Trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Đức công bố hôm 14/6, quốc gia này nhìn nhận Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh toàn cầu, nhấn mạnh sự thay đổi của Berlin trong việc tập trung từ lợi ích kinh tế sang địa chính trị sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Embed from Getty Images

Chiến lược được đưa ra chỉ một tuần trước khi các cuộc tham vấn của chính phủ Đức-Trung Quốc diễn ra tại Berlin. Sử dụng ngôn từ thẳng thừng về đối tác thương mại hàng đầu của mình, tài liệu chiến lược mô tả thực trạng Bắc Kinh hung hăng tuyên bố quyền lực tối cao ở châu Á và tìm cách tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được các mục tiêu chính trị.

Tài liệu nêu bật các mối đe dọa chính mà Đức nhận thấy nước này phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến gián đoạn chuỗi cung ứng và bao gồm một số chi tiết cụ thể về chính sách, chẳng hạn như cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và thành lập một cơ quan chống lại các cuộc tấn công mạng.

Các nhà phân tích nhìn nhận, chiến lược này không ưu tiên chống lại mối đe dọa nào hoặc ngăn chặn bất kỳ biến cố lớn nào. Nó cũng bỏ qua một số vấn đề lớn, chẳng hạn như Đài Loan, và cũng không hướng đến việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia để giúp thực hiện điều đó.

Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố tại buổi công bố tài liệu, “Đây là một thay đổi lớn đang được chúng tôi thực hiện ở Đức trong hướng giải quyết chính sách an ninh,” chuyển từ chiến lược quân sự sang khái niệm an ninh tổng hợp.

Ngoại trưởng Annalena Baerbock cũng cho hay: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh khi đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế. Chúng tôi đã trả gấp đôi và gấp ba lần cho mỗi mét khối khí đốt của Nga bằng chính an ninh quốc gia mình.”

Việc Đức phụ thuộc vào Nga và phải nhập khẩu từ nước này khoảng một nửa lượng khí đốt đã Berlin không thể ngay lập tức ngừng giao dịch năng lượng với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine tháng 2/2022. Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình châu Âu “hiện tại”, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) nêu rõ.

Tài liệu nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào các quốc gia khác về tất cả các hàng hóa và khuyến khích các công ty nắm giữ dự trữ chiến lược.

Các biện pháp này hiện đặc biệt phù hợp trước thực tế Đức và châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng, vốn là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

“Trung Quốc đang cố tình tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được các mục tiêu chính trị”, NSS còn viết. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một đối tác mà thế giới cần để giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu, tài liệu chiến lược lưu ý thêm.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ euro (325 tỷ USD), Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức và là thị trường cốt lõi của các công ty hàng đầu của Đức bao gồm Volkswagen (VOWG_p.DE), BASF (BASFn.DE) và BMW (BMWG.DE) .

Nhiều CEO Đức đã cảnh báo về những rủi ro khi cắt giảm giao dịch hoặc giảm liên kết với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz (MBGn.DE) Ola Kaellenius hồi tháng 4 nhận định, việc tách khỏi Trung Quốc là “không thể tưởng tượng được đối với hầu hết ngành công nghiệp Đức”.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Đức đều đồng thuận về việc cần phải giải quyết sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô quan trọng.

Bà Baerbock tiết lộ, các quan chức chính phủ đã tổ chức “các cuộc đàm phán chuyên sâu” với các công ty hoạt động tại Trung Quốc. “Điều đáng mừng là các công ty Đức đang đưa ra kết luận tương tự với chính phủ liên bang Đức.”

Ngoài ra, chiến lược an ninh của Đức cũng nhấn mạnh khả năng phòng thủ, chống chịu và thích ứng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Theo Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Đức đặt ra một số mục tiêu chiến lược bao gồm mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 2024.

Đức coi Nga là “mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương” sau cuộc xâm lược Ukraine. Ngoại trưởng Baerbock cũng phân tích, cuộc chiến diễn ra ra cho thấy “châu Âu dễ bị tổn thương”.

Minh Ngọc (Theo Reuters)