Ngày 17/7, hai đặc phái viên vấn đề khí hậu của Mỹ và Trung Quốc là John Kerry và Giải Trấn Hoa đã tổ chức cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Bắc Kinh. Như vậy, trong vòng hai tháng đã có 3 quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Quốc.

Kerry
Ngày 17/7/2023, hai đặc phái viên vấn đề khí hậu của Mỹ và Trung Quốc là John Kerry và Giải Trấn Hoa đã có cuộc gặp kéo dài 4 tiếng tại khách sạn Bắc Kinh. (Ảnh: Twitter của John Kerry)

Ông Kerry nói rằng trong 4 tháng trước, khi Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) bắt đầu ở Dubai, tiến triển mang tính thực chất về vấn đề này giữa Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng. Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Mỹ để giảm lượng khí thải metan và giảm việc sản xuất điện đốt than.

“Trong 3 ngày tới, chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu thực hiện một số bước quan trọng để gửi tín hiệu tới thế giới rằng Trung Quốc và Mỹ có ý định nghiêm túc trong việc giải quyết các rủi ro, mối đe dọa và thách thức chung mà chính nhân loại tự gây ra”, ông Kerry cho hay.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với CNN hôm Chủ nhật rằng đặc phái viên Kerry sẽ kêu gọi Trung Quốc “đừng núp sau tuyên bố là nước đang phát triển” để trốn tránh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, vì thế đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về khí hậu. Ông Kerry sẽ ở lại Bắc Kinh cho đến thứ Tư, dự kiến ​​sẽ tập trung vào các biện pháp giảm khí metan và khí thải phi CO2 khác, đồng thời chuẩn bị cho COP28.

Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Kerry tới Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của Mỹ về vấn đề khí hậu, đánh dấu việc Trung Quốc và Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao cấp cao về khí hậu. Mùa hè năm ngoái, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đã khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh và đình chỉ đàm phán về nhiều vấn đề gồm khí hậu.

Ông Giải Trấn Hoa nói với ông Kerry rằng họ đã gặp nhau 53 lần kể từ khi phụ trách làm đặc phái viên.

Đảng Cộng hòa chỉ trích nhân nhượng, Đảng Dân chủ bảo vệ ông Kerry

Do các chuyến thăm Bắc Kinh trước đó của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Tài chính Yellen không đạt được những bước đột phá lớn, nên không có nhiều lạc quan về cuộc đàm phán vấn đề khí hậu này có thể cải thiện quan hệ song phương.

Ông Kerry nói với Quốc hội vào thứ Năm tuần trước (13/7) rằng biến đổi khí hậu đang nguy cơ, Mỹ và Trung Quốc phải cùng nhau tìm cách giải quyết, hy vọng có thể đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Bắc Kinh giảm thiểu vấn đề dùng than.

Nhưng dường như phe Cộng hòa không cho là vậy. Nhân vật diều hâu của Đảng Cộng hòa là dân biểu McCall cho biết tại phiên điều trần ngày 13/7: “Tôi lo ngại sâu sắc về việc chính quyền (Tổng thống Biden) tiếp tục tiếp xúc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà không có bất kỳ kết quả thực tế nào hoặc bất cứ điều gì để chứng minh. Đối đầu với ĐCSTQ và chương trình nghị sự của họ nên là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao”.

Đại diện Đảng Cộng hòa Blackburn mô tả chuyến thăm của ông Kerry tới Trung Quốc là để xoa dịu. Bà nói trong một tuyên bố vào ngày 13/7 rằng: “Chuyến đi do người đóng thuế tài trợ của ông Kerry tới Trung Quốc là một nỗ lực yếu ớt khác, nhằm xoa dịu một chế độ độc tài đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và đàn áp người dân của chính họ. Mỹ không nên hợp tác với kẻ thù lớn nhất của chúng ta dưới danh nghĩa chống biến đổi khí hậu, thay vào đó nên tập trung vào việc cản trở mục tiêu thống trị toàn cầu của ĐCSTQ”.

Hôm 15/7, người phụ trách “Dự án Tự do Kinh tế Mỹ” là Matt Stoller đã chỉ trích chuyến thăm của ông Kerry tới Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy thái độ mềm mỏng với ĐCSTQ của chính quyền Tổng thống Biden.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của Đảng Cộng hòa cũng đã tweet vào ngày 14/7, kêu gọi ông Kerry hủy bỏ chuyến đi tới Bắc Kinh.

Tuy vậy, Đảng Dân chủ cho rằng chuyến thăm của ông Kerry không có nghĩa là thể hiện sự yếu thế trước Trung Quốc.

Thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là dân biểu Meeks phe Dân chủ  cho biết ông rất vui khi thấy Mỹ quay trở lại bàn đàm phán về khí hậu và các vấn đề ngoại giao khác.

Dân biểu Crow, thành viên hàng đầu của tiểu ban giám sát và trách nhiệm giải trình, cho biết: “Đó thực sự là một sự thể hiện sức mạnh để gắn kết với thế giới, bước đi đó được thực hiện từ tâm thái tự tin”.

Bắc Kinh tiếp tục phê duyệt các nhà máy than mới

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), Trung Quốc chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ than trên thế giới. Nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cam kết tại Hội nghị Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Quỹ Chính sách Vấn đề nóng lên toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận của Anh, đã đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết này hay không. “Trung Quốc không có ý định khử cacbon. Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố giảm lượng khí thải carbon dioxide, nhưng trên thực tế nếu Trung Quốc không có sự tăng trưởng kinh tế bền vững mà chỉ nhiên liệu hóa thạch mới có thể mang lại, thì quyền lực của ĐCSTQ sẽ tuột dốc”, một báo cáo từ quỹ này viết.

Hiện tại Bắc Kinh tiếp tục phê duyệt các nhà máy nhiệt điện than mới. Nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2023 các quan chức địa phương Trung Quốc đã phê duyệt việc xây dựng ít nhất 20,45 gigawatt công suất phát điện, nhiều hơn năm ngoái gấp 2 lần.

Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden là vào năm 2050 đạt được mức phát thải bằng 0 trên toàn nước Mỹ. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ yêu cầu trước năm 2035 các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ phải giảm 90% lượng khí thải carbon. Tổng thống Biden cho biết, vào cuối thập kỷ này lượng khí thải của Mỹ sẽ thấp hơn ít nhất 50% so với mức năm 2005.

Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (Inflation Reduction Act of 2022) bắt đầu từ năm 2024 sẽ áp dụng thu phí đối với khí thải metan từ ngành dầu khí; chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đề xuất thêm quy định về ngăn chặn ô nhiễm, bao gồm yêu cầu các nhà khai thác phải có trách nhiệm phản hồi đối với vấn đề phát thải methan quy mô lớn mà giới nghiên cứu môi trường đưa ra.