Hai chuyến thăm Trung Quốc của hai phó chủ tịch Ủy ban châu Âu được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử khác biệt, có nhận định cho rằng cách hành xử “linh động” trong đối ngoại này sẽ được nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên áp dụng.

Ngoai giao DCSTQ
Ông Frans Timmermans (trên cùng bên trái) và ông Josep Borrell (bên phải) – Bà Janet Yellen và ông Antony Blinken (hàng dưới). (Nguồn ảnh: tổng hợp)

Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hôm 4/7 rằng phía Trung Quốc đã bất ngờ hủy chuyến thăm dự kiến ​​vào ngày 10/7 của ông Josep Borrell – Phó Chủ tịch kiêm Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh Ủy ban châu Âu. Trước đó vài ngày, EU vừa thông báo về chuyến công du Trung Quốc của ông Borrell.

Bắc Kinh không đưa ra lý do hủy chuyến đi của ông Borrell. Trong một tuyên bố gửi tới Reuters vào ngày 4/7, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Nabila Massrali cho biết phía Trung Quốc đã thông báo “thời gian ấn định vào tuần tới không thể sắp xếp được nên phải tìm một ngày khác”.

Ngày 4/7, chỉ vài giờ trước khi người phát ngôn EU xác nhận Trung Quốc hủy chuyến thăm, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo thường kỳ: “Tôi đã không có tin tức để công bố”.

Trước đó tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh vào ngày 2/7, Đại sứ EU tại Trung Quốc là ông Jorge Toledo đã tuyên bố rằng ông Borrell dự kiến ​​thăm Trung Quốc vào ngày 10/7. Ông Toledo cho biết ông Borrell sẽ nêu “các vấn đề chiến lược” với Trung Quốc, bao gồm vấn đề nhân quyền và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, cùng thời gian chuyến đi của ông Borrell tới Trung Quốc bị hủy bỏ, một phó chủ tịch khác của Ủy ban châu Âu và là trưởng đoàn đàm phán về khí hậu là ông Frans Timmermans đang đến thăm Trung Quốc.

Cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã của ĐCSTQ hôm 4/7 cho hay, ông Timmermans đã tổ chức Đối thoại cấp cao Trung Quốc-EU về Môi trường và Khí hậu lần thứ 4 với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường (Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ). Ngoài ra, vài giờ sau khi cuộc đối thoại cấp cao kết thúc, ông Timmermans cũng nhận lời phỏng vấn quy mô nhỏ của giới truyền thông.

Tại sao ĐCSTQ lại đối xử khác biệt?

Về vấn đề này, trong chương trình tự thực hiện vào ngày 9/7, nhà bình luận chính trị người Hoa tại Mỹ là ông Trần Phá Không (Chen Pokong) chỉ ra,  ĐCSTQ tiếp ông Timmermans nhưng đã hủy chuyến đi của ông Borrell vì phái đoàn do ông Borrell dẫn đầu đã có lịch trao đổi với phía ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền và chiến tranh Nga xâm lược Ukraine.

Ông Trần Phá Không nói rằng cuộc đối thoại về nhân quyền nghe có vẻ hay, nhưng về bản chất là chỉ trích ĐCSTQ: “Vì vậy, ĐCSTQ cho rằng nói về nhân quyền thì đằng nào cũng sẽ bị chỉ trích, tốt hơn hết là tránh; về cuộc chiến Ukraine cũng vậy, tốt hơn là nên hủy bỏ… Có thể cách hành xử này sẽ trở thành một trạng thái bình thường trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ, theo đó họ sẽ không còn kể đến lễ nghi ngoại giao mà sẽ tùy cơ ứng biến”.

Cùng quan điểm, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 9/7, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư của Đại học Sư phạm Thủ đô (ở Bắc Kinh, Trung Quốc), cho biết hai phó chủ tịch Ủy ban châu Âu có các chủ đề trò chuyện khác nhau đối với ĐCSTQ:

“Ông Borrell dự định thảo luận về nhân quyền và việc Nga xâm lược Ukraine. Trên thực tế, đối với ĐCSTQ, những vấn đề này không có gì để nói, bởi vì nhân quyền luôn là khuyết điểm của ĐCSTQ, còn cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine thì ĐCSTQ cũng đã che đậy và trợ giúp Nga đã khiến EU bất bình. Vì vậy, về những vấn đề này phía Trung Quốc biết rằng không có gì để nói, họ cũng không muốn thực hiện bất kỳ thay đổi nào.”

“Còn ông Timmomans đến Trung Quốc để nói về vấn đề khí hậu. ĐCSTQ đưa ra những lời hứa ngẫu hứng về vấn đề khí hậu cùng những kế hoạch giả tạo và trống rỗng, họ sẽ không thực sự thực hiện bất cứ điều gì. Đối với ĐCSTQ thì vấn đề này không liên quan và không quan trọng.”

“Vì vậy, ĐCSTQ có thái độ khác nhau đối với các quan chức EU, hy vọng qua thái độ đó để các quan chức EU khác nhìn vào mà ứng xử nếu muốn được ĐCSTQ thân thiện. Nhưng tôi không nghĩ cách tiếp cận của ĐCSTQ sẽ hiệu quả, vì các nước thành viên EU có quan điểm và chính kiến nhất quán, nên sẽ không bao giờ tùy tiện thay đổi quan điểm vì thái độ đó của ĐCSTQ, cũng như sẽ không trở nên thân thiết với ai đó chỉ vì vấn đề quy cách lễ nghi đón tiếp.”

Ông Lý Nguyên Hoa cũng nói về việc ĐCSTQ hủy chuyến thăm của ông Borrell mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, điều này cho thấy nhà cầm quyền này đã ở trong tình trạng phá vỡ mọi quy tắc ứng xử ngoại giao trong các vấn đề quốc tế. Ông nói: “Theo thông lệ lâu nay cho thấy ĐCSTQ vẫn giữ mức độ lễ nghi nhất định cho dù chỉ để giả vờ, nhưng bây giờ ngày càng lộ rõ ​​bản chất thật và thậm chí còn không thèm giả vờ nữa. Chuyện này có tiền lệ thì sẽ có những lần tiếp theo. Trong ngoại giao, ĐCSTQ sử dụng chiến lược đối xử khác biệt với những người khác nhau để truyền đạt điều mà họ muốn thể hiện sự bất bình”.

Trường hợp tương tự khác: Yellen và Blinken

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng lần lượt đến thăm Trung Quốc, nhưng cách đối xử mà họ nhận được cũng khá khác biệt.

Hôm 9/7, bà Yellen kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày, đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà sau khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Trong chuyến thăm, bà Yellen đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dị Cương, Bí thư Đảng ủy mới được bổ nhiệm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phạm Công Thắng, và cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc (đã nghỉ hưu).

Mặc dù bà Yellen cũng chỉ trích ĐCSTQ nhưng vẫn tiếp tục giọng điệu “phản đối việc Trung Quốc và Mỹ tách rời nhau” như trong các bài phát biểu vẫn thấy ở Mỹ. Trong chuyến thăm này, bà Yellen đã được phía truyền thông nhà nước Trung Quốc thể hiện sự nhiệt tình và thân thiện hơn. Không chỉ ông Thủ tướng Lý Cường đón tiếp, hôm đó còn có hình ảnh cầu vồng xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh như ẩn ý nói rằng quan hệ Trung-Mỹ đã qua giông tố sẽ lại tươi đẹp, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nhiệt liệt dùng hình ảnh bà Yellen dùng đũa thành thạo gắp đồ ăn Vân Nam để ca ngợi.

Cách đối xử của ĐCSTQ đối với bà Yellen rất khác với ông Blinken. Khi ông Blinken xuống máy bay ở Bắc Kinh đã không có thảm đỏ trên mặt đất ở sân bay, thậm chí thảm đỏ trên lối đi vào nơi họp mặt cũng bị dỡ bỏ. Chỉ thấy vài vạch đỏ được vẽ trên mặt đất của sân bay và những bức ảnh trực tiếp ghi lại khoảnh khắc ông Blinken bước lên “lằn ranh đỏ”.

Mặc dù ông Blinken đã gặp nhà lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình, nhưng những bức ảnh do các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy ông Blinken và các quan chức ĐCSTQ khác bao gồm ông Vương Nghị đang ngồi ở hai bên bàn hội nghị, trong khi ông Tập ngồi một mình trên ghế chủ tịch. Cách sắp xếp như vậy đã làm dấy lên những bình luận rằng hoàn toàn vi phạm nghi thức ngoại giao quốc tế hiện đại.

Ông Lý Nguyên Hoa nói rằng ông Blinken đã bị đối xử nhục nhã trong chuyến thăm Trung Quốc, nhưng tâm địa nhỏ nhen đó không giúp cho tình hình sẽ tốt đẹp hơn: “ĐCSTQ cũng biết rằng chuyến thăm của người Mỹ là để truyền đạt lập trường của Mỹ cho ĐCSTQ. Khi ĐCSTQ không thể đảo ngược quyết định của Mỹ, họ chỉ đơn giản bày ra cái gọi là tư thế cứng rắn để bày tỏ sự không hài lòng”.

Ông nói thêm: “Quy cách đối xử trong chuyến thăm của bà Yellen có vẻ tốt hơn, trên thực tế ĐCSTQ không dám đoạn tuyệt hoàn toàn với Mỹ nên phải đối xử khác đi, để có thể lừa được người dân ở Trung Quốc: Nếu người Mỹ cho thấy thay đổi thái độ thì chúng ta sẽ dành một số phép lịch sự nhất định. Nhưng về bản chất ĐCSTQ không có năng lực đủ để đối đầu được với Mỹ, chẳng qua muốn diễn để tỏ vẻ ta đây mà thôi”.

Diệc Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)