Iran hôm thứ Hai (12/12) đã treo cổ trước công chúng một người đàn ông mà truyền thông nhà nước cho biết đã bị kết tội giết hai thành viên của lực lượng an ninh. Đây là vụ hành quyết thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần liên quan đến những người tham gia biểu tình chống lại chế độ cầm quyền của Iran.

Embed from Getty Images

Tình trạng bất ổn trên toàn quốc nổ ra cách đây ba tháng sau cái chết trong khi bị giam giữ của cô Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd gốc Iran, 22 tuổi, người đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ khi thực thi luật về trang phục bắt buộc của Cộng hòa Hồi giáo.

Các cuộc biểu tình đã biến thành một cuộc nổi dậy của những người Iran giận dữ từ mọi tầng lớp xã hội, đặt ra một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với giới tinh hoa giáo sĩ Shi’ite kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

“Majid Reza Rahnavard đã bị treo cổ trước công chúng ở (thành phố linh thiêng của người Shi’ite) Mashhad sáng nay… Anh ta bị kết án tử hình vì ‘tiến hành cuộc chiến chống lại Chúa’ sau khi đâm chết hai thành viên của lực lượng an ninh,” hãng thông tấn Mizan trích thông cáo của cơ quan tư pháp đưa tin.

Mizan đã công bố những bức ảnh về vụ hành quyết vào lúc bình minh, cho thấy Rahnavard bị treo cổ trên cần cẩu xây dựng, tay chân bị trói và đầu bị trùm một chiếc túi đen.

Hãng thông tấn bán chính thức Fars cho biết Rahnavard đã giết chết 2 thành viên của lực lượng tình nguyện Basij và làm bị thương 4 người khác. Lực lượng Basij, liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng, là bên đi đầu trong cuộc đàn áp các cuộc biểu tình của nhà nước.

Truyền thông nhà nước đã công bố đoạn video quay cảnh một người đàn ông, được cho là Rahnavard, đâm một người đàn ông khác khiến người này bị ngã vào một chiếc xe máy đang đậu, rồi đâm một người khác ngay sau đó trước khi bỏ chạy.

Truyền hình nhà nước chiếu một đoạn video trong đó Rahnavard nói trước tòa rằng anh trở nên căm ghét lực lượng Basij sau khi chứng kiến họ đánh đập và giết hại những người biểu tình trong các video đăng trên mạng xã hội. Các nhà hoạt động cho biết anh buộc phải nhận tội khi bị tra tấn.

Các nhà hoạt động trên mạng xã hội đã chỉ trích việc hành quyết Rahnavard, 23 tuổi, là “một hành động tội ác” của các nhà cầm quyền giáo sĩ nhằm ngăn chặn những người bất đồng chính kiến.

“Họ gọi cho gia đình Rahnavard lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) và bảo họ đến nghĩa trang Behesht-e Reza. ‘Chúng tôi đã hành quyết con ông bà và chôn cất nó'”, tài khoản hoạt động được nhiều người theo dõi 1500Tasvir đăng trên Twitter.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã lên án Iran về vụ hành quyết Rahnavard.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi lên án cách đối xử hà khắc này bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất. Những bản án khắc nghiệt này và giờ đây là vụ hành quyết công khai đầu tiên… nhằm đe dọa người dân Iran. Chúng nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến”.

Hôm thứ Năm, Iran đã treo cổ Mohsen Shekari, người đã bị kết tội dùng dao làm bị thương một nhân viên bảo vệ và chặn đường lực lượng an ninh ở Tehran. Đây là vụ hành quyết đầu tiên như vậy sau hàng ngàn vụ bắt giữ liên quan đến biểu tình.

Các nhóm nhân quyền cho biết Shekari đã bị tra tấn và buộc phải nhận tội. Molavi Abdolhamid, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni ở Cộng hòa Hồi giáo do người Shi’ite cai trị, đã nói rằng bản án tử hình Shekari đã vi phạm sharia (luật Hồi giáo), trang web của ông cho biết.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết chính quyền Iran đang có thể sắp thực thi án tử hình đối với ít nhất 21 người trong cái mà họ gọi là “các phiên tòa giả tạo được thiết kế để đe dọa những người tham gia cuộc nổi dậy đã làm rung chuyển Iran”.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết hôm thứ Hai rằng EU sẽ đồng ý về một gói trừng phạt “rất cứng rắn” đối với Iran để thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình ôn hòa.

Đổ lỗi tình trạng bất ổn cho các kẻ thù nước ngoài như Hoa Kỳ và Israel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani hôm thứ Hai đã bác bỏ những chỉ trích của phương Tây về việc vi phạm nhân quyền trong cuộc đàn áp cũng như can thiệp vào các vấn đề nhà nước của Iran.

Tehran hôm thứ Hai đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục quan chức và tổ chức của EU và Anh “vì hỗ trợ và xúi giục” tình trạng bất ổn, truyền hình nhà nước đưa tin.

Nhóm nhân quyền HRANA cho biết tính đến Chủ nhật, 488 người biểu tình đã bị giết, trong đó có 68 trẻ vị thành niên. Nó cho biết 62 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã bị giết. Có tới 18.259 người biểu tình được cho là đã bị bắt giữ.

Trong khi Liên hợp quốc cho biết các cuộc biểu tình đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, thì một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước Iran cho biết 200 người, bao gồm cả các thành viên của lực lượng an ninh, đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn.

Lê Vy (theo Reuters)