Mới đây, tờ New York Times đăng bài viết có tiêu đề: “Bi quan lan tràn, cảm giác như bị “ngàn vết cắt”: Hồng Kông sẽ đi về đâu sau Điều 23?”

Embed from Getty Images

Hội đồng Lập pháp Hồng Kông biểu quyết thông qua Điều 23. (Ảnh: PETER PARKS/AFP via Getty Images)

Bài báo viết, từng là một trong những thành phố thịnh vượng nhất châu Á, nhưng giờ đây Hồng Kông đã rơi vào tình trạng bi quan sâu sắc.

Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng ảm đạm, giá nhà sụt giảm, dòng người di cư khiến tình trạng chảy máu chất xám càng trầm trọng hơn. Một số nhà hàng, spa và trung tâm mua sắm nổi tiếng mà người dân địa phương đổ xô đến đều nằm ở thành phố bên kia biên giới – Thâm Quyến, Trung Quốc Đại Lục.

Gần đây, ông Stephen Roach, nhà kinh tế kiêm cựu Chủ tịch của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley châu Á, người xưa nay luôn nổi tiếng lạc quan về Hồng Kông, đã viết trong một bài bình luận trên tờ Financial Times, rằng ông rất tiếc phải nói rằng Hồng Kông hiện giờ thật đáng buồn.

Nhưng cốt lõi của các vấn đề ở Hồng Kông là một cuộc khủng hoảng bản sắc. Khi các quan chức được Bắc Kinh hậu thuẫn đẩy thành phố tự do này ra khỏi phương Tây, và tiếp nhận nền văn hóa chính trị, cũng như lòng nhiệt thành chủ nghĩa dân tộc của của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bà Lưu Huệ Khanh (Emily Lau), một chính trị gia dân chủ kỳ cựu, kiêm cựu nhà lập pháp hiện tại đang dẫn một chương trình trò chuyện trên kênh YouTube của mình. Bà cho biết, mọi người rất không hài lòng vì nhiều lý do. Tất nhiên chính quyền sẽ không thừa nhận điều đó một cách công khai, nhưng họ biết.

Ngày nay, nếu đến thăm Hồng Kông chúng ta sẽ thấy một thành phố rất khác, không còn nền văn hóa chính trị sôi động, đôi khi rất ồn ào trước cuộc đàn áp.

Giờ đây, những người chỉ trích chính phủ và các nhà lập pháp đối lập đang phải ngồi tù. Ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đang bị xét xử về tội vi phạm an ninh quốc gia. Các tổ chức tin tức độc lập buộc phải đóng cửa. Công chức và giáo viên trường công được yêu cầu phải tuyên thệ trung thành, và phải vượt qua bài kiểm tra an ninh quốc gia.

Trong môi trường mới này, ngay cả thể thao cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chính trị. Tháng trước, ngôi sao bóng đá Messi đã vắng mặt trong trận đấu giao lưu với một đội bóng tại địa phương do chấn thương, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở Hồng Kông.

Một trong những tiếng nói chỉ trích Messi gay gắt nhất đến từ bà Regina Ip Lau Suk-yee, cố vấn cấp cao của Chính phủ Hồng Kông, kiêm nhà lập pháp kỳ cựu thân Bắc Kinh.

Mark Lee, một người Hồng Kông, cho biết thành phố của anh càng giống với Đại Lục, thì anh càng muốn di cư ra nước ngoài.

Vị huấn luyện viên cá nhân 36 tuổi này cho biết, khoảng 1/4 trong số 200 người dùng trong nhóm chạy bộ và thể dục trên WhatsApp của anh đã rời Hồng Kông trong vài năm qua. Anh không muốn có con vì lo lắng về hệ thống trường công ở Hồng Kông sẽ yêu cầu giáo dục cho trẻ về an ninh quốc gia.

Mark Lee nói: “Nếu Hồng Kông không còn là thành phố của chúng tôi, sẽ rất khó để không rời đi”. Anh cũng cho biết, những thay đổi này giống như “cái chết bởi hàng ngàn vết cắt”.

Điều 23 của “Luật cơ bản” được Hồng Kông thông qua quy định: “Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ tự ban hành luật, để cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, xúi giục nổi loạn, lật đổ Chính quyền Nhân dân Trung ương và trộm cắp bí mật nhà nước, đồng thời nghiêm cấm các tổ chức hoặc nhóm chính trị nước ngoài tiến hành các hoạt động tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các tổ chức hoặc nhóm chính trị ở Đặc khu hành chính Hồng Kông bị cấm thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc nhóm chính trị nước ngoài.”

Cuối tháng Hai, Ngoại trưởng Anh Cameron ra tuyên bố, cho rằng dự thảo luật về Điều 23 của “Luật cơ bản” do chính phủ Hồng Kông đề xuất không phù hợp với “Tuyên bố chung Trung-Anh”.

Các nhà phân tích tin rằng nội dung của luật mới cũng sẽ làm sâu sắc thêm văn hóa “tự kiểm duyệt” đang thịnh hành trong các lĩnh vực chính trị xã hội của Hồng Kông, đồng thời các quyền tự do ngôn luận, hội họp và truyền thông sẽ tiếp tục bị xói mòn.

Gần 80 người từ khắp nơi trên thế giới đã ký tên thỉnh nguyện, kêu gọi chính phủ các nước đoàn kết và phản đối việc chính quyền Hồng Kông vi phạm trắng trợn “Luật Cơ bản”, “Tuyên bố chung Trung-Anh” và luật nhân quyền quốc tế, ủng hộ người dân Hồng Kông trong và ngoài nước thông qua các chính sách, truy cứu trách nhiệm của chính phủ Hồng Kông và các quan chức liên quan đến Bắc Kinh.

Bình Minh (t/h)