Bloomberg hôm thứ Hai (25/3) công bố bài phân tích cho rằng tàu hải cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang sử dụng vòi rồng tấn công tàu Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông – động thái cho thấy ngày càng thách thức giới hạn Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines.

Tau Philippines 1
Vào ngày 23/3/2024, một tàu cảnh sát biển ĐCSTQ đã tấn công một tàu tiếp tế của Philippines bằng vòi rồng. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Trước đó 2 ngày, vào sáng thứ Bảy (23/3), hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn và quấy rối một tàu Philippines đang cố gắng cung cấp dịch vụ hậu cần cho các sĩ quan và binh sĩ Philippines đóng trên một tàu chiến đóng tại bãi cạn gần Bãi cạn Second Thomas (Trung Quốc gọi là Bãi Nhân Ái). Các tàu của Trung Quốc đồng loạt tấn công vòi rồng vào tàu chở hàng tiếp tế của Philippines, buộc tàu của Philippines phải thay đổi lộ trình và rời đi.

Theo truyền thông Philippines, Phủ Tổng thống Malacanang cho biết, Đội An ninh Quốc gia của Nội các Philippines vào thứ Hai (25/3) đã thảo luận về vụ sách nhiễu mới nhất của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhằm vào tàu tiếp tế của Philippines. Văn phòng Thông tin Tổng thống Philippines cho biết, Bộ trưởng Dịch vụ Dân sự Lucas Bersamin đã chủ trì cuộc họp an ninh quốc gia.

Trong 8 tháng qua, đây ít nhất là lần thứ 6 xảy ra vụ việc tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu.

Hôm thứ Hai cả phía Chính phủ Trung Quốc và Philippines đều lần lượt đưa ra “phản đối nghiêm khắc” với nhau. Manila cáo buộc Trung Quốc có “hành động xâm lược” trên biển, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Philippines “xâm phạm trái phép vùng biển tiếp giáp với bãi cạn Nhân Ái (Philippines gọi là Second Thomas) của Trung Quốc” “lợi dụng cơ hội để xâm phạm và khiêu khích”.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong) hôm thứ Hai đã có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro.

Ông Trần Hiểu Đông cho biết: “Quan hệ Trung Quốc-Philippines hiện đang ở ngã ba đường, Philippines phải hành động thận trọng”; “Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Philippines xem xét nghiêm túc các mối quan ngại của Trung Quốc, lùi lại khỏi bờ vực, quay trở lại con đường đúng đắn để sớm giải quyết đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc thông qua đàm phán, để hợp tác với Trung Quốc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và tình hình chung của quan hệ song phương”, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Trần Hiểu Đông.

Nguồn tin từ Bloomberg cho biết, dù việc sử dụng vòi rồng khó có thể buộc Mỹ rơi vào xung đột trực tiếp, nhưng hành động này ngày càng có nguy cơ bị coi là “tấn công vũ trang”. Một khi bị coi là “tấn công vũ trang”, Washington không thể làm ngơ mà buộc phải thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước phòng thủ chung và trực tiếp hỗ trợ Philippines.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói với Bloomberg tuần trước rằng Philippines sẽ chỉ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ nếu phải đối mặt “đe dọa hiện hữu”, nhấn mạnh rằng Philippines đang cố gắng phản ứng xâm lược từ Trung Quốc “một cách bình tĩnh và thận trọng nhất có thể”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng tổ chức một số phóng viên truyền thông đi cùng khi nỗ lực thực hiện việc tiếp tế hậu cần cho Bãi cạn Second Thomas. Nhóm phóng viên này, trong đó có các phóng viên của Bloomberg, đã chứng kiến ​​đối đầu và xung đột giữa tàu Trung Quốc và Philippines.

Theo Bloomberg, hai tàu Cảnh sát biển và hai tàu dân quân Trung Quốc đã bao vây một tàu gỗ của Philippines chuẩn bị tiến tới Bãi cạn Second Thomas để tiếp tế hậu cần và luân chuyển nhân sự. Tàu tiếp tế của Philippines đã đi vòng kéo dài 4 giờ đồng hồ quanh khu vực, cố gắng tránh ngăn chặn và đánh chặn của tàu Trung Quốc nhưng không vượt qua được vòng phong tỏa.

Bloomberg cho biết, tàu cảnh sát biển Trung Quốc ban đầu bắn vòi rồng xuống biển, nhưng sau đó vòi rồng đã bắn thẳng vào thân tàu gỗ Philippines. Trước đó vào ngày 5/3 chính con tàu gỗ này cũng bị tấn công bằng vòi rồng từ một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, khi đó nó đang cố gắng tiếp tế cho tàu quân đội Philippines trên bãi Second Thomas.

Bloomberg cũng chỉ ra, cuộc đối đầu trên biển hôm thứ Bảy giữa Trung Quốc và Philippines cho thấy, khi tàu Philippines ngày càng quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích ở Biển Đông thì Cảnh sát biển Trung Quốc ngày càng tăng cường dùng vòi rồng áp lực cao để phản công. Tình trạng đối đầu, xung đột ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines đã khiến Mỹ nhiều lần phải nhắc lại rằng nếu Philippines gặp “tấn công vũ trang” thì Washington sẽ kiên quyết thực hiện các nghĩa vụ trong hiệp ước.

Vụ tấn công bằng vòi rồng của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhắm vào tàu tiếp tế Philippines kéo dài khoảng một giờ, cuối cùng khiến tàu vận tải Philippines bị hư hại và 3 thuyền viên bị thương. Các tấm cửa sổ trên tàu gỗ bị cuốn trôi, một số tấm ván trên thân tàu bị lỏng, một phần mái tàu bị móp do tác động của vòi rồng áp suất cao.

Bloomberg cho rằng kể từ khi Tổng thống Marcos nhậm chức, ông đã có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, không chỉ phản đối mà còn công khai vạch trần điều mà Philippines gọi là hành động quấy rối của Bắc Kinh. Tuần trước, ông Marcos cho biết các hành động ngày càng gia tăng của Philippines ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là phản ứng trước “các mối đe dọa ngày càng gia tăng”, và Philippines sẽ không bao giờ công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển rộng lớn ở Biển Đông.

Người phát ngôn Lâm Kiếm (Lin Jian) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ vào thứ Hai: “Trước xâm nhập cưỡng bức của tàu Philippines, Cảnh sát biển Trung Quốc đã phải thực hiện các biện pháp thực thi pháp luật cần thiết, đó là động thái hợp pháp, chuyên nghiệp và có chừng mực”. Ông Lâm Kiếm nói thêm: “Trung Quốc yêu cầu Philippines ngay lập tức ngừng hành vi xâm phạm và khiêu khích. Nếu họ nhất quyết tự tung tự tác, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình”.

Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền Biển Đông theo yêu cầu của Philippines, theo đó xác định yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên quyền lịch sử là thiếu cơ sở pháp lý. Nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia trọng tài và từ chối công nhận phán quyết. Ông Lâm Kiếm lưu ý trong cuộc họp báo hôm thứ Hai: “Tòa trọng tài về Biển Đông vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là ‘nguyên tắc chấp thuận tham gia của nước liên quan’, do đó phán quyết đưa ra là bất hợp pháp, không hợp lệ và không có hiệu lực ràng buộc”.