Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại California, và đã trở về Đài Loan vào tối 7/4. Sáng sớm cùng ngày, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đại diện của Đài Loan tại Mỹ, người điều phối tất cả các cuộc hội kiến. 

p3311261a358890292 ss
Tổng thống Thái Anh Văn (trái) đến Los Angeles, Mỹ vào tối ngày 4/4, Đại diện Đài Loan trú tại Mỹ – bà Tiêu Mỹ Cầm (phải) và Chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Laura Rosenberger (giữa) đã đón tại sân bay. (Nguồn: Thông tấn xã Trung ương)

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 7/4, chỉ trích bà Tiêu Mỹ Cầm là “phần tử ngoan cố đòi Đài Loan độc lập”, “dựa vào nước ngoài” “dựa vào Mỹ để mưu đồ độc lập”. ĐCSTQ đã quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bà và cấm bà cùng gia đình vào Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao, các doanh nghiệp có liên quan với bà cũng bị cấm hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ở Trung Quốc Đại Lục.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Tiêu Mỹ Cầm bị ĐCSTQ điểm tên. Sau khi đọc được tin tức này, bà đã nói đùa trên Twitter: “Chà, ĐCSTQ trừng phạt tôi, lần thứ hai rồi đấy.”

Theo báo cáo của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, ngoài bà Tiêu Mỹ Cầm, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện ĐCSTQ Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian) còn nêu tên thêm hai tổ chức, bao gồm “Quỹ Tầm nhìn” và “Liên minh Dân chủ và Tự do Châu Á”. Bà Chu nói rằng hai tổ chức này được Chính phủ của Đảng Dân tiến (Đài Loan) chỉ thị lợi dụng dân chủ, tự do, hợp tác làm cái cớ để lôi kéo cái gọi là thế lực phản Hoa, nhằm tạo ra một Trung Quốc, một Đài Loan, v.v., vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc.

Bà Chu tuyên bố rằng ĐCSTQ quyết định thực thi các biện pháp trừng phạt đối với “Quỹ Tầm nhìn” và “Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Á”, cấm người phụ trách của các tổ chức này vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời cấm các tổ chức và cá nhân Trung Quốc Đại Lục hợp tác với họ.

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng việc nguyên thủ quốc gia thăm nước khác và tiến hành các hoạt động ngoại giao là quyền lợi cơ bản của các quốc gia dân chủ, ĐCSTQ không có quyền xen vào. Lần này Tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh tại Mỹ, hành trình của bà đã thành công viên mãn, người dân cũng hãnh diện vì việc này. ĐCSTQ đã phản ứng quá mức về việc này, tiếp tục chèn ép không gian quốc tế của Đài Loan và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan, hành vi ‘lừa mình không lừa được người khác’ này không chỉ làm sâu sắc thêm sự phản cảm của người dân Đài Loan với ĐCSTQ, mà còn tự phơi bày bản chất phi lý của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Đài Loan kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nhìn thẳng vào vấn đề hai bờ eo biển Đài Loan và Đại Lục không liên kết với nhau, áp bức và chèn ép sẽ không làm thay đổi sự thật khách quan mà chỉ củng cố niềm tin của Chính phủ Đài Loan vào tự do và dân chủ, và tiếp tục nỗ lực phấn đấu  để Đài Loan có không gian quốc tế xứng đáng.

Đài Á châu Tự do đưa tin, Ủy ban Các vấn đề Đại Lục của Đài Loan (MAC) cũng cho biết các chuyến thăm của tổng thống tới các quốc gia có quan hệ ngoại giao và các thỏa thuận quá cảnh tại Mỹ đã được thiết lập trong quá khứ. Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có chủ quyền, giao lưu với các nước thân hữu là quyền hợp pháp, đó cũng là kỳ vọng của người dân Đài Loan, ĐCSTQ không có quyền xen vào.

MAC nhấn mạnh rằng “Hành trình Đối tác dân chủ cùng thịnh vượng” làm tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước có bang giao với Đài Loan, thể hiện Đài Loan là sức mạnh thiện lương của cộng đồng quốc tế, cũng là sức mạnh quan trọng của kinh tế toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh không đánh giá sai tình hình, cố tình gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan và gây tổn hại đến quan hệ hai bờ eo biển.

Nhà lập pháp Đảng Dân tiến Trần Đình Phi  (Chen Ting-fei) phản đối các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ, bà cho rằng các biện pháp trừng phạt là vô ích, thay vào đó khiến Bắc Kinh tự phơi bày sự đuối lý của mình. Bà nói: “Dù sao thì mọi người sẽ không đến Trung Quốc, và họ biết rằng Trung Quốc không thân thiện với tất cả những người theo đuổi dân chủ. Vì vậy, điều này chỉ chứng tỏ rằng chính quyền hẹp hòi, không thể chấp nhận tiếng nói của nhiều bên và vạch trần sự xấu xí của chính họ.”

Nhà lập pháp Đảng Dân tiến Triệu Thiên Lân (Chao Tien-lin) chỉ ra rằng trước đây, có nhiều nhà lập pháp Đài Loan cũng bị ĐCSTQ trừng phạt, nhưng ngược lại họ cho rằng đó là huy chương lớn và được khẳng định đã làm một việc bảo vệ Đài Loan một cách chân chính, cho nên mới bị chính quyền độc tài đối đãi một cách vô lý.

Ông Triệu Thiên Lân cho rằng đối với bà Tiêu Mỹ Cầm mà nói, trừng phạt của ĐCSTQ không có bất cứ ảnh hưởng nào. Ngược lại, phía Trung Quốc có phản ứng thái quá như vậy, tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế chắc chắn sẽ cười nhạo việc này, và sẽ nói rằng Bắc Kinh đã hành động một cách ấu trĩ và không phù hợp lễ tiết.

Nhà lập pháp Quốc dân đảng Giang Khởi Thần (Johnny Chiang Chi-chen) cho biết, lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan thăm nước khác, mục đích đều là để tìm kiếm hòa bình, tức mục tiêu đều là vì hòa bình, phía Bắc Kinh không nên làm to chuyện.

Ông kêu gọi Bắc Kinh cần kiềm chế. Các cuộc tập trận quân sự sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan năm ngoái, thực sự không giúp ích gì cho quan hệ hai bờ eo biển. Nó không thêm bất kỳ điểm có lợi nào cho sự trao đổi giữa người dân ở cả hai bờ eo biển.