Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Osama bin Laden đăng cái gọi là “Thư gửi người Mỹ” tố cáo Mỹ về vụ Israel cùng nhiều vấn đề khác vào năm 2002. Những ngày qua, bức thư này đột nhiên trở nên viral, ước lượng có thể hàng chục hoặc hàng trăm triệu người xem, dẫn đến hàng loạt các biện pháp cấm đoán được triển khai trên Internet.

231118 bin 02 scaled
Osama bin Laden, được xem là người đứng sau vụ đánh sập tòa tháp đôi biểu tượng của Mỹ ngày 11/9/2001. (Ảnh từ Wikipedia)
  • Tweet giới thiệu bức thư này đạt gần 40 triệu view chỉ trong gần 2 ngày:

231118 bin 01
Theo Washington Post, bản “tuyên ngôn” hơn 20 năm trước nay đột nhiên trở nên được quan tâm một phần là do một phóng viên soạn một tweet giới thiệu có tính thu hút cao.

Theo Washington Post, thì vụ “Thư gửi người Mỹ” —mà Washington Post gọi đó là một bản tuyên ngôn (manifesto) của Osama bin Laden năm 2002— đã lưu hành nhiều ngày trên mạng xã hội TikTok.

Người được cho là kiến trúc sư vụ đánh sập tòa cao ốc biểu tượng Mỹ ngày 11/8/2001, Osama bin Laden, đã viết những gì trong cái gọi là tuyên ngôn này? Lại còn ghi là “Thư gửi người Mỹ”? Kỳ thực hơn 20 năm qua không mấy ai quan tâm. Thậm chí nhiều người hoàn toàn không biết đến sự tồn tại nó, mặc dù nó đã được dịch sang tiếng Mỹ và được đăng công khai từ thời bấy giờ rồi.

Mặc dù được lưu hành khá rộng trên TikTok (hashtag #lettertoamerica (thư gửi người Mỹ) được xem 2 triệu lượt trên TikTok trong 2 ngày Thứ Ba và Thứ Tư) nhưng cũng không phải là nhiều. Theo Washington Post, thì “bản tuyên ngôn” này bùng nổ là nhờ một tweet do một phóng viên đăng, trong đó thu hình video nhiều người nói rằng nhất định phải đọc “Thư gửi người Mỹ”, vì trong đó có nhiều thông tin khiến người ta phải giật mình tỉnh ngộ trước những sự thật bị che giấu nhiều năm qua. Chỉ riêng 1 tweet giới thiệu này thôi đã đạt tới gần 40 triệu lượt xem chỉ trong gần 2 ngày.

Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Marco Rubio bình luận mỉa mai rằng “Hiện đang thịnh hành trên mạng xã hội (đặc biệt là TikTok), mọi người nói rằng sau khi đọc “Thư gửi nước Mỹ” của Bin Laden, giờ đây họ hiểu khủng bố là một phương pháp phản kháng hợp pháp chống lại “sự áp bức” và nước Mỹ xứng đáng bị tấn công vào ngày 11/9”.

Tất nhiên, lý do bùng nổ không thể nào chỉ là nhờ một tweet giới thiệu khôn khéo. Nhất định còn có nhân tố bản thân nội dung của bức thư, cùng với phản ứng cấm đoán nhanh chóng bất thường của giới truyền thông.

TikTok đã xóa hashtag #lettertoamerica. Thậm chí một hãng tin danh tiếng The Guardian đã xóa nội dung bức thư này (bản dịch sang tiếng Anh) trên website của mình, bất chấp rằng bài đó được đăng từ hơn 20 năm trước vào ngày 24/11/2002. Trang gốc của The Guardian giờ đã ‘mất tiêu’ nội dung rồi. Nếu muốn đọc, thì phải nhờ các dịch vụ lưu trữ trên mạng, ví dụ phải đọc trang này, hoặc trang này. Trên trang của archive.org cũng cho thấy số lượng người đọc bài lưu từ 20 năm trước ấy tăng đột biến trong những ngày này.

“Đừng biến những lời huyên náo công khai lâu nay của một kẻ khủng bố thành những kiến ​​​​thức bị cấm. Điều đó khiến mọi người cảm thấy hào hứng muốn khám phá lại,” theo Renee DiResta, giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát internet Stanford, người đã tư vấn cho Quốc hội về thông tin sai lệch trực tuyến, đã viết hôm Thứ Năm trước hiện tượng rất nhiều thanh niên Mỹ, những người lớn lên sau sự kiện 11/9, đột nhiên trở nên hứng thú và tìm đọc “Thư gửi người Mỹ” của ông trùm Bin Laden. “Hãy để mọi người đọc yêu cầu của kẻ sát nhân — đây là kẻ mà một số kẻ ngu ngốc trên TikTok đã chọn để tôn vinh.”

Có những nghi ngờ mặc dù chưa đủ bằng chứng rằng chính TikTok —hay đúng hơn là công ty đứng sau nó, ByteDance của Trung Quốc— đã tìm cách xảo diệu để đẩy vụ này lên thành cao trào. Alex Haurek, người phát ngôn của TikTok đã phủ nhận những nghi ngờ này, và nói rằng công ty đã “chủ động và tích cực” xóa đi những video có nội dung quảng bá bức thư kích động bạo lực, vi phạm quy định cấm “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố dù là theo bất kỳ hình thức nào.” Ông nói, công ty đang “điều tra” rằng video ấy đã lọt được vào nền tảng TikTok bằng con đường nào.

Theo Washington Post, có nhiều phê bình rằng sự việc đã khiến người Mỹ quan tâm đến những gì được viết bởi Bin Laden —người đã sát hại 3.000 người Mỹ hôm 11/9/2001— mà những điều được viết ra ấy vốn chỉ là những lời chỉ trích nước Mỹ bằng tâm lý chống người Do Thái, và bằng tư tưởng chống giải phóng tính dục Mỹ theo lối suy nghĩ truyền thống của người Hồi giáo.

Bức thư này quả thật mở đầu bằng câu vinh danh Thánh Allah kèm theo trích dẫn 2 đoạn Kinh Quran, định ra xuất phát điểm góc nhìn của Bin Laden: “Vinh danh Thánh Allah, Đấng vô lượng khoan dung, Đấng vô lượng từ ái,…”

Theo Washington Post, nội dung bức thư là “một loại học thuyết cốt lõi” của các nhóm như Al-Qaeda hoặc IS, như Charlie Winter, một chuyên gia về các vấn đề chiến binh Hồi giáo và giám đốc nghiên cứu của nền tảng tình báo ExTrac, miêu tả một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Năm.

“Không phải là [toàn bộ] bức thư trở nên viral,” ông nói, “mà là một số đoạn của bức thư được tìm đọc nhiều đã khiến nó trở nên viral.”

Trong bối cảnh chiến tranh Israel-Palestine đang nổ ra, hiển nhiên đoạn Bin Laden nói với người Mỹ được quan tâm. Ông ta đã viết:

“Tại sao chúng tôi chiến đấu chống các vị?

Câu trả lời rất đơn giản:

(1) Bởi vì các vị tấn công chúng tôi và tiếp tục tấn công chúng tôi.

  1. a) Các vị tấn công chúng tôi ở Palestine:

(i) Palestine đã bị thu hẹp bởi những chiếm đóng bằng quân sự trong suốt hơn 80 năm. Người Anh đã đưa lãnh thổ Palestine, dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của các vị, cho những người Do Thái, những người đã chiếm đóng ở đó hơn 50 năm; những năm tràn ngập đàn áp, chuyên chế, tội ác, giết chóc, trục xuất, phá hoại, và hủy diệt.

Sự thành lập và duy trì của [nước] Israel là một trong những tội ác lớn nhất, và chính các vị là những người lãnh đạo của những tội phạm đó. Đương nhiên không cần phải giải thích và chứng minh về mức độ của những hậu thuẫn mà nước Mỹ dành cho Israel.

Thành lập Israel là một tội ác mà cần thiết phải chấm dứt. Mỗi từng người mà bàn tay đã dính vào những đóng góp cho việc này đều sẽ phải trả giá, và phải trả bằng cái giá thật đắt.

(ii) Chúng tôi đang phá ra cười đến chảy cả nước mắt khi chứng khiến các vị không ngừng mệt mỏi lặp đi lặp lại cái luận điệu rằng người Do Thái kỳ thực là có quyền trong lịch sử về [lãnh thổ] Palestine, bởi vì nó được hứa hẹn trao cho họ, như viết ở trong kinh Torah. Và rằng bất kỳ ai phản đối cái gọi là sự thực ấy thì đều bị chụp mũ là theo chủ nghĩa bài Do Thái (nói đúng ra thì nguyên nghĩa là “anti-Semitism” (chủ nghĩa bài Semite) chứ không phải chủ nghĩa bài Do Thái; thường được dịch là chủ nghĩa bài Do Thái là không đúng nguyên nghĩa.)

Đó chính là một trong những lừa dối ngụy biện nhất, truyền rộng một cách trắng trợn nhất trong lịch sử.

Người Palestine là những người thuần chủng Ả-rập, mà nguồn gốc chính là người Semite. Chính những người theo Hồi giáo này mới là kế thừa của Moses (an lành cho Ngài) và mới là người kế thừa chân chính của Torah. Điều đó chưa bao giờ thay đổi.

Người Hồi giáo tin vào tất cả các Đấng tiên tri, gồm cả Abraham, Moses, Jesus, và Muhammed, cầu phước an của Thánh Allah cho tất cả các Ngài.

Nếu những tín đồ của Moses đã được hứa về quyền ở lãnh thổ Palestine như trong Torah, thì người Hồi giáo là dân tộc xứng đáng nhất…”

Theo Washington Post, sau khi viral ở TikTok thì bài tuyên truyền quan điểm của Bin Laden được tìm kiếm nhiều trên Instagram. Có một tấm hình chụp nội dung bức thư này đã nhận 10.000 likes chỉ trong buổi chiều Thứ Năm.

Tiếp đó, viral thực sự bùng nổ trên X (Twitter) của ông chủ Elon Musk. Như nói ở trên, chỉ một tweet giới thiệu cũng đã đạt gần 40 triệu lượt xem.

Có một bình luận trên X rằng đọc bức thư thì cảm thấy như được “phá vỡ bức tường kính [lừa dối]” và đặt câu hỏi rằng “đây có phải là cảm giác của những ai đã từng là thành viên của tà thuyết có được sau khi tỉnh ngộ hay không?” Và tweet ấy nhận được 3 triệu lượt xem.

Trước sự bùng nổ này, The Guardian đã gỡ bài đăng toàn văn “Thư gửi người Mỹ” (bản dịch sang tiếng Anh) mà họ đã đăng ngày 24/11/2002. Theo Washington Post, người phát ngôn của The Guardian giải thích rằng bài đăng đó “bị lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông một cách tách khỏi ngữ cảnh.”

Macro Bastos, một giảng viên về truyền thông của Đại học London (Luân Đôn) cho rằng ban biên tập của tờ The Guardian đang phải đối diện với tình huống khó mà trong đó “không có lời giải tốt” (no-win scenario).

“Nếu họ không gỡ bài bỏ bài đó, thì nội dung của bài sẽ được thúc đẩy truyền rộng ra trong các thảo luận, và có tiềm năng sẽ được chia sẻ rộng và có thể viral. Như thế thì dù không phải là tách khỏi ngữ cảnh thì cũng là ra khỏi cái phạm vi ban đầu của bài viết đó,” ông Bastos nói. “Còn nếu họ gỡ bỏ bài đó, thì họ sẽ bị phê phán, như chúng ta chứng kiến hiện nay, [bị phê phán] rằng họ tiến hành kiểm duyệt thông tin.”

Charlie Winter, chuyên gia về các vấn đề chiến binh Hồi giáo, nói rằng ông cảm thấy thật “mỉa mai” khi bức thư lại được chia sẻ một cách thiếu phê bình trên mạng.

“Những người tự coi mình là người sử dụng quan trọng của các phương tiện truyền thông chính thống đang xem nội dung này một cách thiếu suy xét và không nghĩ đến bối cảnh xung quanh nó,” ông bình luận. “Không nghĩ về mọi thứ đã xảy ra chỉ hơn một năm trước khi nó được xuất bản, theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa.”

Osama Bin Laden và nhóm Al-Qaeda của ông ta là đứng sau tổ chức vụ tấn công 11/9/2001, một hành động được thế giới coi là khủng bố, và bị lên án rộng rãi. Theo các báo cáo từ Mỹ, ông ta đã bị tiêu diệt bởi quân đặc nhiệm Mỹ vào năm 2011 ở Pakistan.

Nhật Tân