Hôm 30/9, các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ở Honolulu cảnh báo, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong khu vực và sẽ khiến Hoa Kỳ phải đáp trả bằng “nhiều công cụ sức mạnh quốc gia”.

tenlua trieutien
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ tư trong vòng một tuần (Ảnh chụp màn hình video)

Phát biểu với các phóng viên, một quan chức giấu tên của quân đội Mỹ dự đoán, Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân có khả năng sẽ diễn ra một hoặc hai tuần sau khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 16/10. Chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành 4 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.

Quan điểm của quan chức này lặp lại nhận định của cơ quan tình báo Hàn Quốc, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có khả năng diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 16/10 đến ngày 7/11, ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ.

Mặc dù thừa nhận rằng mối liên hệ chưa được thiết lập giữa các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo gần đây và một vụ thử hạt nhân có khả năng xảy ra của Triều Tiên, nhưng người đứng đầu hạm đội Mỹ trong khu vực, Đô đốc Sam Pararo, cảnh báo, bất kỳ vụ thử hạt nhân nào như vậy sẽ là một “vấn đề nghiêm trọng, đáng lo ngại”, và sẽ khiến Hoa Kỳ phản ứng trên diện rộng.

Ông giải thích: “Đầu tiên, phản ứng đó sẽ là việc tham vấn chặt chẽ với đồng minh hiệp ước của chúng tôi, Hàn Quốc, và có khả năng sẽ phù hợp với học thuyết răn đe tổng hợp của chúng tôi, nó sẽ bao gồm nhiều công cụ sức mạnh quốc gia,” ông muốn  ám chỉ các biện pháp ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương chỉ trích, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí như vậy đặc biệt đáng lo ngại bởi vì, không giống các cường quốc khác, Bình Nhưỡng không coi vũ khí hạt nhân là một loại vũ khí ngăn đe nghiêm ngặt, nắm giữ nhưng không bao giờ sử dụng.

Ông nhấn mạnh: “Họ [Triều Tiên] đã đe dọa sẽ sử dụng những vũ khí đó chống lại các nước láng giềng, và thậm chí có thể cả Hoa Kỳ. Ý tôi là, nếu mọi người nghĩ về các quốc khác có vũ khí đó, họ không nói như vậy. Và vì vậy, điều đó khiến mọi người lo ngại.”

Tướng Wilsbach cho hay, ông “sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta chứng kiến một số vụ thử [hạt nhân] trong tương lai gần.” Đồng thời ông cho rằng, nếu một vụ thử hạt nhân được tiến hành, nó “chắc chắn sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong khu vực.

Ông nhận định: “Và nó [vụ thử hạt nhân] sẽ là mối quan ngại lớn đối với một số quốc gia. Tôi nghi ngờ rằng thậm chí Trung Quốc và Nga cũng sẽ lo ngại về điều đó.”

Dưới áp lực của các lệnh trừng phạt quốc tế do chương trình vũ khí của mình, hồi tháng 9, Triều Tiên đã thông qua một nghị quyết tự tuyên bố là một cường quốc hạt nhân “không thể đảo ngược”.

Bình Nhưỡng đã tiến hàng 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Vụ thử gần đây nhất và mạnh nhất là vào năm 2017.

Các bức ảnh vệ tinh được chụp trong những tháng gần đây cho thấy dấu hiệu hoạt động trong một đường hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Nhật Minh (Theo AFP)