Ủy ban Olympic Quốc tế đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc sẽ cung cấp vắc-xin Trung Quốc cho người tham gia Thế vận hội Tokyo và Thế vận hội Mùa đông 2022 Bắc Kinh. Học giả tại Nhật cho biết, chính quyền Bắc Kinh tìm đến chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế để nói giúp cho mình, còn Ủy ban này thì lại nịnh ĐCSTQ, theo sát hành vi chính trị “ngoại giao vắc-xin” của ĐCSTQ. 

Olympic Tokyo
(Nguồn: Pharaoh_EZYPT/ Pixabay)

Ngày 11/3, tại cuộc họp toàn thể lần thứ 137 của Ủy ban Olympic Quốc tế, Chủ tịch Ủy ban là ông Thomas Bach đã tuyên bố Trung Quốc chủ động đề xuất cung cấp vắc-xin COVID-19 do nước này sản xuất cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo, Thế vận hội Paralympic dành cho người khuyết tật, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và Paralympic mùa đông. Chi phí sẽ do Ủy ban Olympic Quốc tế chi trả. Tuy nhiên, Ủy ban này không công bố chi tiết về số lượng vắc-xin sẽ mua.

Học giả: Ủy ban Olympic Quốc tế phối hợp với “ngoại giao vắc-xin” của ĐCSTQ

Đến hiện tại, Nhật Bản, Úc, Đài Loan đều đã từ chối một cách rõ ràng việc tham gia vào thỏa thuận vắc-xin nói trên của Ủy ban Olympic Quốc tế và ĐCSTQ.

Ông Dương Hải Anh (Haiying Yang), giáo sư người Mông Cổ tại Đại học Shizuoka Nhật Bản nói với Đài Á Châu Tự do rằng xã hội Nhật Bản phần lớn không tin tưởng chất lượng vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Hiện tại rất nhiều người đã đề xuất tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh: “Dự đoán là Bắc Kinh mượn lời của (Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế) Thomas Bach để hô hào như thế, bản thân Bắc Kinh không thể hô hào (kêu gọi tiêm vắc-xin của Trung Quốc), nên cho rằng để Ủy ban Olympic Quốc tế lên tiếng thì sẽ gây ra làn sóng tẩy chay ít hơn một chút. Khứu giác chính trị của ông Thomas Bach rất nhạy bén, vì để bản thân có thể tái đắc cử nên chắc chắn ông ấy phải nịnh Bắc Kinh.”

Ông Thomas Bach vừa mới tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế tại hội nghị lần thứ 137 của Ủy ban này diễn ra vào ngày 10 – 12/3. Nhiệm kỳ chủ tịch là 4 năm. 

Trong tuyên bố chính thức của Ủy ban này có nói: “Ủy ban Olympic Quốc tế từ chối vận động hành lang cho bất cứ đoàn thể chính trị nào.”

Ông Dương Hải Anh cho biết, ông Thomas Bach tự vả vào miệng mình, “ngoại giao vắc-xin” của Bắc Kinh chính là một loại hành vi chính trị; không loại trừ Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy ban Olympic Quốc tế phối hợp cùng nhau diễn vở kịch chính trị này chủ yếu là vì để loại bỏ chướng ngại cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. 

Ông Ngô Nhĩ Khai Hy – Nguyên lãnh tụ phong trào sinh viên năm 1989, Phó Tổng thư ký thúc đẩy Nhân quyền thuộc Viện lập pháp Đài Loan nói rằng: “Hiển nhiên Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn dùng vắc-xin của chính họ để làm ‘ngoại giao vắc-xin’, rũ bỏ trách nhiệm của họ về virus corona mới (virus Trung Cộng). Trung Quốc (ĐCSTQ) lâu nay vẫn luôn thử nghiệm mua chuộc các tổ chức quốc tế, sau đó để các tổ chức quốc tế này nói thay mình. Tôi kêu gọi toàn cầu có thể từ chối một cách rõ ràng kiểu ‘ngoại giao vắc-xin’ này của Chính phủ Trung Quốc. Ủy ban Tổ chức Olympic không nên làm con tốt cho chính phủ Trung Quốc, không nên làm kẻ đánh trống thổi kèn cho tuyên truyền nước ngoài của ĐCSTQ.”

Ông Quan Nghiên (Guan Yao), người sáng lập “Liên minh người Hoa chống độc tài toàn trị”, nói rằng: “Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng vắc-xin để làm thủ đoạn ngoại giao và tuyên truyền, hiện tại lại mượn Ủy ban Olympic Quốc tế để đẩy mạnh chào hàng (vắc-xin) ra toàn thế giới. Ủy ban Olympic Quốc tế với tư cách là tổ chức quốc tế có tiếng nói, nhưng trong tình huống hiệu quả và an toàn của vắc-xin Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh cãi mà vẫn đưa ra quy định như thế này, tôi cho rằng hiện giờ Ủy ban Olympic Quốc tế đã trở thành công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ rồi.”

“Kế hoạch vắc-xin Olympic” của ĐCSTQ gặp trở ngại

Khi truyền thông chính thức của ĐCSTQ công bố thông tin cung cấp vắc-xin cho Thế vận hội đã nói: “Mỗi một liều vắc-xin mà Ủy ban Olympic Quốc tế mua, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục cung cấp 2 liều vắc-xin để tiêm chủng cho đoàn đại biểu tham dự, họ có thể cung cấp cho người dân nước chủ nhà.”

Ngày 12/3, Bộ trưởng Olympic Nhật Bản Tamayo Marukawa cho biết, Ủy ban Olympic Quốc tế đã không trao đổi với phía Nhật về vấn đề vắc-xin Trung Quốc. Nhật Bản không phê chuẩn vắc-xin Trung Quốc, vận động viên Nhật Bản không thể tiêm loại vắc-xin nước ngoài mà chưa được Nhật Bản cho phép sử dụng.

Bà cho biết, nguyên tắc của Ủy ban Olympic Nhật Bản không có bất cứ thay đổi nào – không lấy việc tiêm vắc-xin làm điều kiện hàng đầu để tham dự Thế vận hội; Ban tổ chức Olympic Nhật Bản đã đưa ra phương án an toàn cho Olympic, đó là trong tình huống không tiêm vắc-xin, sẽ thông qua các biện pháp tổng hợp để đảm bảo an toàn cho người tham dự thế vận hội. Ví dụ như xét nghiệm, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, v.v.

Ngày 13/3, Ủy ban Olympic Úc cho biết, vắc-xin Trung Quốc sản xuất sẽ không nằm trong phạm vi cân nhắc sử dụng. Ủy ban Olympic Úc sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với Chính phủ liên bang Úc, làm tốt các chuẩn bị cho vận động viên Úc tham gia Thế vận hội Tokyo, trong đó bao gồm tiêm vắc-xin, “Chính phủ liên bang có lòng tin, vận động viên của chúng ta đều sẽ được tiêm chủng vắc-xin trước khi đến Tokyo.”

Hôm 13/3, ông Trần Thời Trung – quan chức chỉ huy của Trung tâm chỉ huy dịch bệnh Đài Loan cho biết, các tuyển thủ của Đài Loan được đưa vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm chủng của Chính phủ Đài Loan. Họ đều sẽ được tiêm chủng tại Đài Loan xong rồi mới ra nước ngoài thi đấu. 

Ngoài ra, hôm 12/3, nguyên thủ của 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đã tổ chức hội đàm, đồng ý cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin cho phần lớn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào trước cuối năm 2022. 

Vài ngày trước khi Ủy ban Olympic Quốc tế tuyên bố thông tin sử dụng vắc-xin Trung Quốc, truyền thông Peru tiết lộ, thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin Sinopharm Trung Quốc cho thấy, vắc-xin của Viện nghiên cứu chế phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Sinopharm chỉ đạt hiệu quả 11,5%. Còn vắc-xin của Viện nghiên cứu chế phẩm sinh học Vũ Hán có hiệu quả chỉ 33%, thấp hơn rất nhiều so với mức mà ĐCSTQ tuyên bố là gần 80%,  cũng thấp hơn ngưỡng thấp nhất là 50% của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Tính đến ngày 28/2, toàn cầu có 56 người đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin của Sinovac của Trung Quốc. Vắc-xin này cũng được Chính phủ Hồng Kông tiến hành tiêm chủng cho người dân từ ngày 26/2, trong 2 tuần sau đó, đã có 6 trường hợp tử vong. Cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đã ra lệnh yêu cầu tất cả truyền thông không được báo cáo bất cứ thông tin nào bất lợi về vắc-xin nội địa.

Ngoài ra, Trung Quốc cho biết đã viện trợ không hoàn lại vắc-xin cho 69 quốc gia đang phát triển có nhu cầu cần gấp, đồng thời xuất khẩu sang 43 quốc gia. Tuy nhiên Chủ tịch Liên minh Châu Âu Charles Michel lại phê bình Trung Quốc thổi phồng quá lố, lấy vắc-xin COVID-19 làm thủ đoạn ngoại giao và tuyên truyền. Đồng thời ông còn nhắc nhở tỷ lệ tiêm vắc-xin Trung Quốc còn thấp hơn 2 lần so với các nước Liên minh Châu Âu.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: