Đức sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách gửi thêm tàu ​​chiến và tham gia các cuộc tập trận với các đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói với Reuters, trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục việc xây dựng lực lượng vũ trang “khổng lồ” tại khu vực.

Embed from Getty Images

Đức đang cùng các quốc gia phương Tây đồng minh khác mở rộng sự hiện diện trong khu vực trong bối cảnh ngày càng báo động về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Năm ngoái, Berlin đã lần đầu tiên sau gần 20 năm cử tàu chiến tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và trong tháng này, họ đã cử 13 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận chung ở Australia.

Tướng Eberhard Zorn nói với Reuters rằng Bundeswehr có kế hoạch cử binh sĩ tham gia các cuộc tập trận ở Australia vào năm tới, trong khi hải quân sẽ cử một hạm đội gồm một số tàu nữa đến khu vực này vào năm 2024.

“Đây là cách chúng tôi muốn củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực”, ông Zorn nói trong một cuộc phỏng vấn tại Bộ Quốc phòng ở Berlin.

Đức từ trước đến nay tỏ ra rụt rè hơn trong chính sách an ninh so với các đồng minh do vai trò của nước này trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Thay vào đó, Đức tập trung nhiều hơn vào thương mại trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó bao gồm việc mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các đối tác gần đây đã kêu gọi Đức thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn, phát huy sức mạnh của mình với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất châu Âu.

Năm 2020, Berlin công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mới với trọng tâm là tăng cường liên minh với các nền dân chủ trong khu vực – được coi là sự kiện bước ngoặt. Sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 2 đã cam kết tăng đáng kể chi tiêu cho quân sự sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Căng thẳng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng đặc biệt cao vào thời điểm hiện tại sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay xung quanh Đài Loan vào đầu tháng 8.

Khi được hỏi liệu Đức có thể cử một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan như Hoa Kỳ hay không, ông Zorn cho biết đây là một vấn đề nhạy cảm được quyết định ở cấp chính trị cao nhất.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn khiêu khích bất cứ ai với sự hiện diện của chúng tôi mà muốn gửi một dấu hiệu đoàn kết mạnh mẽ với các đồng minh của chúng tôi. “Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và bảo vệ các chuẩn mực quốc tế.”

Ông Zorn cho biết sức mạnh quân sự của Trung Quốc từng nằm ở số lượng binh sĩ của họ, nhưng bây giờ các lực lượng vũ trang của họ cũng được trang bị công nghệ tốt.

Nhật Minh (theo Reuters)