Khi nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc, cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s đã hạ triển vọng xếp hạng trái phiếu chính phủ của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ ổn định xuống tiêu cực trong báo cáo mới nhất hôm thứ Ba (5/12).

Moody
Trụ sở của Tập đoàn nghiên cứu, xếp hạng tín dụng và rủi ro toàn cầu Moody’s. (Ảnh: Scott Eells/Bloomberg qua Getty Images)

Moody’s vẫn duy trì xếp hạng tín dụng nợ có chủ quyền của ĐCSTQ ở mức “A1”, và việc hạ cấp là “triển vọng xếp hạng”, có nghĩa là Moody’s sẽ xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc trong tương lai. Moody’s cũng hạ triển vọng xếp hạng của Mỹ xuống tiêu cực vào tháng trước.

Chứng khoán blue-chip của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp gần 5 năm vào thứ Ba, trong khi chứng khoán Hồng Kông mở rộng mức giảm. Reuters đưa tin, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết sau tuyên bố của Moody, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã hỗ trợ đồng nhân dân tệ suốt cả ngày và tăng cường bán đô la. Tỷ giá đồng nhân dân tệ ít thay đổi vào cuối buổi chiều.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi thông tin này, sau khi mở cửa vào buổi chiều, cổ phiếu A giảm nhanh, chỉ số CSI 300 chịu áp lực bán và đóng cửa giảm tới 1,9%.

Bộ Tài chính ĐCSTQ bày tỏ sự thất vọng với quyết định của Moody’s, cho rằng “nền kinh tế sẽ duy trì xu hướng phục hồi và tích cực”, “rủi ro bất động sản và chính quyền địa phương có thể kiểm soát được”, và Moody’s “lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không cần thiết”,

Moody’s giải thích việc hạ cấp trong một tuyên bố, nói rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang nợ nần chồng chất, chính quyền ĐCSTQ sẽ buộc phải cung cấp thêm hỗ trợ tài chính, điều này sẽ cấu thành nhiều rủi ro cho tài chính, nền kinh tế và thực lực của các cơ quan của Trung Quốc.

Moody’s cũng cho rằng việc hạ triển vọng xếp hạng cũng phản ánh nền kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua những thay đổi về cơ cấu, đà tăng trưởng trung hạn sẽ chậm lại, nguy cơ tiếp tục thu hẹp trên thị trường bất động sản Trung Quốc Đại Lục sẽ gia tăng.

Moody’s đã hạ xếp hạng của Trung Quốc một bậc từ Aa3 xuống A1 vào năm 2017, với lý do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nợ gia tăng.

Các nhà kinh tế cho rằng chính quyền địa phương nợ chồng chất của Trung Quốc Đại Lục hiện gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế sau nhiều năm đầu tư quá mức, lợi nhuận từ việc bán đất giảm mạnh và chi phí chống dịch COVID tăng vọt. Cùng với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng trên thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và căng thẳng địa chính trị, đà tăng trưởng kinh tế suy yếu khiến nền kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.

Một loạt biện pháp hỗ trợ chính sách do ĐCSTQ đưa ra đã tỏ ra không hiệu quả, điều này làm gia tăng áp lực buộc chính quyền phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.

Bất kể ĐCSTQ thúc đẩy nền kinh tế của mình như thế nào, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như luôn bỏ phiếu bằng đôi chân của mình về các chính sách của ĐCSTQ. Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đã tăng lên 75 tỷ USD trong tháng 9, đây là con số hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016.

Nguy cơ vỡ nợ tiềm ẩn của Trung Quốc thu hút sự chú ý 

Dữ liệu phát hành trái phiếu của Trung Quốc được China Business News tiết lộ cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng trị giá khoảng 9.140 tỷ nhân dân tệ. Quy mô này lần đầu tiên vượt mốc 9.000 tỷ nhân dân tệ, vượt xa quy mô phát hành trái phiếu vào năm 2022.

Báo cáo chỉ ra rằng chính quyền địa phương Trung Quốc hiện chủ yếu dựa vào việc phát hành trái phiếu tái cấp vốn để trả các khoản nợ hiện có và chưa thu xếp được quỹ tài chính để trả nợ. Động thái này nhằm đáp trả gói kế hoạch của chính quyền trung ương nhằm giải quyết rủi ro nợ chính quyền địa phương, thông qua việc phát hành trái phiếu tái cấp vốn để giãn lãi suất và giảm thiểu rủi ro.

Nhưng động thái cho vay tiền để trả nợ của ĐCSTQ sẽ dẫn đến hậu quả gì? Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một học giả tài chính sống ở Mỹ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng do doanh thu chuyển nhượng đất đai của nhiều chính phủ địa phương Trung Quốc giảm mạnh, tình trạng của các ngân hàng vừa và nhỏ ở địa phương cũng như các nền tảng tài chính là “túi tiền” của chính phủ cũng đang gặp nguy hiểm. Trong trường hợp này, việc chính quyền địa phương dùng nợ để bảo lãnh nợ chỉ là đang theo đuổi chính sách trì hoãn.

“Điều này sẽ gây ra lạm phát, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Nếu giảm phát xảy ra, lãi suất sẽ tăng mạnh”. Ông cho rằng việc chính quyền Trung Quốc vay lãi suất cao sẽ làm tăng thêm áp lực nợ chính quyền địa phương: “Rủi ro chắc chắn đang gia tăng, nhưng nó cũng đang bị đẩy lùi. Nói cách khác, tiếng sấm này ngày càng lớn hơn.”

Tờ Wall Street Journal cũng cảnh báo hôm thứ Ba rằng vấn đề nợ tiềm ẩn khổng lồ của Trung Quốc đã đến thời điểm quan trọng. Báo cáo trích dẫn đánh giá từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các ngân hàng đầu tư Phố Wall chỉ ra rằng, tổng số nợ chính phủ ngoại bảng tồn đọng ở Trung Quốc là khoảng 7.000 tỷ USD đến 11.000 tỷ USD, một khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, việc trả nợ trả nợ lãi và gốc sẽ của chính quyền địa phương sẽ khó tiếp tục được. Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng phần lớn nợ tiềm ẩn của Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ cao, quy mô dao động từ 400 tỷ USD đến hơn 800 tỷ USD.

Trí Đạt (t/h)