Chính phủ Mỹ gần đây đã có chính sách thắt chặt vấn đề công nghệ LiDAR, khiến công nghệ tự lái được sử dụng rộng rãi này trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

LiDAR xe tu lai
(Ảnh minh họa: Temp-64GTX/ Shutterstock)

Cả chính quyền cựu Tổng thống Trump trước đây và chính quyền Tổng thống Biden hiện tại đều đang cập nhật các chính sách về chất bán dẫn, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ quan trọng khác đối với an ninh quốc gia Mỹ, theo đó thúc đẩy tăng cường mức độ kiểm soát.

Tháng 7 năm nay, Thượng viện Mỹ đã thông qua sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act), yêu cầu các công ty Mỹ phải thông báo cho chính phủ khi họ nhận được đầu tư vào công nghệ LiDAR từ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ) hoặc các nước đối thủ khác; đồng thời yêu cầu quân đội Mỹ phải đăng ký khi sử dụng công nghệ LiDAR từ Trung Quốc.

Công ty khởi nghiệp Kodiak Robotics ở Thung lũng Silicon đang hợp tác với Quân đội Mỹ để phát triển ô tô tự lái. Theo WSJ, giám đốc điều hành Don Burnette cho biết, công ty sẽ không sử dụng LiDAR từ Công ty Công nghệ Hesai của Trung Quốc trong các dự án quốc phòng của mình nữa, thay vào đó sử dụng các sản phẩm radar laser của Mỹ, đồng thời cho biết công ty vẫn sử dụng sản phẩm công nghệ Hesai trong hoạt động vận chuyển hàng hóa thương mại.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng công nghệ lái xe tự động có thể trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lo ngại ĐCSTQ đứng sau các công ty công nghệ

Năm nay, ngành công nghiệp LiDAR đã thu hút chú ý rộng rãi từ các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bày tỏ mối quan ngại về an ninh quốc gia trong các phiên điều trần.

Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã đưa ra một báo cáo chỉ trích nhà sản xuất cảm biến laser Hesai có trụ sở tại Thượng Hải, cáo buộc công ty Trung Quốc này đã áp dụng các phương pháp đáng ngờ để phát triển công nghệ LiDAR và sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

WSJ đưa tin rằng công ty Hesai (HSAI.US) Trung Quốc đã được niêm yết tại Mỹ vào tháng 2 năm nay. Trong tài liệu chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO), Hesai có đề cập chung về rủi ro từ sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc. Bản cáo bạch của Hesai nêu rõ rằng Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) có quyền giám sát lớn đối với các hoạt động kinh doanh của công ty, họ có thể can thiệp hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của công ty bất cứ lúc nào.

Theo công ty nghiên cứu Yole Group, thị phần LiDAR tại Mỹ liên quan taxi tự lái có 67% từ Hesai, theo đó hầu hết các công ty xe hơi và xe tải tự lái của Mỹ là khách hàng của công ty Trung Quốc này. Một công ty LiDAR lớn khác của Trung Quốc là RoboSense nắm giữ khoảng 3% thị trường.

WSJ đưa tin, sau khi hai công ty LiDAR của Mỹ là Ouster và Velodyne LiDAR sáp nhập vào đầu năm nay, mỗi công ty đều đệ đơn kiện vấn đề Hesai đã đánh cắp công nghệ của họ. CEO của Ouster là Angus Pacala cho biết: “Hoạt động kinh doanh của Hesai được xây dựng dựa trên đánh cắp tài sản trí tuệ”. Đáp lại, công ty Hesai cho biết cáo buộc công ty đánh cắp công nghệ là vô căn cứ. Thỏa thuận hòa giải của Hesai với Velodyne thì công ty Trung Quốc này cũng không thừa nhận hành vi sai trái.

Brunnno Moretti – phó chủ tịch sản phẩm của nhà sản xuất LiDAR Cepton Inc. có trụ sở tại San Jose – California cho biết, các đối thủ Trung Quốc như Hesai có thể bán các sản phẩm cạnh tranh với mức chiết khấu rất lớn.

Kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu của Hesai trên Nasdaq đã giảm hơn 50%; trong cùng thời gian, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng hơn 8%. Tỷ suất lợi nhuận kém hơn mong đợi của công ty đã khiến các nhà đầu tư thất vọng. Tổng doanh thu của Hesai đang tăng lên, nhưng thị phần bán hàng của công ty đang giảm ở Mỹ, Canada và một số khu vực ở châu Âu.

LiDAR là một cảm biến quét môi trường xung quanh và tạo ra hình ảnh ba chiều. Đây là công nghệ chủ chốt được các phương tiện tự hành sử dụng để xác định chướng ngại vật, xây dựng bản đồ và xác định vị trí phương tiện. Hesai là một công ty lớn trong lĩnh vực LiDAR.

Mỹ siết chặt về công nghệ xe tự lái

Năm nay vấn đề công nghệ LiDAR đã thu hút sự chú ý của giới lập pháp Mỹ, vì đây là công nghệ trở thành công cụ có thể bị khai thác cho công nghệ gián điệp và tấn công mạng. Công nghệ LiDAR rất quan trọng đối với các phương tiện tự lái, vốn đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

NBC hôm 3/10 đưa tin, thành viên Brad Templeton đội xe tự lái của Google (nay là Waymo) cho biết, trong các cuộc xung đột vũ trang thì đội xe taxi tự lái có thể trở thành “vũ khí lợi hại” dùng để đâm và giết người.

Tại một phiên điều trần vào tháng 7, dân biểu Bob Latta bang Ohio là Chủ tịch Tiểu ban Công nghệ và Truyền thông Hạ viện Mỹ cho biết, thị trường xe tự lái của Mỹ có nhiều yếu tố Trung Quốc đang gây vấn đề cho an ninh quốc gia Mỹ.

Tháng 7 năm nay, bốn nhà lập pháp lưỡng đảng đã viết thư cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, yêu cầu một cuộc điều tra về sự phổ biến của công nghệ xe tự lái của Trung Quốc tại Mỹ và cách hạn chế nó.

Các nhà lập pháp viết: “Các công nghệ được sử dụng bởi ô tô tự lái như LiDAR, radar, camera, trí tuệ nhân tạo, cũng như các cảm biến và chất bán dẫn tiên tiến khác đều có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về người dân và cơ sở hạ tầng của Mỹ, sau đó dữ liệu có thể chia sẻ về Trung Quốc và cuối cùng vào tay ĐCSTQ”; “Lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập bởi những phương tiện này có thể mang lại cho ĐCSTQ lợi thế chưa từng có. Bắc Kinh đã đi tiên phong trong việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn để xác định những người bất đồng chính kiến ​​trong nước, chúng tôi lo ngại thủ đoạn đó được áp dụng tại nước khác”.

Nhu cầu về LiDAR đang tăng lên đáng kể với việc áp dụng taxi tự lái, các tính năng hỗ trợ lái xe trên ô tô và cơ sở hạ tầng thành phố thông minh. Công ty tư vấn Emergen Research ước tính thị trường LiDAR hiện có giá trị khoảng 2 tỷ USD. Quân đội Mỹ cũng sử dụng LiDAR trên tàu ngầm, xe tải, máy bay không người lái và vũ khí.