Quan chức hàng đầu của quân đội Israel thừa nhận họ đã lắp xong hệ thống bơm cực mạnh phục vụ cho một kế hoạch còn đang được cân nhắc, mặc dù nó sẽ phá hủy nguồn nước ngọt và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Gaza, đó là dẫn nước biển làm ngập hệ thống đường ngầm địa đạo.

Quan doi Israel IDF
Quân đội Israel. (Ảnh: IDF)

Hôm Thứ Ba (5/12), thiếu tướng Herzi Halevi, người đứng đầu nhân sự của quân đội Israel (IDF) khẳng định về sự tồn tại của phương án dùng nước biển đánh lụt hệ thống ngầm ở Gaza, và ca ngợi kế hoạch đó là “ý tưởng hay”, theo Breitbart đưa tin.

“Chúng tôi có vài phương án khác nhau [để giải quyết vấn đề đường ngầm dưới mặt đất] —tôi ở đây không đi vào chi tiết— nhưng trong đó gồm có phương án đánh nổ, hoặc các cách khác sao cho quân Hamas không thể lợi dụng đường ngầm tiếp tục làm hại binh lính chúng tôi,” ông nói, bình luận về kế hoạch dùng nước biển làm lụt địa đạo Gaza, một kế hoạch có thể làm nhiễm mặn hệ thống nước ngọt ở dải đất gồm 2,3 triệu người sinh sống này.

“Vì thế cho nên, bất kể cách nào miễn là đem lại lợi thế cho chúng tôi đối với kẻ thù, tước đoạt tài sản đó của họ, thì đều là những cách mà chúng tôi đang cân nhắc để làm. Đó là một ý tưởng hay, nhưng mà tôi sẽ không nói về chi tiết.”

Trước đó một ngày (4/12), Tạp chí Phố Wall (WSJ) hôm Thứ Hai đã loan tin về kế hoạch này, và bình luận rằng nó sẽ dọa khiến cho quân Hamas đang ở trong đường hầm phải sợ hãi, nhưng đồng thời, nó sẽ nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh sống ở Dải Gaza một cách khó lường. Bởi vì, hệ thống nước ngọt sẽ bị ô nhiễm, và nền đất sẽ bị ảnh hưởng, gây hại tới các công trình xây dựng.

Tờ WSJ viết: “Các quan chức Mỹ cho biết Israel đã lắp ráp một hệ thống máy bơm cỡ lớn mà họ có thể dùng để làm ngập mạng lưới đường ngầm rộng lớn của Hamas dưới Dải Gaza bằng nước biển, một chiến thuật có thể phá hủy các đường hầm và đẩy các chiến binh khỏi nơi ẩn náu dưới lòng đất nhưng cũng đe dọa nguồn cung cấp nước của Gaza.”

231206 isr 01 scaled
Tạp chí Phố Wall: “Israel cân nhắc kế hoạch làm lụt địa đạo Gaza bằng nước biển”. (Ảnh chụp màn hình trang web)
231206 isr 02 scaled
Reuters: Israel tăng mạnh đột biến tốc độ giết người  Palestine ở Dải Gaza ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn (truce) bị phá vỡ. (Ảnh chụp màn hình trang web)
231125 israel 09 scaled
Người Palestine không được hưởng nhân quyền ngay ở lãnh thổ Bờ Tây của mình. Hàng năm vẫn có các báo cáo những người Palestine bị Israel giết ở Bờ Tây. Trên hình là con số thống kê không đầy đủ từ trước khi chiến tranh 7/10. Kể từ 7/18 đến 3/11, con số này tăng vọt, dẫn đến 321 người đã bị giết trong năm 2023 này. (Ảnh cắt từ video)

Bờ Tây lâu nay vẫn bị ‘người định cư Israel’ chiếm đóng và làm chủ hầu như toàn bộ. Họ không ngừng các hoạt động bạo lực để cưỡng bức người Palestine phải rời khỏi lãnh địa đang sinh sống. Các hoạt động chết người này tăng mạnh kể từ chiến tranh 7/10, và vẫn diễn ra trong thời gian có thỏa thuận đình chiến (truce) ở Dải Gaza.

Israel không chịu áp lực quốc tế khi Mỹ kiên trì ủng hộ

Kế hoạch đưa nước biển vào làm lụt địa đạo Dải Gaza bị Tạp chí Phố Wall tiết lộ chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận đình chiến tạm thời (truce) bị phá vỡ sau khi nó diễn ra khoảng 1 tuần. Cả hai phe Israel và Hamas đều đổ lỗi rằng phe bên kia là nguyên nhân phá vỡ thỏa thuận.

Trong thời gian diễn ra thỏa thuận, các hoạt động giải phóng con tin từ phía Hamas và thả tù nhân từ phía Israel, cũng như hoạt động đưa cứu trợ quốc tế vào Dải Gaza, đều nhận được tín hiệu hoan nghênh từ các cộng đồng nhân đạo.

Theo Reuters bình luận, căn cứ số người Palestine ở Dải Gaza bị giết chết bởi Israel, thì ngay sau khi phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn, số người Palestine bị giết đã tăng vọt. Chỉ trong 4 ngày thì số người chết bởi bom đạn Israel đã có thể sánh gần bằng giai đoạn số người Palestine bị giết cũng trong 4 ngày kể từ 8/10, khi Israel tiến hành trả thù sau vụ 7/10. Những ngày qua, Israel cho bom đạn oanh tạc toàn Dải Gaza, kể cả cái gọi là phía Nam của dải này, nơi quân đội Israel từng ra lệnh dân chúng Gaza hãy di trú tới đó để tránh khói lửa của chiến tranh.

Theo Reuters, trước sự leo thang chiến tranh này, chính quyền Biden lại một lần nữa bị chất vấn. Mỹ được coi là cường quốc bật đèn xanh và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Israel tiến hành chiến tranh kể từ đầu cuộc chiến đến nay. Trả lời chất vấn này, giới lãnh đạo Mỹ nói rằng họ sẽ yêu cầu quân Israel chú ý đừng để chiến hỏa ảnh hưởng dân thường (điều mà Mỹ đã nói từ lâu), nhưng khẳng định vẫn tiếp tục đưa vũ khí cho Israel.

“Tôi tin rằng điều chúng tôi làm đã đả động được họ,” một quan chức cao cấp Mỹ nói, ám chỉ về việc Israel đồng ý cho hàng cứu trợ nhân đạo được đưa vào vào Dải Gaza, và việc Israel tán đồng thỏa thuận tạm thời đình chiến.

Nhưng mà, “nếu [Mỹ] bắt đầu giảm viện trợ cho Israel, [thì nghĩa là] bắt đầu khuyến khích các thế lực khác nhúng tay vào xung đột này, làm suy yếu hiệu quả phòng thủ, và khích lệ những kẻ thù khác của Israel,” quan chức đó phân tích, khi khẳng định rằng hậu thuẫn của Mỹ cho Israel là “không hề dao động”, trong khi thực tế cho thấy, như Reuters chỉ ra, chính quyền liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không hề nhượng bộ về chiến lược trước các yêu cầu của cộng đồng quốc tế.

“Tôi phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy thủ tướng đang chịu áp lực bằng không (zero), và chúng tôi đang làm bất kể điều gì có thể sao cho đạt được mục tiêu quân sự,” theo Ophir Falk, cố vấn đối ngoại của chính quyền Netanyahu, nói với Reuters vào cuối tuần trước, thừa nhận rằng áp lực của cộng đồng quốc tế đang không có ảnh hưởng gì tới chính quyền của Israel, hiện đang được Mỹ hậu thuẫn.

Hậu thuẫn quân sự của Mỹ trong những năm qua

Hàng năm, bất kể điều kiện gì, dù Israel xảy ra bất kỳ xung đột quân sự nào, thì Mỹ đều gửi cho chính quyền Israel 3,8 tỷ USD. Tổng số người Israel là khoảng 7 đến 9 triệu người, nghĩa là chưa bằng số dân của Sài Gòn.

Kể từ khi Israel lập quốc vào năm 1948 cho đến năm 2022, Mỹ đã đưa cho Israel gần 320 tỷ USD viện trợ (giá trị quy đổi), đứng vững kỷ lục quốc gia nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ, vượt xa chiến tranh Việt Nam trong 20 năm, hoặc gần gấp đôi chiến tranh Afghanistan 20 năm.

Total US foreign assistance by country adjusted for inflation 1946 2022
Viện trợ từ Mỹ cho nước ngoài từ 1946 đến 2022, quy đổi thành giá trị USD hiện nay do lạm phát. (Nguồn Wikipedia)

Như một phần của thỏa thuận gần đây nhất —thỏa thuận 10 năm kể từ năm 2016 thời chính quyền Obama— thì khoản ‘viện trợ’ quân sự hàng năm là 3,8 tỷ đô la, tổng cộng 38 tỷ. Khoản 3,8 tỷ của năm nay (2023) đã được chuyển cho Israel rồi.

Chính quyền Mỹ đang tiến hành thủ tục tiếp tục viện trợ thêm 14 tỷ cho Israel do chiến tranh nổ ra vào ngày 7/10. Kế hoạch bổ sung này dự kiến sẽ sớm được thông qua, vì cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều ủng hộ việc này. Chỉ là có một số khúc mắc về quá trình thực hiện nó như thế nào. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn kèm khoản viện trợ hơn 61 tỷ đô la cho Ukraine vào, và thêm một số khoản nữa, để tạo thành gói tổng hợp 160 tỷ.

Phương án dẫn nước biển vào làm lụt địa đạo

Kế hoạch này được Tạp chí Phố Wall loan tin hôm Thứ Hai, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ giấu tên.

Ít nhất 5 máy bơm lớn đã được lắp đặt để đưa nước từ biển Địa Trung Hải vào. Với công suất bơm hàng ngàn mét khối nước mỗi giờ, dự tính sẽ chỉ trong một vài tuần là hoàn tất việc làm ngập lụt hết toàn bộ hệ thống địa đạo của Dải Gaza, theo quan chức Mỹ cho hay.

Israel đã thông báo cho Mỹ từ tháng trước về kế hoạch này, theo nguồn tin cho hay, và nó đã lập tức dẫn tới các thảo luận khác nhau về ảnh hưởng tới môi trường sống.

Trong các thảo luận này, một số quan chức Mỹ cảm thấy lo lắng, nhưng một số khác thì cho rằng Mỹ nên ủng hộ kế hoạch đó, vì Mỹ không cần thiết phải phản đối Israel.

Theo Tạp chí Phố Wall, thì hiện nay chưa rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch này của Israel, cũng như chưa rõ bao giờ nó được quyết định sẽ bắt đầu.

Theo tạp chí phân tích, thì nếu phải mất một vài tuần để làm ngập địa đạo, thì sẽ đủ thời gian để quân Hamas rút lui khỏi nơi đó. Đó là nếu, NẾU, nếu kế hoạch làm lụt thành công. Ngoài ra, nguồn tin cũng bày tỏ quan ngại về số phận các con tin mà Hamas bắt giữ, nếu Israel tiến hành kế hoạch này.

“Chúng tôi không chắc chắn rằng bơm nước sẽ thành công hay không vì không ai biết được chi tiết về địa đạo cũng như cấu trúc đất chung quanh,” nguồn tin cho hay, và chỉ ra rằng chính Israel cũng chỉ có một số phỏng đoán về địa đạo của Dải Gaza, chứ không biết chi tiết về nó. “Không cách nào biết được nó thành công hay không vì chúng tôi không biết được nước biển sẽ được tháo đi khỏi địa đạo trước khi nó bị lụt.”

Về hệ thống cung ứng nước sinh hoạt ở Dải Gaza, tạp chí cho biết trước đó, khi nó còn hoạt động, thì người Palestine ở đó nhận trung bình 83 lít mỗi ngày tính theo đầu người. Nhưng kể từ khi Israel phong tỏa toàn diện dải đất này, thì mỗi người có 3 lít mỗi ngày. Theo Liên Hợp Quốc, con số tối thiểu cho sinh hoạt là 15 lít mỗi ngày.

Đánh giá về ảnh hưởng môi trường, tờ báo cho rằng rất khó có thể có được phán đoán vì không đủ thông tin. Tuy nhiên, kế hoạch đưa nước mặn vào sẽ ảnh hưởng đến cơ sở nền đất dẫn tới ảnh hưởng đến các công trình xây dựng (vốn đã bị tàn phá rất nhiều), và đương nhiên có thể làm ô nhiễm các nguồn nước ngọt.

Năm 2015, tờ báo so sánh, nông dân chung quanh đã lên tiếng phàn nàn rằng cây trồng của họ đã bị ảnh hưởng sau khi Ai Cập dùng phương án bơm nước biển làm lụt các địa đạo của dân buôn lậu.

Tờ báo cũng dẫn lời nói về một số phương án khác, tuy rằng chúng cũng có một số vấn đề về tính hiệu quả.

“Chó là phương án hữu hiệu nhất,” nguồn tin cho hay, nhưng nói rằng nó đòi hỏi Israel phải tổ chức quân đội đi theo đó để xử lý cùng. “Robot thì di chuyển chậm và có thể bị hỏng hóc. Còn trực tiếp dùng con người thì quá mạo hiểm.”

Cuối cùng nguồn tin nói, “nhưng mà nếu làm mặn nguồn nước, thì nó sẽ cấu thành khủng hoảng nhân đạo.”

Nhật Tân