Hôm thứ Tư (1/11), Giáo hoàng Phanxicô cho biết cần có giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine để chấm dứt các cuộc chiến tranh như hiện nay. Giáo hoàng cũng kêu gọi quy chế đặc biệt cho Jerusalem.

Giao hoang Francis
Giáo hoàng Francis 10/2013, ảnh minh họa (Nguồn: Giacomo Morini / Shutterstock)

Trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức TG1 của đài truyền hình nhà nước Ý RAI, Giáo hoàng Phanxicô cho biết ông hy vọng có thể tránh được sự leo thang trong khu vực do cuộc tấn công của Hamas vào Israel khởi nguồn, giết chết khoảng 1.400 người Israel, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 230 con tin.

“(Đó là) hai dân tộc phải chung sống. Với giải pháp khôn ngoan, hai quốc gia. Theo Hiệp ước hòa bình Oslo, hai quốc gia được xác định rõ ràng và Jerusalem có địa vị đặc biệt”, Giáo hoàng Phanxicô nói với đài truyền hình RAI.

Năm 1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat đã bắt tay đồng ý Hiệp ước hòa bình Oslo, thiết lập quyền tự trị có giới hạn của người Palestine.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Thủ tướng Israel Ehud Barak và Arafat đã tham gia hội nghị thượng đỉnh Trại David năm 2000, nhưng không đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Israel chiếm Đông Jerusalem của Ả Rập vào năm 1967, đến năm 1980 tuyên bố toàn bộ thành phố là “thủ đô thống nhất và vĩnh hằng”. Người Palestine xem phần phía đông của thành phố là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. 

Israel đã liên tục bác bỏ những ý kiến cho rằng Jerusalem – thành phố linh thiêng đối với người theo đạo Thiên chúa, người Hồi giáo và người Do Thái có thể có địa vị đặc biệt hoặc địa vị quốc tế.

“Cuộc chiến ở Thánh địa làm tôi sợ hãi”, Giáo hoàng Phanxicô nói. “Những người này sẽ kết thúc câu chuyện này như thế nào?”

Ông nói, leo thang “sẽ có nghĩa là sự kết thúc của rất nhiều thứ và rất nhiều mạng sống”.

Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để giúp đỡ người dân Gaza và cần phải ngừng bắn. Ngài nói chuyện qua điện thoại hàng ngày với các linh mục và nữ tu đang điều hành một giáo xứ ở Gaza đang che chở cho khoảng 560 người, chủ yếu là tín đồ Kitô hữu nhưng cũng có một số người Hồi giáo.

Ông nói: “Hiện tại, tạ ơn Chúa, lực lượng Israel đang tôn trọng giáo xứ đó”.

Ông cũng nói rằng ông lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời nói thêm rằng phần lớn trong số đó vẫn “đang ẩn dấu”.

Giáo hoàng nói, cuộc chiến giữa Israel và Hamas không nên làm mọi người quên đi những xung đột khác, bao gồm cả ở Ukraine, Syria, Yemen và Myanmar.

Anh Nguyễn