Một nhóm nhân quyền ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/12 cho biết, có tới 600 người đào thoát Bắc Triều Tiên bị Trung Quốc cưỡng chế trục xuất về Bắc Triều Tiên vào tháng 10 năm nay hiện đã “mất tích”, và những người mất tích này có khả năng phải đối mặt với việc bị chính quyền Bình Nhưỡng bỏ tù và tra tấn, xâm hại tình dục và hành quyết.

Trieu Tien
Ông Thae Yong-ho, người từng giữ chức Bộ trưởng Đại sứ quán Triều Tiên tại Anh, hiện là thành viên Quốc hội Hàn Quốc, cùng một số thành viên gia đình của những người đào thoát Triều Tiên bị ĐCSTQ cưỡng bức trục xuất đã tổ chức một cuộc họp gặp gỡ phóng viên báo chí nước ngoài tại Trung tâm Thông tấn Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Myeong-guk / Epoch Times)

Ông Stephen Kim, một nhà truyền giáo Hàn Quốc có mối liên hệ rộng rãi ở Triều Tiên và Trung Quốc, cho biết vào tối 9/10, Chính phủ Trung Quốc đã đưa những người này trở lại Bắc Triều Tiên qua 5 cửa khẩu biên giới trong một đoàn xe. Ông Stephen King nói thêm rằng một số người đã thuyết phục được cảnh vệ Trung Quốc cho họ gọi điện cho gia đình họ ở Hàn Quốc để thông báo chuyện gì đang xảy ra.

Mối lo ngại về việc buộc phải hồi hương đã gia tăng kể từ khi chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên bố vào tháng 8 rằng họ sẽ mở lại các biên giới đã đóng cửa khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Bắc Triều Tiên đã thắt chặt an ninh biên giới trong những năm gần đây, dựng hàng rào và trạm gác mới, đồng thời thực thi nghiêm ngặt luật cấm xuất cảnh trái phép.

Theo luật hình sự của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng coi việc xuất khi chưa được phép là “tội phản quốc”, có thể bị xử tử hoặc giam giữ trong các trại lao động, nơi mà những người bị giam giữ thường xuyên bị lạm dụng, ngược đãi. Đối mặt với mối đe dọa này, theo luật pháp quốc tế, bất kỳ người Triều Tiên nào rời khỏi đất nước mà chưa được phép đều phải được coi là “người tị nạn tại địa phương” tại quốc gia mà họ trốn đến.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (ngày 7/12): “Chúng tôi chưa thiết lập bất kỳ liên lạc nào với những người đào thoát kể từ khi họ bị trục xuất hồi hương”.

HRW xác nhận thêm rằng chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) trước đây đã cưỡng bức trục xuất hồi hương một số lượng lớn người Bắc Triều Tiên, bao gồm 50 người vào tháng 7/2021, 80 người vào ngày 29/8/2023 và 40 người vào ngày 18/9/2023. Tổ chức này đã gửi một bức thư ngỏ tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/9, kêu gọi Trung Quốc đình chỉ cưỡng bức trục xuất.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hồi tháng 10 phủ nhận việc có “những người được gọi là người đào thoát Bắc Triều Tiên” ở Trung Quốc, nhưng nói rằng người Triều Tiên vào nước này bất hợp pháp vì lý do kinh tế và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất quán giải quyết vấn đề này “theo quy định của pháp luật”.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sang Triều Tiên tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Theo Trung tâm Cơ sở dữ liệu Nhân quyền Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, hơn 8.000 người Bắc Triều Tiên đã bị trục xuất về nước trong quá khứ, với 98% trường hợp từ Trung Quốc. Trong khi đó, có khoảng 34.000 người Bắc Triều Tiên đã di cư sang Hàn Quốc trong những thập kỷ gần đây.

Chính phủ ĐCSTQ thường gán cho những người Bắc Triều Tiên không có giấy tờ hợp lệ là “người nhập cư kinh tế” bất hợp pháp và không cho phép họ xin tị nạn hoặc tái định cư ở Trung Quốc; thay vào đó, sẽ trục xuất họ trở lại Bắc Triều Tiên theo thỏa thuận biên giới song phương năm 1986.

Tuy nhiên, Trung Quốc là nước tham gia “Công ước về vị thế của người tị nạn 1951”“Công ước chống tra tấn”, trong đó nghiêm cấm việc ép buộc trục xuất hồi hương bất kỳ ai phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp hoặc tra tấn. Vào tháng 12/2013, Ủy ban Điều tra Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã cảnh báo Chính phủ Trung Quốc rằng các quan chức liên quan đến việc cưỡng bức trục xuất hồi hương có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì đồng lõa vi phạm tội ác chống lại loài người.

Các chính phủ khác cũng nên lên án các vụ trục xuất mới nhất của ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng bức trục xuất trong tương lai. Chính phủ ĐCSTQ nên cho phép Liên Hợp Quốc tiếp cận những người Bắc Triều Tiên bị giam giữ và cấp quy chế tị nạn cho họ hoặc cho phép họ đi lại an toàn đến Hàn Quốc hoặc các nước khác.

Trí Đạt (t/h)