7 cá nhân và 5 tổ chức của Nga đã bị Liên minh châu Âu (EU) nhắm mục tiêu trừng phạt với cáo buộc “thao túng thông tin kỹ thuật số”, theo hãng tin RT.

trừng phạt Nga
(Ảnh minh họa: Tomasz Makowski/Shutterstock)

Cụ thể, hôm 28/7 vừa qua, EU tuyên bố leo thang các trừng phạt liên quan đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine khi thêm 7 cá nhân và 5 thực thể vào danh sách trừng phạt của mình.

Theo một tuyên bố từ Hội đồng châu Âu, các biện pháp nhắm vào các công dân và pháp nhân Nga bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho một chiến dịch thao túng thông tin được gọi là “Tin tức Đáng tin cậy Gần đây” (RRN).

Theo báo cáo, việc thao túng thông tin có mục tiêu và phối hợp này là một phần của chiến dịch hỗn hợp rộng lớn hơn của Nga chống lại EU và các quốc gia thành viên.

Các biện pháp trừng phạt mới áp dụng cho nguồn truyền thông trực tuyến InfoRos, tổ chức phi lợi nhuận có tên “Dialogue” (Đối thoại), Viện cộng đồng người Nga, cũng như Cơ quan thiết kế xã hội và Công nghệ quốc gia Structura – là hai công ty công nghệ thông tin của Nga bị cáo buộc tham gia vào chiến dịch RRN, cùng với những người đại diện của họ.

Đầu tháng này, các nhà chức trách EU cũng đã thêm vào danh sách trừng phạt 18 cá nhân và 5 tổ chức của Nga bị cáo buộc “bạo lực về giới”. Brussels cũng đã gia hạn các hạn chế đối với một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga cho đến ngày 31/1/2024.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 1.800 cá nhân và pháp nhân Nga kể từ khi Moscow tiến hành cuộc tấn công tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong khi đó, ngày 28/7, Nga cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu cá từ phương Tây. Động thái này là một phần của các hạn chế mới của Moscow đối với các quốc gia “không thân thiện”.

Theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Phát triển và Kinh tế Nga, các hạn chế sẽ giải phóng một số thị trường nhất định cho các nhà sản xuất trong nước có năng lực cho phép họ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường nội địa.

Phan Anh

Video: 5 điều hối tiếc nhất lúc sắp lìa trần