Cơ quan xếp hạng Moody’s của Mỹ đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Chính phủ Trung Quốc xuống mức “tiêu cực” vào thứ Ba. Tờ Financial Daily của Anh đưa tin, hai nhân viên của Moody’s quen thuộc với vấn đề này nói rằng Moody’s khuyến nghị nhân viên nên làm việc tại nhà trước khi hạ triển vọng xếp hạng của Trung Quốc. 

Moody
Trụ sở của Tập đoàn nghiên cứu, xếp hạng tín dụng và rủi ro toàn cầu Moody’s. (Ảnh: Scott Eells/Bloomberg qua Getty Images)

Họ tin rằng điều này là do lo ngại về phản ứng có thể xảy ra của Chính phủ Trung Quốc. Theo báo cáo, động thái của Moody’s nêu bật sự lo lắng của nhiều công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Trung Quốc.

Một số trưởng bộ phận của Moody’s ở Trung Quốc đã thông báo với nhân viên của họ hôm thứ Sáu rằng các nhân viên không thuộc bộ phận hành chính ở Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ không được phép vào văn phòng trong tuần này. Một nhân viên của Moody’s nói với giới truyền thông: “Họ không cho chúng tôi biết lý do… nhưng mọi người đều biết tại sao.” “Chúng tôi sợ Chính phủ kiểm tra”. Theo nhân viên này, Moody’s cũng khuyên các nhà phân tích ở Hồng Kông tránh đi đến Trung Quốc Đại Lục trong thời điểm hiện tại.

Moody’s duy trì xếp hạng tín dụng nợ có chủ quyền của Trung Quốc ở mức “A1” vào thứ Ba (ngày 5/12), nhưng hạ triển vọng xếp hạng từ ổn định xuống tiêu cực. Nhân viên của Moody’s cho biết, nếu chính quyền Trung Quốc quyết định đột kích cơ quan này, thì làm việc tại nhà có thể tránh được việc chính quyền thẩm vấn nhiều nhân viên ở cùng một địa điểm. Nhưng nhân viên của Moody’s này nói thêm rằng “một cuộc đột kích như vậy vẫn được coi là khó xảy ra”.

Người phát ngôn của Moody’s cho biết, cam kết duy trì tính bảo mật và tính toàn vẹn của quá trình xếp hạng là hết sức quan trọng và không thể bình luận.

Các báo cáo chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã đột kích văn phòng của một số công ty tư vấn của Mỹ trong năm nay, đồng thời bắt giữ một số nhân viên địa phương của Tập đoàn Mintz. Chính phủ Trung Quốc nói rằng động thái này là do lo ngại về an ninh quốc gia.

Báo cáo dẫn lời ông Michael Hirson, một nhà phân tích Trung Quốc tại 22V Research ở New York, nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​các cuộc đàn áp đối với các công ty khảo sát và các công ty khác, nhưng độc cơ của những cuộc đàn áp này không chỉ là do những bình luận tiêu cực của họ”. 

Ông nói: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Moody’s gây ra bất kỳ cuộc đàn áp công khai tương tự nào chỉ vì xếp hạng gây tranh cãi của họ”. Ông tin rằng cách Bắc Kinh xử lý vấn đề sẽ là một bài kiểm tra được các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp theo dõi.

Xếp hạng mới nhất của Moody’s đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi từ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và mạng xã hội. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cáo buộc Moody’s “thiên vị và hiểu sai về triển vọng kinh tế của Trung Quốc” trong một tuyên bố hôm thứ Tư (ngày 6/12).

Sau khi hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Chính phủ Trung Quốc, Moody’s hôm thứ Tư đã hạ triển vọng xếp hạng của Hồng Kông, Ma Cao và 18 công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc bao gồm các tập đoàn công nghệ Tencent và Alibaba từ ổn định xuống tiêu cực. 

Moody’s cho biết trong một tuyên bố rằng xếp hạng này “chủ yếu” bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong triển vọng xếp hạng tín dụng của Chính phủ Trung Quốc và phản ánh những rủi ro gia tăng “liên quan đến xếp hạng tín dụng quốc tế mang tính cấu trúc và liên tục bị hạ thấp”.

Theo Lâm Lan, RFI