Vào ngày 30/3, Nga đã buộc tội một phóng viên người Mỹ của tờ Wall Street Journal về hành vi gián điệp. Động thái này được cho là chắc chắn sẽ làm leo thang mâu thuẫn ngoại giao giữa Moscow và Washington, đồng thời có khả năng cô lập Nga hơn nữa.

Embed from Getty Images

(Phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal/Ảnh: Getty Images)

Tờ Wall Street Journal phủ nhận các cáo buộc của Nga và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho anh Evan Gershkovich, một phóng viên mà họ gọi là “đáng tin cậy và tận tâm”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đang tìm cách tiếp cận lãnh sự và “mọi hỗ trợ thích hợp” cho nhà báo bị bắt, đồng thời nhắc lại cảnh báo rằng công dân Mỹ nên tránh đến Nga.

Anh Gershkovich, 31 tuổi, đã làm việc ở Nga trong 6 năm với tư cách là một nhà báo. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết họ đã bắt giữ anh Gershkovich tại thành phố công nghiệp Yekaterinburg thuộc Quận Urals. Anh Gershkovich “bị tình nghi có hành vi gián điệp vì lợi ích của Chính phủ Mỹ” bằng cách thu thập thông tin về “một trong những doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga”.

Anh Gershkovich được đưa đến Moscow, nơi một tòa án trong phiên xử kín đã ra lệnh giam giữ anh cho đến ngày 29/5. Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, anh Gershkovich đã không nhận tội. Các nhà chức trách không công bố bằng chứng nào và TASS tiết lộ rằng vụ kiện đã được đánh dấu là “tuyệt mật”.

Ông Daniil Berman, luật sư đại diện cho phóng viên Gershkovich, nói với các nhà báo bên ngoài rằng ông không được phép vào trong phòng xử án, cũng không được phép xem các cáo buộc. Ông Berman tin rằng phóng viên Gershkovich sẽ bị đưa đến Lefortovo, nhà tù trung tâm Moscow thế kỷ XIX khét tiếng trong thời Xô Viết vì giam giữ các tù nhân chính trị.

Tờ báo nơi anh Gershkovich làm việc lên tiếng: “Wall Street Journal kịch liệt phủ nhận các cáo buộc từ FSB và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người phóng viên đáng tin cậy và tận tụy của chúng tôi, Evan Gershkovich. Chúng tôi đứng về phía Evan và gia đình anh ấy”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng anh Gershkovich đã bị “bắt quả tang”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định còn quá sớm để nói về bất kỳ khả năng trao đổi tù nhân nào với Hoa Kỳ. Theo lời ông Ryabkov, những thỏa thuận như vậy thường chỉ được sắp xếp sau khi một tù nhân bị kết án.

Hướng dẫn du lịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được cập nhật lần cuối vào tháng Hai năm nay, khuyên công dân Mỹ không nên đến Nga vì có nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện, đồng thời khuyến cáo những người đang sống hoặc du lịch ở đó nên rời đi ngay lập tức.

Ngoài việc gây leo thang xung đột ngoại giao giữa Nga và Hoa Kỳ, vụ bắt giữ còn khiến một số ít nhà báo nước ngoài vẫn đang tác nghiệp tại Nga sợ hãi, từ đó có thể đẩy Nga vào thế bị cô lập hơn nữa.

Ông Andrei Soldatov, một nhà báo người Nga ở nước ngoài chuyên về các dịch vụ an ninh, đã viết rằng vụ bắt giữ là “một cuộc tấn công trực diện vào tất cả các phóng viên nước ngoài vẫn đang làm việc ở Nga. Và điều đó có nghĩa là FSB đã không còn kiềm chế nữa”.

Moscow đã đặt tất cả các cơ quan báo chí độc lập của Nga ra ngoài vòng pháp luật kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhưng vẫn tiếp tục công nhận một số phóng viên nước ngoài. Báo chí ở Nga đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi luật pháp áp đặt các bản án dài cho bất kỳ lời chỉ trích công khai nào về cuộc chiến ở Ukraine mà Nga gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Vy An (Theo Reuters)