Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại khoảng 105 phút vào hôm thứ Ba (2/4), đây là cuộc gọi trực tiếp đầu tiên giữa họ kể từ cuộc gặp vào tháng 11 năm ngoái.

Biden Tap
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden. (Ảnh ghép từ trang Chính phủ TQ và Nhà Trắng)

Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, bao gồm những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác và những lĩnh vực mà họ bất đồng.

Về Đài Loan và Biển Đông, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm với Trung Quốc “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan cũng như luật pháp và tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Theo bản tóm tắt đàm phán do Bộ Ngoại giao ĐCSTQ công bố, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan là ranh giới đỏ trong quan hệ Trung-Mỹ, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho “thông đồng và hỗ trợ từ bên ngoài” – tuyên bố ám chỉ ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan.

Vấn đề Đài Loan luôn là chủ đề nóng trong xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. ĐCSTQ đã nhiều lần đe dọa thống nhất Đài Loan và tuyên bố sẽ không từ bỏ lựa chọn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Còn Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng Mỹ phản đối việc Bắc Kinh sử dụng các biện pháp cưỡng bức để thôn tính Đài Loan cũng như việc ĐCSTQ đơn phương thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan. Mỹ cũng tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan – động thái khiến ĐCSTQ bất bình.

Cuộc thảo luận này diễn ra trước thềm ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan sẽ nhậm chức tổng thống Đài Loan vào tháng tới.

Một điểm xung đột khác giữa hai bên trong cuộc điện đàm là việc Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc. Trước thực tế ĐCSTQ trong những năm gần đây đã gia tăng các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan và gia tăng các hành động khiêu khích ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Chính phủ Mỹ đã hợp tác với các đồng minh để hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, để ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng những công nghệ tiên tiến tăng cường sức mạnh quân sự và cũng như kiểm soát người dân Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, ông Tập Cận Bình chỉ trích: “Mỹ đang thực hiện vô số các biện pháp nhằm đàn áp nền kinh tế, thương mại và công nghệ Trung Quốc, danh sách trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc ngày càng dài hơn. Hành động đó không phải là giảm rủi ro mà tạo ra rủi ro”.

Ông Tập cũng đe dọa rằng Trung Quốc sẽ không ngồi yên nếu Mỹ nhất quyết ngăn cản sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.

Ông Biden nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ thực hiện các hạn chế về công nghệ, nói rõ với ông Tập rằng Washington tiếp tục thực hiện biện pháp này. “Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc (đối thủ) sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ, tuy nhiên cũng trên cơ sở không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư”, ông Biden nói.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ông Biden cũng nêu ra với ông Tập Cận Bình về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

“Tổng thống Biden cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại đối với các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) – động thái gây tổn hại cho người lao động và các gia đình Mỹ”, Nhà Trắng cho biết trong tuyên bố.

Tổng thống Biden cũng bày tỏ lo ngại về “hỗ trợ của ĐCSTQ đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và tác động của nó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”, đồng thời nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Hai bên cũng thảo luận về vấn đề Hồng Kông và vấn đề nhân quyền. Ông Biden nêu lên những quan ngại về nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm Điều 23 Luật Cơ bản của Hồng Kông và cách ĐCSTQ đối xử với các nhóm thiểu số, đồng thời nêu ra hoàn cảnh khó khăn của những người Mỹ bị giam giữ tại Trung Quốc hoặc bị cấm xuất cảnh.

Trước cuộc điện đàm này, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Biden sẽ bày tỏ quan ngại về hành vi gây bất ổn của ĐCSTQ ở Biển Đông, bao gồm cả các hành động nguy hiểm gần đây của Cảnh sát biển Trung Quốc đối với các tàu Philippines gần Bãi cạn Second Thomas.

Tuần tới tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung với Tổng thống Philippines Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, theo đó hành vi cưỡng bức của ĐCSTQ ở Biển Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự này.

Theo hãng tin AP, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết ngăn chặn dòng ma túy bất hợp pháp.

Theo một cuộc khảo sát, khoảng 26 triệu người Mỹ thường xuyên dùng ít nhất một loại thuốc giảm đau có chứa fentanyl, khoảng 1/3 trong số họ sẽ bị nghiện.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) vào năm 2023 đã thu giữ 27.000 pound fentanyl, đủ để sản xuất hơn 6 tỷ liều loại thuốc có khả năng gây chết người này, tăng 83% so với năm trước. Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy Mỹ (DEA) tuyên bố rằng lượng fentanyl bị các cơ quan thực thi pháp luật thu giữ vào năm 2022 đủ để giết chết tất cả người Mỹ.

Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cung cấp cho thấy, vào năm 2022 gần 74.000 người Mỹ thiệt mạng vì dùng quá liều fentanyl, gấp đôi năm 2019. Ngoài ra, từ năm 2019 – 2021 tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều liên quan đến fentanyl ở thanh thiếu niên (bao gồm cả sinh viên đại học) đã tăng gần gấp 3 lần, còn tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gần gấp 6 lần. Các cuộc điều tra cho thấy fentanyl được sản xuất bất hợp pháp là nguyên nhân chính.

Do hầu hết nguyên liệu thô để sản xuất fentanyl đều được tinh chế ở Trung Quốc và nhập lậu vào Mexico, điều đó khiến những tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề này như không có hồi kết.

Cuộc đối thoại này cũng nhằm mục đích khởi động các cuộc tiếp xúc cấp cao sắp tới giữa hai nước. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thăm Trung Quốc vào thứ Năm (4/4) và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng sẽ thăm Trung Quốc trong vài tuần tới.

Tổng thống Biden kêu gọi tiếp tục tương tác ở tất cả các cấp chính quyền như là chìa khóa để ngăn chặn cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang thành xung đột trực tiếp.

Mộc Vệ (t/h)