Di tích văn hóa Pháp “Quầy sách dọc bên bờ sông Seine” đã bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ các tủ sách và di dời chúng đến nơi khác trong thời gian diễn ra Thế vận hội Paris 2024. Động thái này đã gây ra sự chỉ trích từ dư luận Pháp, và hàng chục ngàn người đã ký tên thỉnh nguyện để phản đối.

shutterstock 1886676136
“Quầy sách bên bờ sông Seine”, một địa danh văn hóa ở Paris, Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Hơn 70.000 người ký tên bảo vệ “linh hồn Paris”, phản đối di dời các quầy sách dọc sông Seine cho Thế vận hội

Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 sẽ được tổ chức bên ngoài sân vận động lần đầu tiên chưa từng có tiền lệ, sẽ thể hiện một màn trình diễn lớn trên sông Seine dài 6 km. Sở cảnh sát thành phố Paris ngày 25/7 đã gửi thư tới Hiệp hội văn hóa quầy sách cũ Paris, nêu rõ, để đảm bảo “các yếu tố an ninh” của lễ khai mạc Olympic Paris, bao gồm cả “nguy cơ khủng bố”, gần 60% quầy sách bên sông “cần phải” di chuyển đi nơi khác trong Thế vận hội Olympic.

Hơn 40 nhân sĩ trí thức Pháp, trong đó có nhiều cựu bộ trưởng, nhà nghiên cứu của các cơ quan học thuật quốc gia, cựu quan chức ngoại giao, viện sĩ Pháp, giáo sư, luật sư, v.v., đã cùng ký một lá thư gửi cho tờ Le Monde ngày 9/8, nêu rõ: “Làm thế nào để hiểu về quyết định tai hại này. … Muốn những quầy sách lịch sử và nổi tiếng bên bờ sông Seine phải di dời, dỡ bỏ những chiếc hộp dễ vỡ của họ…để đảm bảo an toàn?”

Bên cạnh đó, giới sách báo cũng khởi động một bản kiến ​​nghị chung “bảo vệ những quầy sách bên bờ sông Seine”, và đã có hơn 76.000 người ký tên trong hai tuần qua. Nội dung cho rằng những quầy sách này “là di sản toàn cầu của nhân loại. Thật khó tưởng tượng một bờ sông Seine không có những quầy sách, việc [di dời] này sẽ phá hủy linh hồn của Paris.”

shutterstock 1648715833
“Quầy sách bên bờ sông Seine”, một địa danh văn hóa ở Paris, Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Jerome Callais, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Quầy sách cũ Paris, mô tả quầy sách là “linh hồn của Paris”, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) hôm 11/8, ông cho biết sau phản ứng mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội, chính quyền thành phố Paris đề xuất hai lựa chọn khác.

Đầu tiên, chính quyền thành phố Paris phải “chịu trách nhiệm” trong việc di chuyển và đặt lại các quầy sách, nếu trong quá trình di chuyển mà tủ sách bị hư hỏng thì chính quyền thành phố sẽ chi tiền để làm lại. Thứ hai, giữ nguyên tại chỗ các tủ sách nhưng phải đóng cửa từ 7 ngày trước ngày khai mạc cho đến suốt thời gian diễn ra Olympic.

Phóng viên CNA ghé thăm các quầy sách bên bờ sông Seine, thương nhân Laurent Bussière bên bờ tả của sông nói rằng điều này không là chỉ mối nguy đối với công cụ sinh nhai của nhiều người mà còn là mối đe dọa cho sự tồn vong của nghề này.

Ghislaine Thibaud, chủ một gian hàng cạnh Cầu Mới ở bờ hữu sông, cho biết: “[Các quầy sách của] chúng tôi là một phần của di sản văn hóa và là một phần của sự tồn tại của Paris. [Các quầy sách của] chúng tôi ở đây là điều rất quan trọng. Mọi người từ các quốc gia khác nhau sẽ đến quầy sách, bao gồm cả người dân Paris. Khi tìm sách hoặc mua quà Giáng sinh, một số người tránh mua sắm trực tuyến. Đôi khi khách hàng đặt mua sách làm quà sinh nhật.”

Géraldine Lallouette, chủ nhân của quầy sách hơn 30 năm này cho biết: “Quầy sách là một phần quan trọng trong văn hóa Paris và có lịch sử lâu đời. Chúng tôi muốn duy trì truyền thống của sông Seine, tiếp tục bán sách, tranh khắc bản, và kế thừa lịch sử nước Pháp.”

“Quầy sách bên bờ sông Seine” có lịch sử 450 năm, cảnh quan nhân văn đặc sắc ở Paris

Trên thực tế, hầu hết khách du lịch đến Paris, Pháp đều sẽ ghé thăm quầy sách cũ mang hơi thở văn hóa nhất dọc theo sông Seine, đây cũng là một trong những địa danh của Paris. Có khoảng 900 quầy sách cũ dọc theo sông Seine, trải dài 3 km, và đây là chợ sách mở lớn nhất ở châu Âu.

Các quầy sách bên sông Seine ở Paris có lịch sử 450 năm, từ thế kỷ 16 đã phát triển và thịnh vượng cùng với trường đại học cổ kính và ngành in ấn ở khu phố Latinh của Paris, là hiệu sách ngoài trời lớn nhất thế giới ngày nay. Theo ghi chép lịch sử, việc bán sách cũ bên bờ sông Seine bắt đầu từ năm 1606 khi cầu Pont-Neuf được hoàn thành ở Paris, và dần dần trở thành một cảnh quan ở Paris. Để ngăn những quầy sách như vậy ảnh hưởng đến diện mạo của thành phố bên bờ sông Seine, chính quyền đã ban hành các quy định có liên quan vào năm 1859. Chính quyền thành phố đã thiết lập các quầy sách cố định, mỗi quầy có chiều dài tối đa 10 mét và giờ làm việc là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

Ông Jerome Callais, cho biết: “Người ta đến những quầy sách cũ này giống như họ đến xem tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà, nhưng họ (chính quyền) đã xóa đi những thứ có thể đại diện cho Paris trong lễ khai mạc.”

Các nhà tổ chức Olympic Paris dự kiến ​​sẽ có ít nhất 600.000 người tham dự lễ khai mạc trên sông Seine, với các vận động viên và đoàn chèo thuyền dọc theo sông. Đây sẽ là lần đầu tiên mọi người được xem lễ khai mạc miễn phí thay vì ở sân vận động. Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho lễ khai mạc, trong đó sẽ triển khai 35.000 nhân viên an ninh và quân đội.

“Quầy sách xanh” bên sông Seine có thể nói là minh chứng cho sự cổ kính còn sót lại của Paris, đồng thời nó làm nổi bật thêm cho Paris, một thủ đô có lịch sử văn hóa lâu đời. Nó không chỉ là một cảnh quan nghệ thuật và văn học ở Paris, nó còn là một biểu tượng của nước Pháp từng là trung tâm văn hóa của châu Âu.