Hôm thứ Ba (25/5) Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đóng băng việc phê chuẩn hiệp ước đầu tư song phương giữa EU và Trung Quốc. Ông còn nói thêm rằng, Bắc Kinh cảm thấy kinh ngạc trước việc EU quyết định trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền tại khu vực Tân Cương của nước này.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại một cuộc hội đàm trong một hội nghị qua truyền hình do Hội nghị An ninh Munich tổ chức, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra phản ứng công khai đầu tiên về việc Nghị viện châu Âu thông qua kiến nghị tạm dừng phê chuẩn Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc trong tuần trước.

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với số lượng áp đảo đồng ý tạm dừng xem xét thỏa thuận này cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên 10 nhà lập pháp và 4 tổ chức của châu Âu vì đã lên tiếng chống lại các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc tại vùng Tân Cương.

Ông Vương nói rằng kiến nghị này là sai lầm khi liên kết nhân quyền với các vấn đề thương mại. Ông nói thêm rằng các cáo buộc về các trại tập trung và hành vi diệt chủng tại Tân Cương là “những lời dối trá và tin đồn thất thiệt”.

Ông khẳng định: “Thỏa thuận đầu tư không phải là lợi ích của một bên, còn vấn đề liên quan đến Tân Cương là thuộc về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.”

Ông Vương nói thêm: “Nỗ lực của một số người trong EU nhằm liên kết các vấn đề có bản chất khác nhau và biến các vấn đề thương mại thành các vấn đề chính trị là không thể chấp nhận và sẽ chẳng đi đến đâu.”

Trong bài phát biểu của mình, Ông Vương còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ban hành các lệnh trừng phạt đó để đáp lại việc EU quyết định trừng phạt bốn quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong cuộc đàn áp đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương. Ông nói thêm rằng động thái của EU đã “gây sốc” cho Bắc Kinh.

Ông tiếp tục: “Khi các lệnh trừng phạt của EU được đưa ra, người dân Trung Quốc đã nhớ lại những ngày mà chúng tôi bị các đế quốc châu Âu bắt nạt.”

Ông nhấn mạnh: “Vì vậy, chúng tôi phải có phản ứng. Chúng tôi không muốn làm như vậy, nhưng chúng tôi không phải là người đầu tiên gây ra vấn đề. Nếu không có các lệnh trừng phạt của EU, thì chúng tôi sẽ không đưa ra các lệnh trừng phạt của mình.”

Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện, cần có sự chấp thuận của cả Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, đã được Brussels quảng bá là sẽ giúp tái cân bằng thương mại và đầu tư giữa EU và Trung Quốc “dựa trên các giá trị và nguyên tắc phát triển bền vững”.

Theo một thông báo của EU sau lễ ký kết, thỏa thuận này đã đạt được vào ngày 30/12/2020 sau 7 năm đàm phán, “sẽ cung cấp một mức độ tiếp cận thị trường [Trung Quốc] chưa từng có cho các nhà đầu tư EU”. 

Thông báo cho biết thêm: “Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện sẽ cải thiện đáng kể sân chơi bình đẳng bằng cách đặt ra các nghĩa vụ rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, cấm việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hành vi bóp méo [thị trường] khác.”

Tuy nhiên, kiến nghị được thông qua vào tuần trước đã quy định việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của mình là một điều kiện để Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện được xem xét.

Ngoại trưởng Vương nói rằng mối quan hệ tổng thể EU-Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi “một hoặc hai lệnh trừng phạt”, đồng thời ông còn chỉ ra những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác nhiều hơn, từ vắc-xin COVID-19 cho đến năng lượng sạch.

Ông nói: “Các tập đoàn kinh doanh [EU-Trung Quốc], bao gồm cả hiệp ước đầu tư song phương không nên bị bắt làm con tin bởi các quan điểm chính trị khác nhau.”

Khi các tổ chức nhân quyền kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh ngày càng tăng, ông Vương cũng thúc giục EU duy trì lập trường trung lập về vấn đề này.

Ông nói: “Châu Âu là nơi sản sinh ra tinh thần Olympic. Hai bên chúng ta có thể sát cánh cùng với nhau để phản đối việc chính trị hóa thể thao.”

Một độc giả của tờ SCMP đã bình luận về phát biểu của ông Vương: “Ông Vương Nghị nói ‘những nỗ lực liên kết các vấn đề có bản chất khác nhau … là không thể chấp nhận.’ Lẽ ra, ông nên nói câu này với những người đang liên kết việc thương mại với Úc với cuộc điều tra nguồn gốc COVID.”

Gia Huy (Theo SCMP)

Xem thêm: