Hướng đến lễ Phục sinh vào Chủ nhật tới, các tu sỹ Giáo hội Chính thống UOC vẫn kiên trì không rời khỏi Tu viện Các hang động (Kyiv Pechersk Lavra), trụ sở chính của họ, tiếp tục tổ chức lễ Chủ Nhật 9/4 với hàng ngàn tín đồ tham gia. Đây là lễ Chủ Nhật lần thứ 5 kể từ khi nhận họ được lệnh trục xuất của chính quyền Kyiv. Trong khi đó, cả Reuters cũng đưa tin, các nhà thờ khác của UOC đang nằm trong trào lưu bị đổi chủ, đồng thời các phương tiện truyền thông Ukraine lăng xê chiến dịch tuyên truyền chưa từng có, nhắm vào giáo hội đại biểu cho tín ngưỡng sâu rộng và lâu đời nhất của người dân ở đây.

230409 uoc 01 1
Metropolitan Onufry, người đứng đầu UOC, chủ trì lễ Lá vào Chủ Nhật 9/4 ở Pechersk Lavra, tu viện cổ kính lịch sử 1.000 tuổi, biểu tượng của Chính thống Giáo Đông phương, đánh dấu ngày thứ 12 liên tiếp giằng co khi chính quyền ngày càng gia tăng áp lực. (Ảnh cắt từ video)

 

Tình hình hiện tại ở tu viện lịch sử 1.000 tuổi

Bắt đầu từ ngày 10/3, khi lệnh trục xuất do Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko ký, các tu sỹ của Giáo hội Chính thống UOC bị chính thức ép buộc sẽ phải rời đi khỏi ngôi nhà của mình, vô điều kiện, không đàm phán, không gia hạn, không đền bù. Lệnh này là một khâu nằm trong chiến dịch “tăng cường độc lập tinh thần” theo cách miêu tả của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Các tu sỹ đã cố gắng tìm cách đối thoại với chính phủ, nhưng vô hiệu. Ngày 20/3, một nhóm đứng đầu UOC —khoảng chục cụ già râu tóc bạc phơ phần đông cỡ 75–80 tuổi— đã lặn lội tới văn phòng tổng thống. Kết quả, các cụ ra về sau khi đứng ngoài đường gần 3 tiếng đồng hồ. Sự việc mà UOC coi là bị vũ nhục ấy, cho thấy khả năng đàm phán 2 bên đã đi vào bế tắc.

Các tu sỹ UOC không chịu rời khỏi Tu viện Các hang động, nơi họ đã mất công cải tạo từ một tàn tích năm 1988 để trở thành chỗ mà họ sinh sống cho đến nay. Tu viện, một tài sản của tôn giáo, bị chế độ Xô Viết biến thành viện bảo tàng khoảng 100 năm trước, khiến nó trở thành tàn tích thê thảm. Các tu sỹ UOC đã đứng ra quyên góp và cải tạo công trình đồ sộ ấy thành một trong những địa điểm hành hương danh tiếng nhất thế giới của các Kitô hữu, nơi đẹp như trong truyện cổ tích mà chúng ta thấy hiện nay.

shutterstock 1695488620
Tu viện Kyiv Pechersk Lavra bên bờ sông Dnipro (Nguồn: Leonid Andronov/ Shutterstock)

Theo dự kiến của nhà nước Ukraine hiện nay, tu viện cổ kính này sẽ lại biến thành một khu bảo tồn văn hóa, với các hoạt động văn hóa nằm ngoài tôn giáo truyền thống, như “triển lãm”, “họp chuyên đề”, hoặc là “hòa nhạc”. Các dịch vụ tôn giáo, như các buổi lễ truyền thống, theo ông Tkachenko, vẫn được tiến hành, nhưng sẽ được chủ trì bởi một giáo hội khác được thành lập tháng 12/2018, mang tên OCU.

“Lavra là viên ngọc trai mà du khách nên đến. Nhà nước phải xây dựng một kế hoạch cho cơ sở để có thể trang bị các cuộc triển lãm, triển lãm phong phú và các cuộc họp chuyên đề ở đó. Để Lavra thực sự trở nên sống động,” ông Tkachenko nói trong một phỏng vấn được chuẩn bị trước của hãng truyền hình Rada 28/3. Theo ông, “các buổi hòa nhạc Rock sẽ không phải 100%, nhưng [sẽ có] các sự kiện văn hóa… Lavra rất phù hợp cho những sự kiện như vậy.”

Tu sỹ không chịu rời đi Tu viện Các hang động. Cùng với sự giúp đỡ của hàng ngàn tín đồ, các tu sỹ vẫn bám trụ, và các nhân viên của nhà nước đến tận hôm nay vẫn không thể tiếp quản tu viện này. Theo chương trình của Bộ Văn hóa, lẽ ra các tu sỹ phải rời đi, muộn nhất là ngày 29/3.

Giằng co suốt 12 ngày liên tiếp. Một bên là các tín đồ Chính thống, một bên là cảnh sát, đặc nhiệm, chức trách nhà nước, cùng những phần tử kích động mang danh hiệu những ‘nhà hoạt động’, và đôi khi có xuất hiện cả người của giáo hội mới OCU tới tuyên truyền.

Chủ Nhật này là lễ Phục sinh theo cách tính của Công giáo (Catholics). Chủ Nhật tới, 16/4, sẽ là lễ Phục sinh theo cách tính của Chính thống Giáo (Orthodox), tôn giáo lâu đời và sâu rộng nhất ở Ukraine và Nga cùng một số quốc gia Đông Âu khác. Công giáo và Chính thống Giáo là các nhánh lớn đứng đầu của Kitô giáo, tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới.

Truyền thông hải ngoại đưa tin

Một báo cáo ghi ngày 6/4, của Forum 18, một nhóm nhân quyền về tôn giáo quốc tế, đã đưa tin về tình trạng “mối quan hệ đang ngày càng xấu đi” giữa UOC và chính quyền Ukraine. Đây là nhóm nhân quyền độc lập. Có thể thấy ở trang nhất một báo cáo khác về tu sỹ bị chính quyền Liên bang Nga kết án tù giam tận 7 năm vì dám lên tiếng phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng một số tin đàn áp liên quan đến tôn giáo ở các quốc gia khác.

Trong báo cáo về Ukraine, có đoạn nhắc nhở về một nguyên tắc cơ bản, “Hận thù tôn giáo rõ ràng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người khác. Nhà nước phải bảo vệ các cá nhân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thiểu số, và các nhóm dễ bị tổn thương, khỏi bị nhắm mục tiêu hoặc bị tấn công dựa trên tôn giáo hay tín ngưỡng của họ.”

Nguyên tắc về tự do tín ngưỡng và quyền được bảo vệ khỏi bị phân biệt đối xử này được tác giả bài viết đưa ra khi nói về một số tình huống như trường hợp tu viện trưởng của Tu viện Các hang động, Metropolitan Pavel Lebed.

230403 monks 01
Phân biệt đối xử? Kiên trì với giáo hội UOC, tu viện trưởng Pavel (bên trái) bị bắt cách ly. Cải đạo từ UOC chuyển sang OCU, ông Avraamy Lotysh (bên phải) được tấn phong làm tu viện trưởng. (Nguồn ảnh từ videovideo)

Như đã đưa tin, tu viện trưởng Pavel bị công an đặc nhiệm SBU bắt đi đúng vào ngày 1/4 tại Tu viện Các hang động, nơi ông sinh sống, khi giằng co giữa tu viện và chính quyền đang gay cấn. SBU đã đưa ông đi với một số cáo buộc. Cùng ngày hôm đó, SBU đã đăng lên mạng xã hội những đoạn ghi âm lén điện thoại của ông, trong đó có những phát ngôn mà họ cho là không thích hợp. Hôm sau (2/4), khi tòa án xét xử ông còn chưa kết thúc, theo đề xuất của công tố viên, ông Pevel đã bị còng chân bằng còng điện tử và bị cách ly theo cơ chế quản thúc 60 ngày tại gia ở một ngôi nhà tài sản của ông cách Kyiv 50 km, nơi ông miêu tả là không sưởi ấm, không ánh sáng, không liên lạc, không có cốc và không có thìa. Kể cả các phương tiện liên lạc và Internet cũng bị cắt.

Theo báo cáo của nhóm nhân quyền nói trên, họ đã xem xét những gì công bố của chính quyền liên quan đến ông Pavel, và tờ báo viết rằng khó có thể kết án được ông nếu chính quyền không có được bằng chứng mạnh mẽ hơn: “Nếu tài liệu SBU đã công bố là tất cả những gì chính phủ có thể đưa ra trước tòa, thì vẫn chưa rõ những cáo buộc pháp lý nào mà các công tố viên có thể đưa ra một cách đáng tin cậy đối với ông Metropolitan Pavel.”

Trong báo cáo có phân tích về một chi tiết cụ thể. Đó là một số phát biểu của ông Pavel chỉ trích giáo hội đối lập OCU “một cách thô lỗ”, và tuyên bố rằng về phương diện “tâm linh” thì OCU kém cỏi hơn so với UOC.

Theo báo cáo này phân tích, công tố viên phải chứng minh được những phát ngôn của ông Pavel là đã gây tác hại đủ lớn, thì mới có thể tính đó bằng chứng cho tội danh nào đó, chẳng hạn tội danh kích động thù hận. Và chứng minh đó phải đặt vào bối cảnh khách quan hiện nay là OCU đang chỉ trích thậm tệ UOC. Tức là lời mà ông Pavel nói về OCU phải là thậm tệ hơn đáng kể so với những gì OCU nói về UOC thì mới được tính là bằng chứng cho tòa.

Trên thực tế, OCU những ngày qua liên tục tuyên truyền ‘đào’ người từ UOC. Đặc biệt là hứa hẹn rằng người của UOC (những người mà họ gọi là ‘tu sỹ Nga’) sẽ vẫn được ở lại tu viện chứ không bị trục xuất, nếu đồng ý cải đạo sang gia nhập UOC. Và thực tế đã có ít nhất một người như vậy. Ông Avraamy Lotysh đã cải đạo sang OCU, và ngay sau đó được tấn phong làm tu viện trưởng, với dự kiến sẽ chính thức ngồi vào ghế này sau khi OCU tiếp quản Tu viện Các hang động. Hiện nay ông Avraamy đang vận động các tu sỹ khác của UOC hãy noi gương cải đạo của ông.

Người đứng đầu UOC, ông Metropolitan Onufry Berezovsky —sinh năm 1944, nhiều năm trước thời Ukraine lập quốc— đã tạm thời đứng ra điều hành tu viện sau khi ông Pavel bị cách ly. Ngay lập tức, truyền thông Ukraine đồng loạt đặng tin rằng họ đã truy xét, điều tra và phát hiện ông Onufry có hộ chiếu Nga, và chỉ trích thậm tệ vì ông có hộ chiếu của kẻ thù.

Báo cáo nhân quyền nói trên cũng chỉ ra rằng, vào tháng 1/2023, một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội Ukraine, chính thức cấm các tổ chức có liên quan “các trung tâm ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo hoặc hiệp hội với các trung tâm cầm quyền” ở Nga. Tuy nhiên, nó cũng áp đặt chính phủ phải có nghĩa vụ chứng minh được mối liên hệ này trước tòa. Báo cáo bình luận rằng một khi dự luật này được thông qua, một dự luật nhắm thẳng vào UOC, thì nó sẽ triệt để thay đổi số phận của UOC. Bài báo cho biết tháng 2 vừa qua, đã có những nỗ lực thúc đẩy dự luật này, nhưng nó vẫn chưa được thông qua.

Các nhà thờ của UOC tiếp tục trong làn sóng bị đổi chủ

Trên toàn quốc Ukraine, các nhà thờ và cơ sở tôn giáo khác của UOC —nơi không ở thủ đô Kyiv và không được các kênh truyền thông quốc tế theo dõi chặt chẽ— đang theo nhau đổi chủ sang một giáo hội mới mang tên OCU, với tốc độ nhanh chóng mặt. Một sự kiện hy hữu trong lịch sử. Sự kiện mà các kênh truyền thông nhà nước Ukraine đang tuyên truyền với cường độ tăng vọt những ngày này. Sự kiện mà hầu hết các kênh truyền thông phương Tây đang làm ngơ và rất hiếm khi nói tới. Nếu có, thì đó là chỉ số ít.

Video truyền hình nhà nước đưa tin 9/4, Nhà thờ Holy Intercession ở Zhytomyr đã được ‘giáo dân’ bỏ phiếu đổi chủ, và vì UOC không chịu giao chìa khóa, nên OCU đã cho người tới cắt khóa và tiếp quản nhà thờ.

Trong một báo cáo hiếm hoi, Reuters hôm 5/4 đã đưa tin về trào lưu đổi chủ nhà thờ này.

Reuters chỉ ra rằng năm 2019, tức là ngay sau khi OCU được thành lập, Ukraine đã thông qua một đạo luật, mà theo đó nhà thờ có thể được chuyển sang một giáo hội khác, nếu ít nhất 2/3 giáo dân ở khu vực đó đồng ý như vậy.

Trong báo cáo, Reuters đã tường thuật về hai nhà thờ bị đổi chủ theo cách này. Trí Thức VN cũng đã đưa tin về 2 trường hợp này. Dưới đây là lược thuật theo Reuters.

Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần Michael ở Zadubrivka của UOC đã đổi chủ sang OCU xuất phát từ một xô xát chung quanh vụ một đám tang.

Người ta mang tới quan tài một người, được coi là một chiến binh đã hy sinh cho quốc gia, và yêu cầu được tổ chức tang lễ bên trong nhà thờ. Nhà thờ từ chối, xô xát xảy ra và các tu sỹ bị trục xuất bởi ‘nhân dân’. Quan chức chính quyền tới và trưng cầu ‘giáo dân’, sau đó nhà thờ được OCU tiếp quản. Lễ tang tiến hành tiếp với sự chủ trì của giáo hội mới.

Ông Archpriest Vitaliy Durov, tu viện trưởng của đã giải thích trên một video rằng họ có một quy định tạm thời từ trước đó, rằng trong thời gian này, khi chiến tranh và do một số bất tiện khác, dịch vụ lễ tang sẽ được tiến hành ngoài sân của nhà thờ chứ không phải ở bên trong tòa nhà. “Thông tin cáo buộc chúng tôi không cho thi hài của người anh hùng vào nhà thờ là không [phản ánh] đúng sự thật,” ông tuyên bố.

Reuters dẫn lời UOC nói rằng nhà thờ của họ đã bị tấn công bởi “những tên cướp”. Reuters cũng chỉ ra rằng theo những gì quan sát thấy thì ‘nhân dân’ đã hét to vào các tu sỹ UOC rằng “bọn tu sỹ Mútxcôvít hãy cút đi!” (Ghi chú: “Mútxcôvít” là cách gọi miệt thị mà ông Zelensky ủng hộ).

Львів Короленка 3 1 1
Nhà thờ Thánh George ở Lviv có từ thế kỷ 18, đã được đổi chủ từ UOC sang OCU. (Nguồn: Wikipedia)

Nhà thờ Thánh George ở Lviv, một nhà thờ lâu đời, có từ thế kỷ 18, thời mà vùng đất này nằm trong lãnh địa của Sa hoàng.

Thị trưởng Lviv miêu tả rằng quá trình đổi chủ “đã được chúng tôi hoàn thành trong 2 ngày.”

Reuters dẫn lời của UOC rằng cuộc bỏ phiếu ở nhà thờ ở Lviv được dàn dựng bởi “những người không rõ danh tính”, đến dưới sự chỉ đạo của một quan chức cấp cao của khu vực. UOC phủ nhận rằng giáo xứ đã quyết định chuyển đổi.

Luật pháp của một quốc gia dân chủ, lẽ ra phải bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, đặc biệt là đối với các nhóm thiểu số, như nguyên tắc nói trên. Như vậy, một cơ chế bỏ phiếu của các ‘giáo dân’ tự xưng để đổi chủ nhà thờ sang một chủ sở hữu khác dường như không phù hợp với nguyên tắc dân chủ này.

Nhật Tân