Tổng thống Philippines Marcos Jr. hôm thứ Năm (28/3) cho biết, “Cảnh sát biển Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông đã không ngừng tái diễn các cuộc tấn công nguy hiểm và xâm lược, làm tăng nguy cơ leo thang tranh chấp, Philippines sẽ kiên quyết có biện pháp đáp trả”.

Ferdinand Marcos
Ngày 6/9/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr. tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta, Indonesia trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. (Ảnh: Adi Weda/POOL/AFP qua Getty Images)

Philippines tức giận vì các hành động thù địch lặp đi lặp lại của tàu ĐCSTQ trong vùng biển tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila. Những hành động nguy hiểm của ĐCSTQ ở Biển Đông cũng khiến Mỹ và các đồng minh khác lên án và ủng hộ Philippines.

Ông Marcos không nêu rõ các biện pháp đối phó sẽ là gì, nhưng cho biết trong những tuần tới sẽ đưa ra phản ứng tương xứng và hợp lý trước các cuộc tấn công trắng trợn và không ngừng leo thang của cảnh sát biển ĐCSTQ.

Ông cho biết trên Facebook: “Chúng tôi không theo đuổi xung đột với bất kỳ nước nào, thêm nhiều quốc gia tuyên bố là bạn bè của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không để sợ hãi làm cho phải im lặng, khuất phục hoặc quỵ lụy”.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng xấu, ông Marcos đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, tăng cường mở rộng cho Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines và mở rộng các cuộc tập trận chung, bao gồm tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông – những động thái đã tăng áp lực đối với ĐCSTQ.

Hôm thứ Năm (28/3) phát ngôn viên Ngô Khiêm của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp lại rằng, Philippines phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột gần đây vì đã “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Đồng minh ủng hộ Philippines

Thứ Bảy tuần trước (23/3), Trung Quốc và Philippines lại đụng độ ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Philippines, khiến thủy thủ đoàn Philippines bị thương và hư hỏng thân tàu.

Trước đây 25 năm, Philippines đã cố tình để một tàu đổ bộ thời Thế chiến II mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, Philippines cho con tàu đóng quân ở đó để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền.

ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông – động thái công khai xâm phạm chủ quyền vùng biển của nhiều nước trong đó có Philippines và đặc biệt là Việt Nam. Năm 2016, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague ra phán quyết rằng, các yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ trong khu vực là không có giá trị, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc phản đối phán quyết này.

Hôm thứ Hai (25/1), ĐCSTQ cảnh báo Philippines hành động thận trọng và tìm kiếm đối thoại, cho rằng quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ở “ngã ba đường”.

Tổng thống Marcos của Philippines cho biết ông đã gặp các quan chức quốc phòng và an ninh của đất nước mình cũng như liên lạc với “những người bạn trong cộng đồng quốc tế”.

Ông nói: “Họ (những người bạn quốc tế) đã đề nghị giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu của Philippines để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi, đồng thời đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Sau cuộc xung đột gần đây, Mỹ và Nhật Bản đã ngay lập tức ủng hộ Philippines, lên án các hành động nguy hiểm của ĐCSTQ ở Biển Đông và cảnh báo về hành vi xâm lược của ĐCSTQ gần Bãi Cỏ Mây [một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa – Việt Nam].

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Tư (27/3) đã nhắc lại cam kết của Washington đối với hiệp ước phòng thủ chung với Philippines (ký năm 1951), đồng thời lên án các hành động “nguy hiểm” của ĐCSTQ tại Bãi cạn Second Thomas.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Gilberto Teodoro của Philippines hôm thứ Tư, ông Austin tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Philippines, ông cho biết Philippines đang thực hiện sứ mệnh cung cấp hậu cần hợp pháp.

Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines quy định hai nước phải bảo vệ nhau khi bị tấn công, phạm vi bao gồm lực lượng cảnh sát biển, tàu dân sự và quân sự ở Biển Đông.