninh Quốc gia” và bị truy tố.

Ông cảnh báo thực trạng “văn tự ngục” của thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đã xuất hiện trở lại tại quốc gia này, thậm chí cánh tay trấn áp còn vươn ra nước ngoài, nếu gần đây ai có muốn đến Trung Quốc thì hãy chú ý xem trong 5 năm qua, đã bao giờ đăng những lời lẽ tiêu cực về Trung Quốc trên bất kỳ mạng xã hội nào chưa, thậm chí mức độ chỉ là chuyển tiếp bài viết của người khác. Nếu điện thoại di động có tải các ứng dụng xã hội như Facebook, Twitter, LINE… thì hãy gỡ bỏ trước khi vào Trung Quốc. Khi đến Trung Quốc đừng tùy tiện chụp ảnh vì có thể bị nghi ngờ là gián điệp. Tuy nhiên “tốt nhất là đừng đến Trung Quốc nếu không có nhu cầu đặc biệt khẩn cấp”.

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hội đồng Vấn đề Đại Lục (MAC) là Zhan Zhihong cũng đề nghị trong cuộc họp báo vào ngày 18/5, rằng người Đài Loan nên đánh giá cẩn thận các rủi ro cá nhân trước khi đến Đại Lục. Ông chỉ ra trong các vụ bắt giữ gần đây ở Đại Lục thì các căn cứ cáo buộc đều xảy ra ở nước ngoài, cho thấy cánh tay quyền tài phán của ĐCSTQ đã mở rộng ra các khu vực nước ngoài – một động thái đã khiến nhiều nước lên án; còn “Luật phản gián” mới của ĐCSTQ có nhiều vấn đề quy định mập mờ. Ví dụ tính mơ hồ về xác định cái gọi là “an ninh quốc gia” của ĐCSTQ, quá trình thực thi khiến người nước ngoài khó lường để tránh phạm “điều cấm kỵ”. Gần đây nhiều học giả, nhà lập pháp, nhà văn hóa, nhà báo và doanh nhân Đài Loan đã bị phía Trung Quốc đối xử không thân thiện, ảnh hưởng đến quyền tự do và an toàn cá nhân, nhưng không có lời giải thích nào từ phía Trung Quốc, MAC phải nhắc nhở người Đài Loan đưa ra những đánh giá và cân nhắc liên quan trước khi sang Đại Lục.

Về vấn đề này, trong họp báo vào ngày 17/5, người phát ngôn Văn phòng Vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ là Ma Xiaoguang đã tuyên bố: “Ở Đại Lục không có chuyện bị bắt vì tội gián điệp nếu chụp ảnh các tòa nhà được phép chụp ảnh. Việc nói chuyện liên quan chia rẽ Đài Loan và Đại Lục nhưng với tinh thần xây dựng thiện ý thì không có vấn đề gì, nhưng nếu nhằm mục đích do thám tình báo thì đó là vi phạm pháp luật”. Đáp lại, người phát ngôn của MAC Đài Loan cho biết: xác định thế nào là thiện chí và thế nào là do thám tình báo đều do phía ĐCSTQ quyết định. Ông hỏi: “Có nước nào mà diễn viên nói lỡ vài chữ mà phạt 13,35 triệu nhân dân tệ?”