Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga sẽ không xuất khẩu lương thực có phương hại cho thị trường của chính mình. Cựu tổng thống Nga còn cáo buộc, phương Tây phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra vì “sự ngu ngốc to lớn” của mình.

Embed from Getty Images

Trong một bài đăng dài trên Telegram, Cựu Tổng thống Medvedev đã bình luận về những tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo phương Tây về an ninh lương thực. Do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì lớn trên thế giới, chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, nên giá đã tăng lên đáng kể kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự vào quốc gia láng giềng, dẫn đến các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, EU, Anh, và một số quốc gia phương Tây khác áp đặt lên Nga. Hôm 18/5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi, phân bón và các sản phẩm lương thực từ Nga nên được cung cấp cho thị trường thế giới mà không gặp trở ngại nào.

Ông Medvedev đồng ý rằng nếu không có nguồn cung cấp lúa mì và các sản phẩm lương thực khác từ Nga, các quốc gia nhập khẩu sẽ “gặp rất nhiều khó khăn”. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, Bởi vì nếu không có phân bón của Nga, thì “chỉ có cỏ dại ngon ngọt [sẽ] mọc” trên các cánh đồng của họ.

Ông tiếp tục: “Chà … thật đáng buồn. Họ phải tự trách mình.”

Theo quan điểm của ông Medvedev, phương Tây hiện đang “thoái lui” bởi vì “tất cả các lệnh trừng phạt quỷ quái này đều vô giá trị đối với những thứ quan trọng”, chẳng hạn như lương thực hoặc năng lượng.

Cựu tổng thống Nga chỉ trích, các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở mong muốn sống một cuộc sống bình thường, thịnh vượng của mọi người. Ông nhận định, sự mở rộng của NATO và “sự lộn xộn trong việc tính toán các khoản nợ, khoản thanh toán, và những thứ khác” đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Ông cáo buộc: “Và điều gây trở ngại lớn nhất là sự ngu ngốc to lớn của chính phương Tây.”

Theo ông Medvedev, Nga sẵn sàng thực hiện mọi nghĩa vụ của mình, nhưng nước này có quyền mong đợi sự hỗ trợ từ các đối tác thương mại. Ông nhấn mạnh, nếu không, sẽ không có logic nào để làm việc đó: “Một mặt, các lệnh trừng phạt điên rồ [của phương Tây] đang áp đặt lên chúng tôi, mặt khác, [phương Tây] lại đang yêu cầu [chúng tôi] cung cấp lương thực.”

Ông kết luận: “Điều đó sẽ không xảy ra, chúng tôi không phải là những kẻ ngốc.” Ông còn cảnh báo, Nga sẽ không xuất khẩu bất kỳ lô hàng nào có phương hại đến thị trường Nga.

Ông lưu ý: “Lương thực đối với người dân Nga là một vấn đề rất quan trọng.”

Trước đó, ngày 19/5, ông Maxim Oreshkin, cố vấn của Tổng thống Nga Putin dự đoán một nạn đói toàn cầu sẽ bắt đầu “trước cuối mùa thu hoặc trước cuối năm nay”.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Moscow và Kyiv cùng với nhiều quốc gia phương Tây khác đã đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra.

Trong Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một “sáng kiến toàn cầu về an ninh lương thực”, trong đó bao gồm:

  • Một kế hoạch khẩn cấp mở kho dự trữ trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực
  • Một cam kết đa phương không áp đặt các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu nguyên liệu thô nông nghiệp
  • Tạm thời tăng ngưỡng sản xuất
  • Hỗ trợ sản xuất lương thực bền vững ở những nước dễ bị tổn thương nhất, và tạo một cơ chế cho phép cung cấp cho họ các sản phẩm nông nghiệp “đủ số lượng với giá cả hợp lý”, nếu nhu cầu tăng lên.

Nhật Minh (Theo RT)