Ngày 21/11/2021 vừa qua, Thượng nghị sĩ đảng Tự do của Úc, Jim Molan, đã tham gia kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Ông Molan cho rằng những người tới tham dự Thế vận hội này sẽ “trao cho chính quyền Trung Quốc một chiến thắng tuyên truyền”.

“Hãy nhớ rằng nếu bạn cân nhắc tham dự Thế vận hội, bạn đang đưa ra một quyết định mang tính đạo đức”, ông Molan nói trên kênh Sky News của Úc. “Nếu bạn đến Thế vận hội, bạn đang trao cho chính quyền Trung Quốc, với tất cả những khiếm khuyết đáng sợ của nó, một chiến thắng tuyên truyền mà nó đặc biệt coi trọng.”

“Tôi không muốn có bất cứ quan hệ gì với nó… Tôi sẽ không đến kể cả khi ai đó trả tiền cho tôi.”

Nghị sĩ Úc: Tham dự Thế vận hội Bắc Kinh hay không là "quyết định mang tính đạo đức"
Thượng nghị sĩ Jim Molan. (Ảnh: David Foote, AUSPIC/DPS, Aph.gov.au)

Ông Molan đặc biệt nhắc tới trường hợp của nhà báo người Úc gốc Hoa, Cheng Lei, người đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ mà không đưa ra được bằng chứng và lý do cụ thể suốt từ tháng 9/2020. Việc bà Cheng bị bắt giữ cũng khiến Bộ Ngoại giao Úc đưa ra cảnh báo với công dân Úc rằng họ có thể “bị giam giữ tùy tiện” sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc.

Một số nhà lập pháp Úc đã viết thư cho Thủ tướng Úc Scott Morrison vào tháng 8/2021, kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 để phản đối hồ sơ nhân quyền khét tiếng của chế độ cộng sản. Tẩy chay ngoại giao Olympic là khi các phái đoàn chính thức của chính phủ không tham dự, trong khi các vận động viên có thể tự quyết định có tham dự hay không.

Nghị sĩ Úc: Tham dự Thế vận hội Bắc Kinh hay không là "quyết định mang tính đạo đức"
Người biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 gọi đây là “Thế vận hội diệt chủng”, đề cập đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại hàng triệu người có tín ngưỡng, đặc biệt là thực hiện hành vi diệt chủng tại Tân Cương. (Ảnh: Phil Pasquini, Shutterstock, Royalty-free stock photo)

“Nếu phải kể một quốc gia nào đó không xứng đáng được tôn trọng, vinh danh và tín nhiệm, thì đó là chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc. Trong khi chúng ta đang nói ở đây, một triệu công dân Trung Quốc đang ở trong các trại tập trung, những người Duy Ngô Nhĩ”, Thượng nghị sĩ Úc Eric Abetz cho biết. “Có những Kitô hữu tại gia bị bỏ tù. Có những người tập Pháp Luân Công bị bỏ tù. Có cả người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hồng Kông ủng hộ dân chủ, và những người khác nữa – tất cả đều đang bị bức hại.”

Quyet dinh mang tinh dao duc 02
Thượng nghị sĩ Eric Abetz. (Ảnh: Hawkesyj, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cũng trong tháng 8/2021, bà Jan Becker, vận động viên Úc giành huy chương bạc cho bộ môn bơi tiếp sức tự do cự ly 100 mét tại Thế vận hội Tokyo 1964, đã lên tiếng kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế chuyển dời Thế vận hội khỏi Trung Quốc.

Mặc dù các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Canada, châu Âu và Úc đã kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, bà Becker nhận định rằng chỉ dùng hình thức tẩy chay ngoại giao sẽ không giải quyết được vấn đề, bởi vì chế độ cộng sản Trung Quốc đã không còn quan tâm đến việc làm hài lòng các nhà ngoại giao.

“Hãy nhìn vào cách họ đối xử với Úc mới đây, nhìn vào những gì họ đã lấy khỏi Úc; họ thực sự không còn quan tâm đến các chính trị gia hoặc các nhà ngoại giao nữa”, bà Becker chia sẻ. “Do đó, tôi nghĩ rằng cần phải chuyển dời Thế vận hội 2022. Cần phải dời Olympic 2022 [khỏi Bắc Kinh], cần phải thúc đẩy điều đó.”

Bà Becker khẳng định: “Có rất nhiều quốc gia có thể làm được điều đó. Nhiều quốc gia châu Âu đã thiết lập cơ sở hạ tầng. Nếu họ cần đồng bộ lại mọi thứ, Thế vận hội có thể tạm hoãn một năm, nhưng tôi chắc chắn rằng sẽ có các quốc gia châu Âu sẵn sàng làm điều đó.”

Chuyện đời của á quân Olympic rước đuốc nhân quyền phản đối Olympic Bắc Kinh 2008
Á quân Olympic Jan Becker (phải) giương Ngọn đuốc Nhân quyền tại Quảng trường Liên bang, Melbourne, Úc, vào ngày 16/11/2007. (Ảnh: Minghui.org)

Bà Becker cũng đặc biệt nhắc lại phán quyết cuối cùng của Tòa án nhân dân độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Theo đó, chủ tọa của Tòa, ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, đã lưu ý rằng: “Bất kỳ chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nào tương tác với Trung Quốc cần phải nhận ra rằng họ đang tương tác với một quốc gia tội phạm.”

Cũng trong phán quyết của mình, Tòa cho biết “trong nhiều năm, hành động cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện với một quy mô đáng kể trên khắp Trung Quốc”, và nạn nhân là những người tập Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, trong đó Pháp Luân Công rất có thể là nguồn nội tạng chính.

Nhìn vào hồ sơ tội ác chống lại loài người như vậy, bà Becker kêu gọi “chuyển dời Thế vận hội 2022”. “Tôi tin rằng sự tôn nghiêm của sinh mệnh và sự tôn trọng đối với con người sẽ được ưu tiên hơn bất kỳ sự kiện thể thao nào – ngay cả khi đó là Thế vận hội”, bà Becker nói.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: