Sau khi kết thúc cuộc tập trận trung trên biển Đông, truyền thông Trung Quốc đồng loạt tung hô quan hệ mới gắn bó giữa Bắc Kinh và Moscow, nhưng nhiều nhà phân tích đã cho rằng sự xích lại gần nhau giữa hai cường quốc từng mang cùng ý thức hệ chỉ là nhất thời và không thể lâu bền do sự nghi kỵ truyền thống giữa hai bên.

Nga-Trung tổ chức cuộc tập trận chung quy mô trên biển Đông từ 12-19/9/2016
Nga-Trung tổ chức cuộc tập trận chung quy mô trên biển Đông từ 12-19/9/2016

Hôm 19/9, hải Quân Nga và Trung đã hoàn tất cuộc tập trận chung trên biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, trong vùng biển hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, cách xa khu vực đang tranh chấp với các láng giềng.

Truyền thông Trung Quốc không tiếc lời tuyên truyền cho hoạt động quy mô thường niên này, với những bài phóng sự liên tục nêu bật cảnh tàu chiến và binh sĩ hai nước sát cánh bên nhau thực hiện những bài tập đi từ phòng không, chống tàu ngầm, cho đến đổ bộ chiếm đảo. Chính quyền Bắc Kinh cũng không tiếc lời ca ngợi cuộc tập trận, xem đấy là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ với Moscow, góp phần củng cố thêm quan hệ quân sự đang càng lúc càng chặt chẽ giữa hai nước.

Với việc toà quốc tế The Hague ra phán quyết những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là vô lý, Trung Quốc rất mừng khi được một cường quốc như Nga lần đầu tiên tuyên bố ủng hộ. Cuộc tập trận chung quy mô lớn được Bắc Kinh tung hô như một chiến thắng ngoại giao tiếp theo.

Hồi đầu tháng này, ông Putin được trích lời nói rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, phản đối bên thứ ba can thiệp vào biển Đông, bất chấp thực tế Việt Nam là một nước có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt với Nga trong hàng chục năm.

Đối với Trung Quốc, có thể họ đã thành công trong việc lôi kéo Nga vào một liên minh chiến lược, để tung ra một tín hiệu mạnh tới Hoa Kỳ và các nước khác, đặc biệt trên vấn đề biển Đông.

Nhưng những lời tô vẽ về quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc tuy nhiên đã không thuyết phục được giới phân tích quốc tế.

Quả thực Nga và Trung Quốc có nhiều tương đồng về mặt đối ngoại. Nga cũng không ưa gì các thiết chế pháp luật quốc tế trong khi phải đối mặt với phản đối quốc tế do vụ Crimea và Ukraine. Và những áp lực mà Hoa Kỳ và phương Tây đè lên Nga còn lớn hơn cả Trung Quốc.

Tuy nhiên trong quan hệ với Trung Quốc, Nga lại bị đặt trong thế dưới, một thực trạng khó có thể chấp nhận đối với một nước từng là một cường quốc nhất nhì trên thế giới.

Trong cuộc tập trận chung, có tin cho biết là phía Nga đã cực lực bác bỏ khả năng thao diễn tại những vùng có tranh chấp, rõ ràng là để tránh mất lòng đồng minh Việt Nam thêm nữa.

Đối với chuyên gia Ashley Townshend tại Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney, sự gắn bó về lợi ích Nga-Trung hiện nay chỉ mang tính chất ngoại giao, chứ không phải là thực chất.

Trong một cuộc họp báo hôm 12/9, một phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho biết trong cuộc tập trận, hai bên sẽ lần đầu tiên sử dụng hệ thống thông tin chỉ huy chung Trung-Nga. Hệ thống này có năng lực gửi, nhận và chia sẻ thông tin giữa mọi vị trí chỉ huy và các đơn vị tác chiến ở mọi cấp.

Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau nói cái gọi là hệ thống thông tin chỉ huy chung bị giới hạn trong việc trao đổi dữ liệu radar và siêu âm của hai lực lượng hải quân, nó không cung cấp “đường truyền dữ liệu chiến thuật”, là hệ thống thông tin chuẩn hóa mà các đồng minh quân sự sử dụng qua sóng vô tuyến hoặc cáp.

Ông Wong bình luận: “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, sẽ thấy không có sự tin tưởng song phương nào giữa Trung Quốc và Nga”.

Trọng Đức

Xem thêm: